Sản phẩm từ nguyên liệu dừa được đặt cho cái tên khá thân thương “Sản phẩm thân thiện môi trường”. Sản phẩm này sẽ không gây ra bất kỳ nguy hại nào cho môi trường cả trong và sau quá trình sử dụng. Ấy thế nhưng, ngay tại thị trường nội địa, sản phẩm từ chất liệu cây dừa chưa được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Thay “nhựa” bằng “dừa”
Ngay từ năm 1993, nhận thấy nước ta có nguồn nguyên liệu từ cây dừa rất phong phú và dồi dào nhưng chỉ mới tận dụng ăn trái, ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi, đã nảy sinh ý tưởng tạo ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa. Nghĩ là làm, ông rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây để tìm đầu mối thu mua nguyên liệu dừa.
Những người thu mua dừa đa phần là các lái buôn hoặc thương hồ nhỏ, chủ yếu mua trái dừa về bỏ mối lại cho các sạp hàng tại chợ đầu mối. Còn những bộ phận khác như thân cây, lá dừa thì gần như không ai thu mua. Không nản lòng, ông Hùng xoay xở khắc phục khó khăn bằng cách tự tổ chức thu mua để sản xuất. Ban đầu những sản phẩm của công ty chủ yếu là tận dụng trái dừa để khắc hình con thú sử dụng trang trí trong nhà. Từng bước, công ty nghiên cứu và ra nhiều mặt hàng mới từ nhiều bộ phận của cây dừa. Cho đến nay, công ty đã có hàng trăm chủng loại sản phẩm được tạo ra từ thân cây, lá và quả dừa.
Có những sản phẩm có thể thay thế các vật dụng nhựa plastic và thủy tinh – vốn là nguồn gốc của chất thải nguy hại khó xử lý, hiện đang sử dụng phổ biến trong các gia đình. Cụ thể như chén bát, bình ly, muỗng, đũa, rổ, thảm chùi chân, chóa chụp đèn, giỏ hoa, giỏ sách…
Hình thức sản phẩm cũng rất phong phú, lạ mắt như hình chim cánh cụt, thỏ, ngôi sao, con chó, cá heo... đáp ứng sở thích đa dạng của người tiêu dùng. Có điều, khi đem sản phẩm trên chào bán ra thị trường nội địa thì rất ít người chọn mua.
Không còn cách nào khác, ông Hùng đã mạnh dạn thử đem các sản phẩm sản xuất từ trái dừa chào hàng ra nước ngoài. Và kết quả thật ngạc nhiên vì thị trường nước ngoài đã chấp nhận loại sản phẩm này. Hiện sản phẩm bằng dừa của công ty đã xuất khẩu sang các nước như Đức, Hà Lan, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ.
Đặc biệt, từ năm 2003, công ty của ông được các đối tác Đài Loan (Trung Quốc) đặt hàng sản xuất cây chắn sạt lở bờ sông từ nguyên liệu dừa. Theo đó, xơ của thân dừa được bện lại thành dây, bó thành khối có đường kính khoảng 3 tấc, dài 3m, xung quanh khối xơ dừa được bọc bởi tấm lưới cũng được dệt bằng xơ dừa. Sản phẩm này ngoài tác dụng chống sạt lở bờ sông còn có thể kết hợp trồng cây để giữ bờ kè.
Tạo thói quen mới
Theo bà Trần Thị Mỹ Diệu, Khoa Công nghệ và Quản lý môi trường (Đại học Văn Lang), chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay, ngành nhựa Việt Nam đã phải nhập khẩu tới hơn 600.000 tấn nhựa PP và hơn 400.000 tấn nhựa PE. Bình quân tiêu thụ nhựa tính trên đầu người ở nước ta là 23kg/năm và dự báo tăng 25%-30%/năm trong thời gian tới. Loại nhựa plastic có nhiều ưu điểm như nhẹ, khả năng chống ăn mòn tốt, tiện dụng nên hiện sử dụng khá phổ biến trong các hộ gia đình. Tuy nhiên, cho đến nay chất thải plastic lại trở thành chất thải gây hại cho môi trường nhiều nhất.
Hàng năm, lượng phế thải nhựa các loại ước tính là 80 triệu tấn. Trong đó, 60% phế thải nhựa có nguồn gốc từ bao bì thải và vật dụng gia đình. Sự tích lũy plastic trong đất giảm làm đáng kể năng suất đất trồng. Lượng plastic trôi nổi trên kênh rạch, sông đe dọa đối với các nghề cá, nghề hàng hải, hoạt động nhà máy thủy điện, tưới tiêu và hoạt động công cộng khác.
Hơn nữa, hơn 99% plastic có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, nên việc gia tăng sản xuất và tiêu thụ plastic sẽ gây áp lực nặng nề đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn không thể phục hồi và ngày càng cạn kiệt.
Đó là chưa kể, khí thải phát sinh trong quá trình khai thác, tổng hợp nhựa, sản xuất và tái chế các sản phẩm nhựa là nguồn ô nhiễm môi trường không khí khá nghiêm trọng. Các khí độc hại trong khí thải công nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa bao gồm những thành phần CO2, HCl, NOx, SOx, bụi hóa chất… Một số chất bay hơi từ dây chuyền sản xuất nhựa, tái chế hoặc đốt nhựa phế thải là những hợp chất dioxin hoặc tác nhân có thể gây ung thư…
Theo ông Hùng, với lợi thế về nguồn nguyên liệu dừa, nước ta hoàn toàn có thể phát triển sản xuất vật dụng gia đình, thậm chí trong công nghiệp bằng nguyên liệu từ dừa để thay thế vật dụng bằng nhựa, thủy tinh. Đơn cử như từ năm 2005 đến nay, công ty đã sản xuất thành công tấm lưới hấp thụ sơn bằng xơ dừa thay cho tấm hấp thụ sơn bằng sợi thủy tinh sử dụng cho các ngành công nghiệp có sử dụng phun sơn.
Việc ứng dụng chất liệu từ cây dừa để thay thế chất liệu nhựa là hướng đi thân thiện môi trường. Tuy nhiên, để sản phẩm trên thực sự đi sâu được vào cuộc sống, có lẽ còn phải chờ chủ trương hỗ trợ từ phía nhà nước như trợ giá đối với sản phẩm thân thiện môi trường. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền – biện pháp hiệu quả nhất, để vận động người dân sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.