Liên kết là quy luật tất yếu của nhu cầu phát triển, quảng bá du lịch. Để phát triển du lịch theo hướng bền vững, các địa phương ở miền Trung cần nghiên cứu, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và đưa ra các chính sách kịp thời, phù hợp để phát triển các sản phẩm mới; hợp tác liên kết chặt chẽ để phát triển du lịch.
Liên kết các địa phương trong du lịch tạo ra những trải nghiệm thú vị cho du khách
Có liên kết nhưng còn hạn chế
Cách đây khoảng hơn 20 năm, 3 địa phương gồm Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế đã chủ động ký kết hợp tác phát triển du lịch với chủ đề: “Ba địa phương - một điểm đến”. Kể từ đó, hoạt động liên kết này đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc phối hợp quảng bá, xúc tiến, tổ chức các sự kiện du lịch. Cuối năm 2021, 5 địa phương gồm: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình cũng đã họp triển khai chương trình liên kết phát triển du lịch trong năm 2022. Tuy nhiên, xét trên phạm vi liên kết vùng, câu chuyện liên kết phát triển du lịch vẫn còn nhiều trăn trở. Với 14 tỉnh và thành phố, trải dài 1.900km đường bờ biển cùng với các loại địa hình đồi núi, trung du, đồng bằng ven biển, khu vực miền Trung Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch. Miền Trung là nơi duy nhất của Việt Nam tập trung hầu hết các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới như Khu đền tháp Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Quần thể di tích Cố đô Huế, Phong Nha – Kẻ Bàng, Nhã nhạc cung đình, Nghệ thuật bài chòi… Bên cạnh đó, nhiều bãi biển, đảo ven biển, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống hang động tự nhiên… là lợi thế vượt trội để thu hút khách du lịch góp phần thúc đẩy phát triển ngành kinh tế du lịch dịch vụ. Song, mối liên kết giữa các địa phương vẫn còn nhiều điểm hạn chế.
Mới đây, tại hội thảo “Phát triển bền vững du lịch miền Trung trong bối cảnh mới” (ngày 28/8) do Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức, nhiều chuyên gia đánh giá các hoạt động hợp tác, liên kết du lịch trong khu vực này mới chỉ dừng lại ở việc tăng cường trao đổi, thảo luận chính sách, đưa ra các định hướng, giải pháp chung về phát triển du lịch vùng. Phạm vi liên kết còn hẹp, các lĩnh vực liên kết mang tính tự phát, thiếu bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Việc liên kết trong du lịch tạo ra nhiều giá trị
Trên thực tế, toàn vùng chưa xây dựng được thương hiệu du lịch chung, cũng như những sản phẩm du lịch đặc sắc mang tính vùng. Điều này khiến nội dung phối hợp phát triển du lịch giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, chưa xuất phát từ yêu cầu phối hợp thực tế trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường và phát triển bền vững trong bối cảnh mới hiện nay.
TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng, miền Trung Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch mang tầm vóc quốc tế. Song, đóng góp thực tế của ngành du lịch trong tăng trưởng kinh tế miền Trung còn khá hạn chế. Du lịch chủ yếu phát triển theo chiều rộng dựa vào khai thác thô các tài nguyên du lịch và tập trung thu hút vốn đầu tư vào phát triển hệ thống cơ sở lưu trú. Các sản phẩm du lịch vùng còn khá đơn điệu và có sự trùng lặp ở nhiều địa phương nội vùng; hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương còn hạn chế, mang tính tự phát và chủ yếu dùng lại ở mức độ cam kết thỏa thuận giữa lãnh đạo các địa phương.
Năm 2022, TS. Trần Du Lịch, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung đã chỉ ra, việc liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 3 “điểm nghẽn” chính. Đầu tiên là giao thông kết nối vùng kém. Thứ hai, có hội đồng vùng nhưng tồn tại có phần hình thức, chưa có đóng góp nhiều. Thứ ba, vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong hình thành những chuỗi liên kết chưa tổ chức được nhiều, ngoại trừ du lịch còn một số lĩnh vực khác chưa làm được.
Chuyển từ “điểm du lịch” sang “vùng du lịch”
Nhiều tỉnh miền Trung, trong đó có Thừa Thiên Huế xác định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong bối cảnh mới có nhiều biến động, liên kết trở thành quy luật tất yếu của nhu cầu phát triển, quảng bá du lịch.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế chia sẻ, để phát triển du lịch theo hướng bền vững, các địa phương cần nghiên cứu, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và đưa ra các chính sách kịp thời, phù hợp để phát triển các sản phẩm mới; hợp tác liên kết phát triển giữa các vùng; quan tâm đến xúc tiến, quảng bá du lịch tập trung và hiệu quả công tác này. Cùng với đó, các địa phương cần phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Các địa phương trong vùng cần xây dựng và thống nhất quy hoạch phát triển du lịch; hợp tác để xây dựng các sản phẩm du lịch chung; đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giữa các tỉnh hình thành điểm đến du lịch. Bên cạnh đó, việc ban hành chung chiến lược phát triển du lịch của vùng để mỗi địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của địa phương bổ trợ cho nhau nhưng không trùng lắp, nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, kéo dài kỳ tham quan của du khách là rất cần thiết. Ngoài ra, cần phải có sự phối hợp tay ba giữa các cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành (tour) và hệ thống vận tải.
Bài, ảnh: Hữu Phúc