Để phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Ninh Thuận triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý, bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển; các loài động vật, thực vật bản địa quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên gắn với phát triển du lịch sinh thái... nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
Đầm Nại (Ninh Hải, Ninh Thuận) được “hồi sinh” với những cánh rừng ngập mặn xanh tốt góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Đa dạng tài nguyên sinh học
Ninh Thuận là một trong những địa phương có tính đa dạng sinh học phong phú. Toàn tỉnh có trên 147.419 ha rừng tự nhiên và trên 10.666 ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng hiện đạt 47,11%. Đặc biệt, tỉnh có nhiều lợi thế khi sở hữu Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Núi Chúa và Vườn Quốc gia Phước Bình. Đây đều là những nơi chứa sự đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên độc đáo với nhiều loài động, thực vật quý hiếm đang được ưu tiên bảo tồn và phát triển.
Voọc Chà vá chân đen ở Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN phát
Ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa thông tin, Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Núi Chúa có tổng diện tích trên 106.646 ha, vùng lõi có diện tích 15.752 ha (thuộc địa bàn hai huyện Ninh Hải và Thuận Bắc). Nơi đây hội tụ đầy đủ ba không gian gồm rừng, biển, bán sa mạc và là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á.
Theo khảo sát mới nhất, Vườn Quốc gia Núi Chúa hiện có 1.514 loài thực vật; trong đó có 27 loài đặc hữu, có 54 loài thực vật có tên trong Danh lục đỏ IUCN và Sách đỏ Việt Nam. Tại những khu rừng này, các nhà nghiên cứu đã thống kê được 763 loài động vật, trong đó có 60 loài động vật quý hiếm, 48 loài động vật đang nằm trong nguy cơ tuyệt chủng theo Sách Đỏ Việt Nam và 34 loài có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu. Vườn còn có sự đa dạng về động vật biển khi có 40 km đường biển bao quanh khu vực với khu bảo tồn biển rộng 7.352ha. Nơi đây có quần thể rùa biển lên đẻ trứng mỗi năm và rạn san hô ven bờ lớn nhất nước ta với 350 loài.
Cá thể rùa được cứu hộ, thả về vùng biển của Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN
Đề cập về tính đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Phước Bình (thuộc địa bàn huyện Bác Ái), ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết, Vườn có tổng diện tích khoảng 25.000 ha. Nơi đây có các giá trị đa dạng sinh học cao về cảnh quan thiên nhiên với 6 kiểu thảm thực vật chính và 8 kiểu phụ. Theo đánh giá của các nhà khoa học, số lượng kiểu thảm thực vật của Vườn Quốc gia Phước Bình đa dạng vào bậc nhất so với các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam hiện nay.
Vườn Quốc gia Phước Bình hiện có 1.338 loài thực vật; trong đó có 172 loài quý hiếm, 60 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 58 loài được ghi trong Danh lục đỏ IUCN. Hệ động vật của Vườn đa dạng với 347 loài; trong đó có 110 loài quý hiếm, 64 loài được ghi tên trong Sách đỏ Việt Nam, 50 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN. Đặc biệt, nơi đây có 4 loài thú đặc hữu Đông Dương đang được thế giới quan tâm gồm vượn má hung, chà vá chân đen, cầy vằn bắc và mang lớn. Vườn Quốc gia Phước Bình còn được công nhận là một trong 63 vùng chim, nơi có số lượng bò tót và nai nhiều nhất so với các vườn quốc gia, các khu bảo tồn trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam.
Xác định tài nguyên đa dạng sinh học có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Thuận tập trung quy hoạch, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học tại hai Vườn Quốc gia, bảo vệ các hệ sinh thái rừng tự nhiên và phát triển diện tích rừng trồng, bảo tồn các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm; xây dựng vườn thực vật, khu vực cứu hộ sinh vật biển phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học tuy đã được các cấp, ngành quan tâm bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trong cả nước, đa dạng sinh học của Ninh Thuận đang đứng trước nguy cơ suy thoái, thể hiện qua các cấp độ, đó là giảm chất lượng và chức năng của hệ sinh thái, nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, suy giảm quần thể. Trong một số trường hợp, đa dạng gen của quần thể các loài trọng tâm dễ bị suy thoái do mất nơi sống và chia cắt sinh cảnh, giảm hành lang đa dạng sinh học, làm cô lập một số quần thể.
Nguồn tài nguyên hệ động vật, thực vật đang bị đe dọa từ những tác động đa chiều do áp lực từ gia tăng dân số, tình trạng cháy rừng, chiếm dụng đất rừng làm nương rẫy, săn bắt trái phép các loài động vật hoang dã, ô nhiễm môi trường, rác thải, biến đổi khí hậu. Thực trạng này đòi hỏi cần có giải pháp tổng thể để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học các hệ sinh thái trên cạn, đất ngập nước, rạn san hô, thảm cỏ biển…
Thắt chặt quản lý, bảo vệ
Nhằm kiểm soát việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với đa dạng sinh học, UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan có liên quan đánh giá hiện trạng, diễn biến đa dạng sinh học trên địa bàn; xây dựng các giải pháp bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học; bảo vệ diện tích rừng và số loài động thực vật quý hiếm bị đe dọa; tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các vụ vi phạm xâm hại đến các hệ sinh thái tự nhiên.
Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam (Thuận Nam, Ninh Thuận) tạo thành lá chắn giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyễn Thành –TTXVN
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, thực thi pháp luật về Luật Đa dạng sinh học; tập trung bảo tồn và phát triển sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên, quan trọng trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh huy động các nguồn lực triển khai các chương trình, dự án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua các hoạt động giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng và chăm sóc rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên để tiếp tục nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài hoang dã và cảnh quan môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Du khách khám phá hệ sinh thái rừng tại Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN phát
Trong giai đoạn 2023 - 2025, Ninh Thuận dành trên 112 tỷ đồng để trồng rừng thay thế với tổng diện tích 1.121 ha, bao gồm 500 ha rừng đặc dụng, 621 ha rừng phòng hộ. Đây là một trong những hoạt động quan trọng được tỉnh triển khai nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phát huy chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó chủ động, hiệu quả với biến đổi khí hậu; chống xói mòn, chống sa mạc hóa, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học trên địa bàn.
Tỉnh triển khai các chương trình hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi để phát triển sinh kế, đào tạo nghề, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế, kết hợp phát triển chăn nuôi nhằm giúp người dân có thu nhập ổn định để giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, ngành chức năng đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học cho cán bộ, người dân sống trong vùng đệm.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, để phát huy hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để giảm thiểu tối đa những tác động, rủi ro của thiên tai và các hoạt động của con người tới tài nguyên đa dạng sinh học, góp phần tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ninh Thuận tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, các đơn vị, trường đại học tiếp tục tìm kiếm, phát triển và định hướng những nghiên cứu mới để bổ sung thêm những loài mới cho danh lục khoa học. Tỉnh triển khai các phương thức bảo tồn chuyển chỗ, phát triển hệ thống vườn thực vật, vườn ươm, vườn động vật, khu vực cứu hộ sinh vật biển để bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng.
Khu vực cứu hộ sinh vật biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Cùng với nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái như: du lịch biển, du lịch rừng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục môi trường và tham quan, nghỉ dưỡng để thu hút du khách, tạo thêm nguồn thu nội lực phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Việc phát triển này tuân theo nguyên tắc không làm thay đổi cảnh quan, không gây tác động xấu đến tài nguyên động, thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững đối với bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn hai Vườn Quốc gia trên địa bàn.
Nguyễn Thành