Được thiên nhiên ưu ái ban tặng những lợi thế riêng với nguồn khoáng nóng quý hiếm cùng hệ thống 36 di tích lịch sử văn hóa đặc trưng đã tạo thuận lợi để huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn, nâng cao thu nhập cho người dân. Trên cơ sở đó, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã xác định phát triển du lịch là khâu đột phá, trọng tâm là xây dựng huyện thành vùng trọng điểm du lịch, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của tỉnh.
Di tích lịch sử Đền Lăng Sương, xã Đồng Trung được đầu tư bảo tồn, tôn tạo, thu hút đông đảo khách du lịch tham quan.
Cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 16/4/2021 về phát triển du lịch huyện Thanh Thủy giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển “ngành công nghiệp không khói”. Xác định “giao thông đi trước mở đường”, tạo nền tảng kết nối vùng, tour, tuyến du lịch, Thanh Thủy tranh thủ nguồn vốn Trung ương, tỉnh đầu tư tuyến đường trọng điểm 317G nối QL32 đi Hòa Bình; cải tạo, nâng cấp đường giao thông kết nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 70 tỉnh Phú Thọ đi Hòa Bình và đường tỉnh 317C... Ngoài các tuyến đường đối ngoại, huyện tập trung nguồn vốn xây dựng, nâng cấp các tuyến đường kết nối các khu điểm du lịch trọng điểm của huyện với các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch dễ tiếp cận với khu, điểm du lịch, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư các dự án du lịch.
Huyện cũng đã chú trọng thu hút nguồn lực đầu tư vào phát triển hạ tầng du lịch. Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, Thanh Thủy thu hút hơn 7.000 tỉ đồng đầu tư phát triển du lịch. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện, đồng bộ theo hướng hiện đại. Hiện nay trên địa bàn huyện có tám đơn vị khai thác dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái hoạt động có hiệu quả như: Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh, Vườn Vua Resort & Villas, Bamboo Resort, Tre Nguồn Resort... Ngoài ra còn có khoảng 45 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với hơn 3.900 phòng, trong đó 3.388 phòng đạt tiêu chuẩn ba sao. Mới đây, Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng năm sao Whyndham Thanh Thủy đã chính thức đi vào hoạt động, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Phú Thọ.
Các sản phẩm du lịch chất lượng, đặc trưng của vùng, gắn với xây dựng thương hiệu huyện du lịch cũng được quan tâm phát triển. Thanh Thủy đã xây dựng ba loại hình du lịch gồm: Vùng du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội truyền thống; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ẩm thực và du lịch trải nghiệm, giáo dục truyền thống về cội nguồn, thu hút đông đảo khách thập phương.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay, 4/4 chỉ tiêu về du lịch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Thủy lần thứ XXVI đề ra đều hoàn thành mục tiêu theo lộ trình thực hiện. Năm 2023, ước tính huyện thu hút khoảng 680 nghìn lượt khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng mang lại doanh thu 520 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 17.300 lao động trực tiếp và gián tiếp. Đặc biệt, huyện đã tổ chức thành công Tuần Du lịch huyện Thanh Thủy - Mùa Thu năm 2022, năm 2023, góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch địa phương.
Phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn, khai thác lợi thế của địa phương, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân của huyện đạt khoảng 58,1 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,37%. Huyện giữ vững và không ngừng nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới, nỗ lực thực hiện mục tiêu nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng chí Vũ Đức Kiên - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Thủy cho biết: Nỗ lực thực hiện khâu đột phá về phát triển du lịch, thời gian tới, Phòng sẽ tích cực tham mưu cho huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xây dựng hình ảnh du lịch; thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch địa phương, xây dựng và nâng cao các sản phẩm du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ du lịch để nâng cao chất lượng phục vụ; có cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch; nâng cao hiệu quả quản lý, liên kết trong phát triển du lịch. Đặc biệt, huyện chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các lễ hội gắn với các di tích lịch sử tiêu biểu để hình thành điểm du lịch văn hóa, trải nghiệm; xây dựng các địa điểm trưng bày, giới thiệu sản vật đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn OCOP của huyện, tỉnh tại khu, điểm du lịch, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương, tạo thêm thu nhập cho người dân...
Lệ Oanh