Ðến khu vực 1 (Cồn Sơn), phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy hỏi thăm anh Phan Hữu Thắng (29 tuổi), nhiều người biết đến với mô hình trồng nhãn Idor kết hợp làm du lịch. Nhờ chịu khó học hỏi, nhạy bén trong kinh doanh, anh Thắng đã khởi nghiệp thành công với thu nhập ổn định.
Vườn nhãn của anh Thắng hơn 7 năm tuổi, xanh tốt và cho trái ổn định.
Với diện tích 8 công trồng nhãn Idor, anh Thắng thu hoạch hơn 10 tấn nhãn, thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Có được những thành quả trên là nhờ sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, biết ứng dụng khoa học vào sản xuất nên mô hình trồng nhãn Idor của anh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2016, anh Thắng tham quan các mô hình làm vườn hiệu quả và biết được giống nhãn Idor có ưu điểm kháng được bệnh chổi rồng, năng suất cao và giá thành ổn định. Anh Thắng quyết định đốn bỏ 8 công chôm chôm trên 10 năm tuổi và đặt mua 250 nhánh nhãn Idor với giá 30.000 đồng/nhánh về trồng thử. Anh Thắng chia sẻ: “Giai đoạn đầu, cây nhãn chậm phát triển, một phần do bón phân, phun thuốc không đúng quy trình. Đối với cây nhãn Idor khi ra đọt non phải phun thuốc sâu nhằm hạn chế sâu, rầy tấn công. Song song đó, phải bón phân theo định kỳ để cây tốt sẽ kháng được bệnh”. Với cách làm này, vườn nhãn của anhThắng đã phát triển xanh tốt. Năm 2018, vườn nhãn đã cho thu hoạch được hơn 3 tấn, giá bán ra thị trường với giá trên 30.000 đồng/kg.
Hiện nay, vườn nhãn của anh Thắng đã được hơn 7 năm tuổi, xanh tốt và cho trái ổn định. Anh Thắng cho biết: “Trồng nhãn Idor không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Do nhãn Idor có ưu điểm hạt nhỏ, vỏ mỏng, cơm dày và giòn, ít nước, độ ngọt vừa phải nên được thị trường ưa chuộng. Trung bình 1kg nhãn bán được cho thương lái với giá 20.000-30.000 đồng”. Để cho cây nhãn xanh tốt, sau khi thu hoạch, anh Thắng tiến hành tỉa cành, bỏ những cành già, tạo tán cho cây.
Ngoài trồng nhãn Idor, từ năm 2018 đến nay, anh Thắng phát triển thêm mô hình làm vườn kết hợp với làm du lịch. Nhà Vườn Sáu Cảnh là một trong những điểm tham quan thu hút du khách khi đến Cồn Sơn. Để thu hút được nhiều lượt khách đến vườn tham quan, trải nghiệm, anh Thắng chia 8 công nhãn ra làm 4 đợt để xử lý cho trái. Trung bình, một đợt anh Thắng xử lý cho trái khoảng 2 công nhãn. Khi nhãn đến thời điểm thu hoạch, anh Thắng tổ chức bán vé cho khách tham quan và ăn nhãn tại vườn với chi phí 30.000 đồng/lượt khách.
Anh Thắng cho biết: “Những năm gần đây, du khách đến tham quan vườn nhãn khá đông. Vào dịp hè hay những ngày lễ có 400-500 lượt khách đến tham quan/tháng. Đến đây, du khách được tham quan và tự tay hái trái thưởng thức. Những du khách có nhu cầu mua trái cây làm quà cũng được bán với mức giá tại vườn. Từ đó, gia đình tôi không phải lo đầu ra cho sản phẩm”. Ngoài tổ chức khách tham quan vườn nhãn, anh Thắng còn phục vụ thêm dịch vụ ăn uống cho du khách. Đến với Nhà Vườn Sáu Cảnh, thực đơn tại điểm tham quan của Thắng chủ yếu là những món ngon của địa phương, như: cháo gà thả vườn, lẩu mắm, canh chua cá lóc, cá rô kho tộ… với giá phải chăng, thu hút nhiều du khách đến thưởng thức.
“Sắp tới, tôi sẽ mở thêm các nhà tum tại vườn nhãn để phục vụ du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Ngoài ra, tôi tận dụng diện tích các mương vườn thả nuôi ốc bưu đen, nuôi cá lóc, cá tai tượng, ếch… để phục vụ những món ăn dân dã cho du khách trải nghiệm ăn uống tại Nhà Vườn Sáu Cảnh”- anh Thắng chia sẻ.
Bài, ảnh: Thanh Thư