Du lịch nông nghiệp nông thôn và OCOP có sự quan hệ mật thiết và làm sao để nâng tầm cả 2 lĩnh vực này mang lại lợi ích thiết thực cho các bên liên quan là nội dung được quan tâm của diễn đàn "Phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP".
Quang cảnh diễn đàn tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: Q.T
Sáng ngày 22/9, tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra diễn đàn "Phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP". Tham dự và chủ trì diễn đàn có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam. Diễn đàn được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến gần 300 điểm cầu trên cả nước.
Cộng sinh để phát triển bền vững
Những năm gần đây cả ngành du lịch quốc gia lẫn chương trình OCOP quốc gia mỗi xã một sản phẩm đều thu được nhiều thành tựu, điều này chứng tỏ tiềm năng để hai bên kết nối với nhau rất lớn nhất là khi dư địa của lĩnh vực du lịch nông nghiệp nông thôn vẫn còn rộng mở, chưa được khai thác sâu.
Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) đang được hướng đến trở thành sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng 4-5 sao trong tương lai. Ảnh: Q.T
Thông tin từ Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, đến quý 3 năm 2023 trên toàn quốc đã có hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP, con số mà trước đây dự kiến phải đến năm 2025 mới đạt được.
Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng, chính vì sự gia tăng nhanh chóng sản lượng OCOP nên càng cần phải thúc đẩy quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Xuất khẩu theo hình thức thông thường chỉ là 1 kênh, bởi với quy mô sản xuất hiện nay của nhiều sản phẩm OCOP không thể đáp ứng sản lượng cung cấp theo con đường đó. Và lối ra chính là việc tìm giải pháp xuất khẩu chỉ có qua con đường du lịch. Và trên thực tế đã có nhiều sản phẩm OCOP lên máy bay cùng du khách về nước.
"Điều đó chứng tỏ sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp nông thôn có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Du lịch nông thôn là không gian để phát triển sản phẩm OCOP còn sản phẩm OCOP là nơi khơi nguồn phát huy giá trị đặc trưng để lôi cuốn khách du lịch đến địa phương" - ông Anh nói.
Lò gạch cũ (Duy Xuyên) là một điểm du lịch nông nghiệp nông thôn khá hấp dẫn với du khách trong thời gian qua. Ảnh: Q.T
Tại Quảng Nam, câu chuyện gắn kết du lịch nông nghiệp nông thôn với sản phẩm OCOP cũng đã được xới lên nhiều trong thời gian gần đây khi mà mỗi năm có hàng triệu lượt khách du lịch đến địa phương. Với sự sáng tạo của các chủ thể, Quảng Nam đã hình thành một số sản phẩm OCOP ở lĩnh vực du lịch - dịch vụ điển hình nhất là Chợ phiên làng chài Tân Thành (Cẩm An, TP.Hội An), sản phẩm này mới đây còn nhận được Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023.
Thông tin tại diễn đàn, hiện Việt Nam chưa có sản phẩm OCOP du lịch đạt chuẩn 5 sao. Tại Quảng Nam, hiện có sản phẩm Chợ phiên làng chài Tân Thành đạt chuẩn OCOP 4 sao. Qua thống kê ở Quảng Nam, sản phẩm OCOP ở lĩnh vực dịch vụ nông thôn và điểm du lịch chính là lĩnh vực chiếm tỷ lệ thấp nhất trong 6 lĩnh vực. |
Còn nhiều trăn trở
Theo các chuyên gia tham dự diễn đàn, ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước đều đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP nhưng có thực tế ở một số địa phương kế hoạch này khá hời hợt. Có nơi thì không thể hiện được vai trò thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm OCOP trong khi có nơi lại không có giải pháp hiệu quả để xúc tiến du lịch.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty Saigon ASSET cho biết, sản phẩm OCOP là nguồn tài nguyên lớn làm cơ sở phát triển tour tuyến du lịch nông nghiệp nông thôn, nhưng ở góc nhìn người cộng tác làm du lịch nông thôn, sản phẩm thì OCOP phải là sản phẩm đặc thù nhưng hiện nay sản phẩm OCOP quá nhiều thì tất yếu trùng lắp. Khi đi xúc tiến thì hầu như xuất hiện những sản phẩm na ná nhau. Trong kinh tế hàng hóa đây là bình thường nhưng ở góc độ du lịch khi xây dựng sản phẩm tour tuyến chào mời thì rất khó.
Cần khắc phục sự
Ông Nghĩa thông tin thêm, hiện nay có tình trạng mà các đơn vị làm du lịch hay gặp phải là việc kết nối thiếu bền vững giữa đơn vị khai thác lữ hành với điểm đến hoặc chủ thể OCOP.
"Khi mới bắt đầu thì họ rất nhiệt tình kết nối, hợp tác để thúc đẩy phát triển du lịch nhưng khi có được chỗ đứng trên thị trường thì lại có sự thay đổi khiến đơn vị khai thác tour tuyến gặp khó" - ông Nghĩa nói.
Cũng tại diễn đàn, nhiều vướng mắc trong phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với sản phẩm OCOP được đề cập như: thiếu định hướng chiến lược, rào cản pháp lý về đất đai khi phát triển dự án du lịch, thiếu liên kết giữa các chủ thể, sự công nghiệp hóa trong sản phẩm OCOP làm mất đi tính đặc sắc bản địa...
Cần giảm thiểu sự tương đồng, trùng lắp trong sản phẩm OCOP để tạo ra sự đặc thù thì mới có thể lôi cuốn khách hàng và du khách. Ảnh: Q.T
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay, hiện đã có quyết định về phát triển du lịch nông thôn của Chính phủ và Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ VHTTDL phát triển chương trình này. Bộ NN&PTNT muốn khai thác lĩnh vực này thành ngành kinh tế du lịch nông thôn và trở thành thương hiệu của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP. Dù vậy, việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với sản phẩm OCOP bản địa còn là câu chuyện nội sinh của từng địa phương.
Quốc Tuấn