Ngày không khói xe

Cập nhật: 24/09/2009
Buổi sáng, kẹt xe và khói bụi là hai món... "điểm tâm" mà phần lớn người dân TP.HCM buộc phải "thưởng thức miễn phí" bất kể ngày nào. Nhưng sáng chủ nhật vừa qua, những người đi qua công viên Tao Đàn (TP.HCM) lại thấy một cảnh tượng khác: hàng trăm người trẻ, mỗi bạn bên một chiếc xe đạp để hưởng ứng Ngày không khói xe (World Carfree Day) ngày 22/9 - một ngày đã phổ biến trên thế giới.

Thái Thủy Tú, SV ĐH Khoa học tự nhiên, một thành viên trong nhóm tình nguyện VN Xanh, những người tổ chức sự kiện này, bày tỏ: Chứng kiến kẹt xe mỗi ngày và môi trường bị ô nhiễm do hàng triệu ống pô xe máy thải ra là động lực thôi thúc nhóm thực hiện Ngày không khói xe tại VN. Đó sẽ như một cách nhắc nhở mỗi người, đặc biệt là người trẻ, ý thức hơn về môi trường sống xung quanh mình.

Thủy Tú cho biết Ngày quốc tế không khói xe là một sự kiện được tổ chức vào ngày 22/9 hằng năm được nhiều nước trên thế giới hưởng ứng. Tại VN, lần đầu tiên nhóm tình nguyện Việt Nam Xanh đã kêu gọi người dân và đặc biệt là các bạn trẻ hưởng ứng vào năm 2007. Đến nay nhóm này đã ba lần liên tiếp tổ chức Ngày không khói xe nhằm kêu gọi người dân giảm thời gian sử dụng các loại phương tiện cá nhân thải khói và chuyển sang các hình thức đi lại thân thiện hơn với môi trường như xe buýt, xe đạp...

Tìm hiểu thấy nhiều người dân VN còn ít biết đến Ngày quốc tế không khói xe cũng như việc sử dụng những phương tiện thân thiện hơn với môi trường, nhóm đã bắt tay vào công việc gầy dựng ý thức sống xanh, bắt đầu từ sinh viên. Từ việc kêu gọi và tập hợp những người trẻ có chung ý thức bảo vệ môi trường, một nhóm nhỏ rồi dần dần được hàng ngàn thành viên khác hưởng ứng.

"Ở nước mình sẽ khó nếu vận động mọi người không sử dụng xe máy. Nhưng chúng ta vẫn có thể đi xe buýt hoặc xe đạp" - Đăng Khoa, thành viên trong nhóm, bày tỏ. Điều bất ngờ nhất là từ phát động này, nhiều bạn tham gia nhóm đã chuyển hẳn sang sử dụng xe đạp hoặc đi xe buýt nhiều hơn. "Hình ảnh đi làm bằng xe đạp hay đi bộ thường thấy ở nước ngoài sẽ xuất hiện nhiều hơn ở VN" - Khoa nói như ao ước.

Và khi thấy một bạn trẻ đạp xe đi làm, xin hãy nghĩ rằng bạn ấy muốn dành phần tiện nghi tốt nhất của mình cho cuộc sống chung.

Nguồn: Tuổi Trẻ