Đã thành “thương hiệu” riêng có, hàng năm, cứ mỗi độ thu sang, khi những cánh đồng lúa đã trĩu nặng hạt vàng óng trên thung lũng Mường Lò, những chàng trai, cô gái Thái lại dập dìu lời yêu bên sàn Hạn Khuống, hoà mình cùng những lời ca, điệu nhạc và những vũ điệu mê say. Tất cả đều chung niềm náo nức, hân hoan, mở lòng chào đón để hướng tới một không gian văn hoá đa sắc màu trong Chương trình khai mạc Lễ hội Văn hoá, Du lịch Mường Lò năm 2023 với chủ đề “Mường Lò - Miền di sản”.
Vòng đại xoè đặc biệt với sự tham gia của 2.023 nghệ nhân, diễn viên đã tạo sự gắn kết, là biểu tượng gắn liền với đời sống văn hoá của đồng bào dân tộc Thái.
Nhiều giá trị văn hóa được tái hiện tại Lễ hội
Là một trong những hoạt động được đông đảo du khách háo hức đón chờ đó là màn diễu diễn đường phố với sự tham gia của 350 nghệ nhân, diễn viên đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các đoàn diễu diễn đi từ tuyến đường Điện Biên qua khu vực sân khấu sân vận động thị xã Nghĩa Lộ với nhiều sắc màu tươi mới và độc đáo, thể hiện những giá trị tinh hoa, đặc sắc nhất trong văn hóa bản địa của bà con dân tộc, như lời chào đón và mời gọi những du khách đến khám phá và trải nghiệm vùng đất Yên Bái huyền thoại.
Lần đầu tiên đến với Mường Lò, anh Alex Emerson - du khách Mỹ chia sẻ: "Thật tuyệt vời! Tôi chưa từng được xem qua một chương trình nào thực sự ấn tượng như vậy. Văn hoá của Việt Nam và đặc biệt là của đồng bào vùng Tây Bắc thật sự rất thú vị, độc đáo. Tôi rất thích và chắc chắn sẽ quay trở lại nơi đây!”.
Háo hức mong chờ bấy lâu, Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề "Mường Lò - Miền di sản” đã thực sự để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách. Chương trình gồm 3 chương: "Về miền di sản”; "Vũ điệu Mường Lò” và "Đại xòe nối những vòng tay” với nhiều điểm mới, đặc sắc, được dàn dựng công phu với các màn nghệ thuật tái hiện lịch sử hình thành, phát triển của mảnh đất Mường Lò - Nghĩa Lộ, kết hợp cùng các nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Chương trình đã có sự kết hợp sáng tạo giữa văn hoá truyền thống với yếu tố hiện đại, là một câu chuyện được kể bằng âm nhạc về một người con quê gốc Yên Bái khi đưa những người bạn đến thăm mảnh đất Mường Lò. Qua đó ca ngợi vẻ đẹp của vùng đất Nghĩa Lộ - Mường Lò, miền đất giàu truyền thống văn hóa, xứ sở của nhiều lễ hội, mà ở đó, lễ hội nào cũng chứa đựng một tâm tưởng vừa kín đáo, vừa lan tỏa, vừa ý nhị và sâu sắc, độc đáo như chính mảnh đất và chiều sâu văn hóa trong tâm hồn mỗi con người nơi đây.
Đặc biệt tái hiện hình ảnh Mường Lò - vùng đất của những sắc hoa ban nở trắng trời mỗi độ xuân về, một loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.
Anh Đinh Tuấn Hùng - du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Tôi thấy đặc biệt ấn tượng và bị thu hút bởi vòng đại xòe kết nối. Đây là màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái - một biểu tượng tinh thần mang giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, thể hiện sức sống mãnh liệt và sức mạnh đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc, thu hút sự tham gia của hơn 2.000 nghệ nhân, diễn viên tham gia.
Rất nhiều các biểu tượng được hiện hữu trên sân khấu như: vòng xòe thuở sơ khai, hoa văn hình nóng nan (tượng trưng cho nghề đan lát truyền thống của đồng bào), hoa văn thổ cẩm, nhà sàn truyền thống, hoa ban… Qua đó, giúp tôi và nhiều du khách hiểu hơn về những nét văn hóa của đồng bào Thái Nghĩa Lộ”.
Để có được màn biểu diễn mãn nhãn, cùng sự đam mê những điệu dân vũ của đồng bào mình, các nghệ nhân, diễn viên đã dành nhiều thời gian để luyện tập, để đem đến lễ hội đêm nay các điệu xòe chắt lọc tinh túy qua thời gian, biểu tượng văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc Thái Mường Lò.
Chị Đồng Thị Đan - xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Tôi rất tự hào vì mình là người dân tộc Thái, là con dân của thị xã Nghĩa Lộ. Thật vinh dự vì được tham gia chương trình lễ hội hàng năm để góp phần quảng bá, giới thiệu những nét văn hoá của dân tộc mình đến đông đảo người dân và du khách, để Di sản Xoè Thái mãi trường tồn”.
Dấu ấn Miền di sản
Từ nhiều năm nay, Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò được tổ chức thường niên tại thị xã Nghĩa Lộ; được đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước yêu mến, đón đợi không chỉ bởi không khí lễ hội vui tươi rộn ràng mang thương hiệu riêng của Mường Lò - Nghĩa Lộ trong những ngày mùa thu đẹp nhất của đất trời Tây Bắc; mà còn bị cuốn hút bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp; thú vị bởi những nét độc đáo của văn hóa ẩm thực; hào hứng với những lễ hội dân gian truyền thống; ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những cô gái Thái với những chiếc khăn Piêu yêu kiều, duyên dáng; ngất ngây trong những điệu xòe cổ làm đắm say lòng người; thỏa lòng đam mê muốn khám phá nét đẹp tiềm ẩn của đất và người nơi đây.
Trong khuôn khổ lễ hội năm nay, nhân dân và du khách đã được tham quan, thưởng lãm không gian văn hóa rực rỡ sắc màu của Ngày hội Văn hóa các dân tộc Yên Bái; được trải nghiệm trò chơi dân gian; được bay trên dù lượn, thả hồn trong hương sắc mùa thu ngắm thung lũng Mường Lò cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc trong khuôn khổ Lễ hội; được hòa mình trong vòng xòe bất tận để cảm nhận những giá trị nhân văn sâu sắc, sức sống mãnh liệt và sự lan tỏa mạnh mẽ của Nghệ thuật xòe Thái - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh.
Đặc biệt, nhân dân và du khách được tham quan không gian quảng bá, giới thiệu các Di tích lịch sử, Di sản Văn hóa của thành phố Hà Nội nghìn năm văn hiến - như một món quà ý nghĩa gửi tặng nhân dân và du khách gần xa trong những ngày trải nghiệm trên mảnh đất Mường Lò, tạo cầu nối văn hóa, để thêm hiểu, thêm yêu quê hương, đất nước. Đó là những dấu ấn riêng biệt mà vùng đất Mường Lò – miền Di sản của điều Xòe Thái mong muốn đem lại trong hành trình đến với mùa Lễ hội năm nay của mỗi du khách. Được biết, đến thời điểm hiện tại, thị xã Nghĩa Lộ đã đón trên 28 nghìn lượt du khách trong dịp Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023.
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã khẳng định: Dòng chảy lịch sử đã sản sinh, bồi tụ, lưu truyền, hòa quyện bản sắc riêng có của người Thái, người Khơ Mú, người Tày, người Dao và các dân tộc anh em khác, cùng nhau làm nên một vùng văn hóa Mường Lò đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc, vừa lung linh, đa sắc màu, vừa có những nét độc đáo, khác biệt với nhiều di sản văn hóa đã và đang làm phong phú thêm kho tàng di sản của Việt Nam và nhân loại.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kỳ vọng, với tình cảm yêu mến của nhân dân, du khách gần xa đối với Mường Lò sẽ tạo động lực tinh thần, là nguồn lực quan trọng để Yên Bái tiếp tục cụ thể hóa, hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ phấn đấu xây dựng Nghĩa Lộ là thị xã văn hóa, du lịch, trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng phía Tây tỉnh Yên Bái và trở thành đô thị văn hóa di sản trong tương lai như Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9/2023 vừa qua.
Để làm được điều đó, hơn hết, mỗi người dân ở Mường Lò - Nghĩa Lộ nói riêng và người dân Yên Bái nói chung phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm của bản thân để thực hiện tốt vai trò là một sứ giả văn hóa, mang văn hóa của dân tộc mình đi khắp muôn nơi, giới thiệu, quảng bá để bạn bè trong nước và quốc tế biết đến và yêu mến bản sắc văn hóa dân tộc mình, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: "Nguồn lực bắt đầu từ tư duy, động lực bắt đầu từ sự đổi mới, sức mạnh bắt đầu từ nhân dân”, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.
Thu Trang