Nếu “thiên đường đá” trải ra biết bao hùng quan kỳ vĩ làm du khách choáng ngợp; thì những mái nhà, bờ rào đá, bức vách trình tường… lại khiến chúng tôi như bị thôi miên khi “lỡ” lạc vào miền di sản văn hóa đầy quyến rũ và không kém phần huyền bí!
“Check - in” nhà của Pao, Dinh thự nhà Vương
Xem phim Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải, ra mắt năm 2006) và bị mê hoặc bởi nét trong trẻo của Pao (diễn viên Đỗ Hải Yến) cùng những cảnh phim Cao nguyên đá hùng vĩ mà gai góc, đẹp đến nao lòng. Như lời của Pao “Nhà của tôi có ô cửa vuông nhìn ra vườn cải…”, ngôi nhà quay phim “Chuyện của Pao” ở xã Sủng Là (Đồng Văn) hiện tại không khác mấy trong phim, với 3 dãy hình chữ U, mái ngói âm dương, vách trình tường, cột gỗ kê trên đá tảng chạm khắc hoa văn, đá cũng được dùng lát sân. Bờ rào đá như còn vọng tiếng sáo của chàng trai da diết…
Người thợ dùng vồ nện đất làm nhà trình tường.
Nhà của Pao mở ra nhiều cơ hội làm ăn, các dịch vụ cho thuê trang phục, buôn bán dược liệu, vườn hoa cho khách chụp hình… Chúng tôi nhận thấy, nhiều bản làng ở Cao nguyên đá Đồng Văn đã sớm khai phá những giá trị văn hóa truyền thống bản địa và “rất biết cách” biến nó thành sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo. Thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, nơi sinh sống của phần lớn đồng bào người Lô Lô là một ví dụ. Lô Lô Chải hấp dẫn chúng tôi bởi nét văn hóa truyền thống đặc trưng và người dân thân thiện, mến khách. Từ ngày khách du lịch về làng, người Lô Lô “biến” những ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi, nhà trình tường, mái ngói âm dương, hàng rào đá… thành homestay, thành sản phẩm du lịch. Chúng tôi cảm nhận được du lịch cộng đồng đang tô điểm cho bức tranh cuộc sống nơi cao nguyên thêm sống động và đầy cuốn hút. Du lịch cũng góp thêm cách làm giàu bền vững ngay trên mảnh đất tưởng chỉ có núi đá khô cằn miền cực Bắc.
Nếu nhà của Pao là nơi “nhất định phải ghé thăm” mang đến nhiều hoài niệm, thì Dinh thự nhà Vương (hay Khu di tích lịch sử nhà Vương thuộc xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn) là điểm đến khiến du khách cảm giác như được bước vào một “vương quốc” đầy quyền uy một thời vang bóng. Nhìn từ Quốc lộ 4C, Dinh thự nhà Vương nổi bật giữa thung lũng với rừng Sa mộc cổ thụ xanh thẳm. Nét độc đáo ở công trình kiến trúc hình chữ “Vương” là dinh được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc, có lỗ châu mai và những bốt canh gác. Du khách lần lượt bước vào ngạch cửa 3 ngôi nhà: Nhà chính quay mặt ra cổng thành, hai nhà phụ song song nhau và vuông góc với nhà chính. Tất cả từ cột, kèo, sàn, vách, mái đều được làm bằng gỗ quý, chạm khắc tinh xảo từ những tốp thợ người Mông giỏi nhất. Nét đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa và người Mông thể hiện ở những bờ rào đá. Đặc biệt là những đường cong, nét lượn, trạm trổ tinh xảo. Hay những viên đá xanh, những cột gỗ Sa mộc và ngói đất nung lợp theo lối âm - dương…
Tại đây, còn lưu giữ nhiều hình ảnh của gia đình và của ông Vương Chí Sình khi tham gia cách mạng đã trở thành đại biểu Quốc hội khóa I, khóa II của nước ta. Ông từng giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Đồng Văn. Nhờ có nhiều công lao với cách mạng, ông vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Vương Chí Thành và trao tặng tám chữ “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ” (Trung thành với đất nước, không chịu làm nô lệ ) cùng 1 thanh kiếm. Ông Vương Chí Sình là con trai của “vua Mèo” Vương Chính Đức. Ngày ấy, nhận thấy được vai trò của ông Vương Chính Đức và lực lượng vũ trang người Mông nơi địa đầu Tổ quốc, Bác Hồ đã rất quan tâm tới đồng bào dân tộc thiểu số, vào khoảng năm 1945 Bác đã cử đại diện của Việt minh lên đón “vua Mèo” về Thủ đô để bàn việc nước. Tuy nhiên, lúc này tuổi của ông Vương Chính Đức đã cao (81 tuổi) nên ông đã ủy quyền cho con trai là Vương Chí Sình đi thay để đến tiếp kiến Cụ Hồ.
Những nốt nhạc vui giữa bao la núi đá
Cũng như di tích lịch sử nhà Vương, ngôi nhà quay phim “Chuyện của Pao” vẫn luôn giữ được hình dáng xưa cũ cùng với những giá trị lịch sử, những bản làng nơi Cao nguyên đá luôn có sức dấp dẫn đối với chúng tôi. Như bánh Tam giác mạch càng ăn càng cảm nhận dư vị ngòn ngọt “bắt ghiền” của nó, khi “lạc bước” tới bản làng này lại thôi thúc chúng tôi chạy tới bản làng khác. Nét mộc mạc mà thơ mộng của bản làng như những nốt nhạc viết lên Cao nguyên đá giai điệu cuộc sống sinh động và đầy cuốn hút.
Nhiều người lớn tuổi nói vui: “Giọng miền Nam khó nghe lắm”, nhưng rất vui kể chuyện gieo lúa, trồng ngô dưới vườn lê, đào trái trĩu cành. Từ những bản làng xa xôi, khó gọi tên, trong hành trình trên Cao nguyên đá chúng tôi đã kịp ghé thăm, thân quen và sẽ nhớ lắm khi xuôi đồng bằng. Nhớ Na Khê, Lao Và Chải, Tráng Kìm, Pả Vi, Xín Cái, Sơn Vĩ... đồi ngô xanh mướt, hoa bí nở vàng trên triền đá gọi mùa no ấm. Nhớ Phố Cáo, Sủng Là, Má Lé… những bờ rào đá, mái nhà rêu phong bình yên chốn thung sâu hay bên sườn núi cheo leo.
Một homestay ở thôn Nặm Đăm (Quản Bạ) với mái lá, vách trình tường đẹp như trong tranh.
Và nhớ lắm một hôm ở thôn Nặm Đăm (huyện Quản Bạ) giữa thung lũng mơ màng dưới chân núi đôi, anh Lý Đạch pha ấm trà đậm đặc mời chúng tôi “uống chén chè cho ấm”. Nhà anh Lý Đạch mở homestay đón du khách từ nhiều năm trước, bị “sựng lại” khi dịch COVID-19 và bảng hiệu “cũng tháo cất rồi”. Nhưng hiện tại, “tôi đang xây thêm 4 căn phòng vách trình tường, lót gạch men… Khách nước ngoài rất thích ở thôn mình, nhất là dịp Tết cùng vào bếp làm bánh, nấu ăn. Muốn ăn gà thì mình bắt gà thịt ăn thôi”- anh Lý Đạch thật thà. Sự mộc mạc của bà con đã đưa du khách trở lại làng, nhiều bà con trong thôn đã sửa sang, xây thêm phòng mới. Hai người con của anh Lý Đạch có gia đình ra riêng cũng mở homestay gần đấy.
Trên bức vách trình tường còn dang dở, sáng nay, nhóm thợ tiếp tục làm chiếc khuôn gỗ, rồi gùi đất đổ vào khuôn và dùng những chiếc vồ nện chặt đất. Anh Phan Sài - một người thợ vồ nện đất vách trình tường lành nghề, cho biết: “Khâu nện đất trình tường phải làm kỹ lắm, tường mới đứng vững cả trăm năm được. Nhà trình tường hoàn toàn bằng đất nện dày mà không có bất cứ cột hay cọc nào làm trụ. Để tạo nên những bức tường dày tới vài gang tay, thường chọn loại đất có kết dính cao, loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác”. Xây nhà trình tường tốn kém và kén thợ hơn, nhưng theo anh Lý Đạch chính quyền vận động và bà con đồng lòng giữ gìn kiểu kiến trúc truyền thống và ai xây nhà mới cũng phải tuân thủ quy định đó.
Toàn thôn Nặm Đăm có 60 hộ đều là người dân tộc Dao, trong đó nhiều hộ làm dịch vụ homestay đủ tiêu chuẩn đón khách. Dù chúng tôi là khách qua đường ghé lại, anh Lý Đạch cũng nhiệt tình mời dùng cơm sáng và lên nương hái ngô cùng. Gia đình anh có vài khoảnh ruộng dưới chân núi Đôi, bắp đem về phơi đầy sân nhưng anh Lý Đạch vẫn lắc đầu: “Mùa ngô kém lắm. Mưa ít, nên trái bé thôi”.
Đời sống sản xuất của bà con phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, nắng mưa của ông trời, nhưng những giải pháp đúng đắn chính quyền cùng nhận thức của đồng bào phát huy giá trị văn hóa đặc trưng dân tộc mình đã mở ra hướng phát triển mới, bền vững hơn. Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, đời sống của người Dao nơi đây ngày một khấm khá.
Đối với chúng tôi, thưởng thức các món ăn cũng là trải nghiệm đầy thách thức như khi vượt qua những cung đường đèo dốc. Món bánh cuốn trứng tráng, bún chả chấm (hoặc khô), thắng dền… “dễ ăn” như qua thung lũng êm đềm; mèn mén, cháo ấu tẩu… vừa ăn vừa hỏi “có tác dụng gì không” như xe đang leo dốc; thưởng thức phở gà (hoặc bò) nóng hổi như đang chiêm ngưỡng hùng quan trên đỉnh núi đá cao nhất. Nhưng “cảm giác mạnh” như leo dốc Thẩm Mã và “nín thở” thả đèo Mã Pì Lèng phải là món thắng cố ở Phố cổ Đồng Văn, mặc dù không phải “thắng cố nguyên chất” vì các nhà hàng đã chế biến “cho khách miền xuôi dễ ăn” với nhiều gia vị kèm rau xanh phong phú, nhưng xin cam đoan rằng bạn sẽ không thể nào quên cái mùi vị đặc trưng của nó!
Khác với mùa Đông chỉ một màu đá xám xịt, hạt bí, hạt ngô không nảy mầm được; mùa này cây cối phủ một màu xanh bất tận tràn đầy sức sống trên Cao nguyên đá. Đồng bào nơi cao nguyên đã bắt núi đá phải nở hoa. Chúng tôi chợt nghĩ đó là một tuyệt tác kỳ vĩ khác bàn tay con người làm nên, trong cuộc mưu sinh “lấy sức người gặt sức thiên nhiên” đầy phi thường. Để có một màu xanh trên núi đá, người đồng bào phải còng lưng gùi đất từ những thung sâu đổ vào từng khe đá, để có đất tra từng hạt ngô. Mỗi hạt ngô, hạt thóc làm ra là bao giọt mồ hôi thấm vào đất đá!
Những câu chuyện cuộc sống phi thường như vậy luôn níu bước chúng tôi bước vào từng “trang sách đá” và đã đi giáp một vòng Cao nguyên đá. Nên dù không đúng dịp chợ phiên, chưa đến mùa hoa Tam giác mạch, cũng không phải mùa hoa đào, hoa mận… Cao nguyên đá vẫn đầy sức hấp dẫn. Lấy văn hóa để phát triển du lịch và phát triển du lịch để bảo tồn văn hóa, đó là hướng đi đúng của tỉnh Hà Giang. Qua đó, mở ra “cổng trời” cho du khách bước vào khám phá miền di sản Cao nguyên đá, hòa vào giai điệu cuộc sống trên núi đá cùng tiếng đàn môi bên bờ rào đá gọi mời tha thiết.
Đã xa Cao nguyên đá, mà thanh âm núi rừng còn vang vọng “ai cười khúc khích trong ngô”!
Bài, ảnh: Trần Phước
Khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ - Kỳ đầu: Đi trong “sách đá” khổng lồ