Trảng cỏ Bù Lạch (Bình Phước): Cảnh như trong phim

Cập nhật: 12/10/2023
Trảng cỏ Bù Lạch (Bình Phước) thơ mộng, hoang dã với đồng cỏ xanh bát ngát, rừng cây đại ngàn hàng trăm năm tuổi và hồ nước tĩnh lặng tựa bức tranh thủy mặc.

Cách TP. HCM 3 giờ đi ô tô, trảng cỏ Bù Lạch thuộc địa phận xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Nơi đây rộng hàng trăm hecta với hơn 20 trảng cỏ lớn nhỏ, có hồ nước, rừng, thác, ghềnh độc đáo. Chính sự nguyên vẹn và hoang sơ của thiên nhiên đã giúp trảng cỏ Bù Lạch trở thành điểm du lịch sinh thái thú vị.

Nhiều du khách đến Bù Lạch thường tổ chức cắm trại, chơi thể thao, nấu ăn ngoài trời... và thưởng thức món ăn đặc sản nổi tiếng của người dân M’nông như đọt mây, lá nhíp, cá suối... Tôi thì ấn tượng với món đọt mây nướng chấm muối ớt, dù có vị đắng nhưng càng ăn càng thấy thanh ngọt.

Nếu tới trảng cỏ Bù Lạch vào đêm trăng rằm, bạn sẽ chứng kiến cảnh người dân M’nông đi săn cá, sau đó đốt lửa nướng ăn và nhảy múa, hát hò. Tương truyền, các trảng cỏ là những tấm thảm xanh của trời trải xuống để tiên nữ giáng trần đùa vui vào đêm trăng. Bù Lạch cuối mùa khô, cả trảng cỏ chuyển sang màu vàng nhưng chỉ một cơn mưa đầu mùa là màu xanh mướt lại trỗi dậy.

Trảng cỏ Bù Lạch Ảnh: Thảo Nguyễn

Các già làng ở xã Đồng Nai giải thích chữ "lạch" trong tiếng M’nông có nghĩa là "trảng", trong trảng lại có bàu nước nên người xưa đặt tên nơi đây là trảng cỏ Bàu Lạch, sau này người ta gọi thành Bù Lạch. Thi thoảng, bạn sẽ bắt gặp những đàn trâu, bò đang gặm cỏ khiến khung cảnh tựa như một vùng thảo nguyên mộng mơ chỉ thấy trên phim ảnh.

Xung quanh các trảng cỏ là làng của đồng bào M’nông, S’tiêng và Mạ. Cách trảng cỏ Bù Lạch không xa là thác Voi mà đồng bào S’tiêng vẫn quen gọi là Liêng Rót (nghĩa là âm thanh của thác nước) và thác Đứng, thường gọi là Nhai Liêng Por (máng nước chảy từ ghềnh đá ở trên cao xuống). Đây là nơi dân làng S’tiêng làm lễ tạ ơn trời đất qua những nghi thức mừng lúa mới.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhưng Bù Lạch chưa được đầu tư tương xứng, còn hoang sơ, thiếu kết nối hạ tầng đồng bộ nên chưa thu hút nhiều nhà đầu tư cũng như khách du lịch. Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, kỳ vọng Đề án Phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 với tổng mức đầu tư hơn 26.000 tỉ đồng sẽ biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn khó bỏ qua của du khách.

Châu Loan

Nguồn: Báo Người lao động - nld.com.vn - Đăng ngày 12/10/2023