Người phụ nữ trong chiếc áo bà ba hay chiếc áo dài là hình ảnh tuyệt đẹp, thể hiện nét văn hóa của dân tộc. Ngoài thể hiện sự duyên dáng, chiếc áo còn gợi nhắc hình ảnh tảo tần, chịu thương, chịu khó của người mẹ, người chị trong tâm trí mỗi chúng ta.
Áo bà ba với khăn rằn quấn cổ, nét đẹp đặc trưng con người vùng sông nước phương Nam.
Sau Festival Áo bà ba Hậu Giang 2023 nhận hiệu ứng tích cực từ người dân, TP Cần Thơ tổ chức Lễ hội Trang phục áo bà ba, áo dài chủ đề “Duyên dáng phương Nam” với hơn 5.000 phụ nữ tham gia. Không gian văn hóa đậm bản sắc và hấp dẫn, lan tỏa nét đẹp, nét duyên dáng của áo bà ba, nâng tầm câu chuyện văn hóa để phát triển vươn tầm.
Những điều bình dị, thân thương
Khi nhắc đến áo bà ba, những người yên mến vùng đất phương Nam thường ngân nga câu hát “Chiếc áo bà ba” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh: “Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm. Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ mong manh. Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ…”
Chiếc áo bà ba thấp thoáng trên những cánh đồng ngày mùa, e ấp trong các lễ hội, lung linh duyên dáng trên bến sông trăng… đã làm say lòng biết bao lữ khách đến vùng đất phương Nam.
Bộ quần áo bà ba giản dị trong cuộc sống thường ngày, tôn lên vẻ đẹp bình dị, nền nã phụ nữ Nam Bộ, không chỉ mang dáng dấp mà còn tượng trưng cả tâm hồn của người vùng đất phương Nam.
Còn nhiều tranh cãi về thời gian ra đời nhưng khoảng đầu thế kỷ XX, áo bà ba được mặc khá phổ biến. Theo nhà văn Sơn Nam thì “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba”.
Áo xẻ giữa thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài cúc nhựa do ảnh hưởng của phương Tây. Tay áo dài, được xẻ hai bên vạt ở hông để dễ cử động. Áo có 2 túi to gần vạt áo nên tiện lợi để đựng tiền bạc, vật dụng nhỏ.
Từ cách sống dung dị, phóng khoáng, hòa hợp với thiên nhiên, áo bà ba của người Nam Bộ thường được may bằng thứ vải thô, ít màu sắc. Những chất liệu này được dệt thô, màu nhuộm từ thiên nhiên nguyên sơ như lá bàng, vỏ trâm bầu, trái mặc nưa,…
Cùng với áo bà ba, chiếc khăn rằn là nét đặc trưng riêng cho bản sắc văn hóa của người dân vùng sông nước. Khăn rằn che cơn nắng, thấm giọt mồ hôi, chắn ngọn gió lốc, để lau khô dòng nước mắt hay giấu đi một nụ cười. Gắn bó như hình với bóng, người dân mặc áo bà ba, quấn hay đội khăn rằn lao vào làm việc, sinh hoạt, chiến đấu.
Thời chiến tranh, trang phục áo bà ba thể hiện sức mạnh, sự kiên định, ý chí bất khuất của người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Nam Bộ nói riêng. Ngày nay, trang phục áo bà ba càng tôn lên vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ Việt Nam.
Khát vọng giữ gìn và nâng tầm chiếc áo
Vừa qua, Festival Áo bà ba Hậu Giang 2023 có nhiều hoạt động chính như: trình diễn nghệ thuật áo bà ba, triển lãm ảnh áo bà ba xưa và nay, thiếu nữ trong trang phục áo bà ba di chuyển trên sông,…
Tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 2.800ha khóm Cầu Đúc. Ngoài việc cho trái phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu, khóm Cầu Đúc cung cấp trữ lượng lá xanh dồi dào dùng làm nguyên liệu vải sợi nhưng hiện chưa được khai thác nhằm tạo ra sản phẩm mới, tạo nguồn thu bền vững cho kinh tế nông nghiệp.
Festival Áo bà ba Hậu Giang lần đầu tiên giới thiệu những bộ sưu tập áo bà ba được dệt từ sợi tơ khóm Cầu Đúc và đây chính là điểm nhấn đặc biệt.
Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, khóm Cầu Đúc là một sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng và là thế mạnh rất lớn của tỉnh Hậu Giang.
Từ vùng nguyên liệu dồi dào, sản phẩm vải từ sợi tơ khóm vô cùng bắt mắt, vải nhẹ và độ kháng khuẩn không thua tơ tằm. Một sản phẩm vải công nghiệp bắt nguồn từ nguyên liệu tơ sợi nông nghiệp bền đẹp, thân thiện môi trường. Cùng với sự quyết tâm, tin rằng trong tương lai không xa, Hậu Giang sẽ cung ứng cho du khách những chiếc áo bà ba bằng sợi tơ khóm Cầu Đúc đẹp đẽ, không đắt tiền.
Bà Tôn Ngọc Hạnh- Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực để chiếc áo dài của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại.
Khi ngồi xem sự kiện ở festival áo bà ba, chúng tôi rất muốn tiếp tục với chiếc áo bà ba. Câu chuyện được gợi mở rất thú vị, từ truyền thống để nói về câu chuyện hiện đại của những người hôm nay, đã giữ gìn, phát huy truyền thống đó như thế nào, đó là một câu chuyện dài, nhưng nếu có sự quyết tâm, tôi tin sẽ làm được”.
Tại Cần Thơ, không khí hưởng ứng lễ hội trang phục áo bà ba, áo dài rộn ràng lan tỏa từ các cơ quan, đơn vị, trường học đến các địa phương trên địa bàn thành phố. Khoác lên mình chiếc áo bà ba đẹp nhất, dù ở độ tuổi nào, dù làm bất kỳ công việc gì, người phụ nữ cũng tự tin, thướt tha trong từng cử chỉ, bước đi.
Nhà thiết kế Huệ Thi cho biết, chiếc áo bà ba và khăn rằn đã trở nên quen thuộc, đồng hành cùng người Nam Bộ từ thuở khẩn hoang đến lập nghiệp và cả thời hiện đại. Hình ảnh đó mang lại cho chị nhiều cảm hứng tạo nên bộ sưu tập trình diễn tại Cần Thơ lần này ghi dấu nhiều sáng tạo, mang màu sắc thời trang mới mẻ trên nền chất liệu truyền thống.
Tham dự festival áo bà ba, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Chương trình được tổ chức rất công phu, hoành tráng nhưng vẫn mang đậm bản sắc của miền Nam.
Áo bà ba gần gũi, mà tôn vinh vẻ đẹp bình dị, nền nã người phụ nữ Nam Bộ.
Qua chương trình này, tôi thấy chiếc áo bà ba được tôn vinh, người phụ nữ Việt Nam mình trong tà áo bà ba rất duyên dáng, làm cho mình tự tin hơn, là một sự động viên về tinh thần để có thể học tập, lao động và công tác tốt, làm nổi bật được nét duyên dáng và bản sắc của người dân miền Nam”.
Chiếc áo bà ba truyền thống qua bàn tay của các nhà thiết kế, cùng với những chất liệu đặc trưng của địa phương tạo nên sự giao hòa độc đáo giữa truyền thống và hiện đại. Thế hệ hôm nay viết nên câu chuyện mới, vừa nâng niu giữ gìn những nét đẹp xưa cũ, vừa khơi gợi, nâng tầm câu chuyện văn hóa để những vốn quý của dân tộc mình phát triển vươn tầm...
Bài, ảnh: Phương Thư