Anh Trần Văn Trường, điều phối cứu hộ thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife) kể lại hành trình giải cứu tê tê kèm theo tiếng thở dài. Anh nói, ám ảnh nhất vẫn là hình ảnh những con tê tê vô tội, đáng ra được thoải mái sinh sống trong rừng nay phải chết vì kiệt sức do sự hành hạ của các tay buôn vì muốn gia tăng lợi nhuận.
Chăm sóc tê tê tại Vườn quốc gia Cúc Phương.
15% động vật hoang dã chết trên đường giải cứu
Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam thành lập gần 10 năm là chừng đó thời gian những thành viên chủ chốt của “Đội phản ứng nhanh” như anh Trường ngược xuôi khắp các tỉnh, thành phố để giải cứu động vật hoang dã (ĐVHD). Ngay cả khi đang say giấc, nghe đường dây nóng đổ chuông, anh Trường cùng cộng sự liền khẩn trương soạn dụng cụ cần thiết rồi lên đường với mong muốn tăng khả năng sống sót, phục hồi cho các loài động vật. Vậy mà, trong nhiều tình huống, đội cứu hộ vừa đến nơi, các cá thể ĐVHD đã không qua khỏi. “Tê tê thường xuyên bị nhồi nhét thức ăn nhân tạo hoặc bơm dung dịch trực tiếp vào dạ dày để tăng trọng lượng, mang lại giá trị kinh tế lớn hơn cho bên buôn bán ĐVHD trái phép. Dạ dày chứa đầy bột đá, bột ngô khiến đường ruột bị tổn thương trầm trọng. Rất nhiều cá thể tê tê sau khi được cứu hộ về trung tâm đã đi phân ra máu, bỏ ăn, vài ngày sau thì xuất huyết dạ dày, chết rất nhanh. Những lúc như vậy, chúng tôi rất đau lòng”, anh Trường tâm tư.
Điều những người làm công tác cứu hộ ĐVHD như anh Trường sợ nhất là không giúp được gì cho các loài động vật dù đã nỗ lực hết mình. Cách đây 5 năm, nhận thông tin cần cứu hộ ĐVHD tại một tỉnh miền bắc, Đội phản ứng nhanh tức tốc lên đường. Thế nhưng, trước khi được sơ cứu, 80 cá thể tê tê đã không qua khỏi, 20 con còn lại thì trong tình trạng kiệt sức. Lần đó, quay về trung tâm, anh Trường buồn suốt mấy ngày liền. Lần gần đây nhất, trong một cuộc cứu hộ 5 cá thể tê tê tại miền trung, anh Trường nói đó là chuyến giải cứu ám ảnh và buồn nhất anh từng tham gia. Khi lên xe, cũng như cộng sự, anh Trường chỉ mong sẽ cứu chữa kịp thời cho bầy tê tê và sớm tái thả về rừng. Đến nơi, nhìn những con tê tê nằm trong túi với rất nhiều nước tiểu và phân chung quanh, anh chỉ biết nhắm mắt, lặng người. Mọi thứ đã quá muộn màng. Trong quá trình vận chuyển về trung tâm, toàn bộ số tê tê đã chết do kiệt sức dù tất cả biện pháp sơ cứu, phục hồi đã được thực hiện.
Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam đã thực hiện 288 chuyến cứu hộ. Theo đó, gần 2.500 cá thể ĐVHD thuộc 45 loài đã được tìm thấy, hỗ trợ phục hồi. Thế nhưng, số cá thể chết trong quá trình cứu hộ và phục hồi vì nhiều nguyên nhân khác nhau chiếm đến 15%. Hơn 80% số tê tê khi tiếp nhận về trung tâm đều trong tình trạng kiệt sức. Điều này khiến quá trình chăm sóc phục hồi trước khi tái thả vào tự nhiên tốn kém và kéo dài hơn rất nhiều.
Hiện nay, buôn bán ĐVHD trái pháp luật trên thế giới ước tính lên tới 20 tỷ USD/năm. Việt Nam không chỉ là thị trường cung cấp, tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật mà còn là điểm trung chuyển trong mạng lưới buôn bán ĐVHD toàn cầu với các chuyến hàng buôn lậu ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê đến từ châu Phi, sau đó tiếp tục bán sang Trung Quốc. Từ năm 2015 đến nay, gần 100 tấn ngà voi, sừng tê giác và vẩy tê tê đã bị bắt giữ tại các cảng và sân bay lớn ở Việt Nam. Trong khi đó, kết quả khảo sát tại hơn 16.500 cơ sở kinh doanh thuộc 10 đô thị lớn trên cả nước do Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã thực hiện cho thấy, có tới 12% cơ sở có liên quan đến ĐVHD.
Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương tuần tra bảo vệ tài nguyên rừng.
Chờ thêm giải pháp “mạnh tay”
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển cho rằng, tình trạng săn, bắt, vận chuyển và tiêu thụ trái phép ĐVHD đã gây suy giảm quần thể và khiến nhiều loài biến mất hoặc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh cách thức mua bán, vận chuyển truyền thống, hành vi xâm hại ĐVHD đã và đang phát triển khó kiểm soát trên các nền tảng mạng xã hội với những cách lách luật tinh vi. “Chỉ một từ khóa “săn bắt thú rừng”, chúng tôi đã tìm được hơn 50 kênh YouTube với hơn 600 video có nội dung về săn bắt thú rừng, cuộc sống hoang dã. Những video này được sản xuất dày đặc và không được kiểm soát. Điều đáng tiếc là nhiều kênh YouTube với nội dung săn bắt ĐVHD lại thu hút sự quan tâm của cư dân mạng, tạo nên các trào lưu nguy hiểm và trái pháp luật”, ông Hà dẫn chứng.
Trong vòng 10 năm qua, Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) đã tiếp nhận hơn 4.500 cá thể ĐVHD, tái thả gần 2.300 cá thể. Việc rà soát, điều tra, xử lý các hành vi xâm hại đến ĐVHD tại đây chưa bao giờ dễ dàng. Tính riêng từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 6 vụ việc liên quan đến ĐVHD, chuyển chính quyền địa phương xử lý bốn vụ vi phạm và tháo gỡ gần 50 bẫy kiềng, bẫy thòng lọng. Những chiếc bẫy cài cắm tinh vi được Hạt kiểm lâm phát hiện nhờ phần mềm SMART. Đây là giải pháp công nghệ mà Vườn quốc gia Cúc Phương bổ sung để quản lý tài nguyên rừng và giám sát đa dạng sinh học. Bên cạnh công nghệ, việc bố trí chốt chặn, tuần tra bắt giữ, xử lý các hành vi săn bắt ĐVHD trái phép được tăng cường liên tục. Tuy nhiên, do địa bàn Vườn quốc gia Cúc Phương phân bố tại 14 xã thuộc ba tỉnh với rất nhiều đường mòn vào rừng, việc kịp thời ngăn chặn đối tượng săn bắt trái phép ĐVHD, nhất là các tay săn giả danh khách du lịch vẫn lắm gian nan.
Để ngăn chặn từ đầu các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương bố trí nhiều chốt chặn tại những điểm thường có kẻ săn bắt trái phép tìm đến. Không ít chốt chặn phải kéo dài thời gian hoạt động hai, ba tháng mới có thể theo sát, chặn đứng thủ đoạn xâm hại tài nguyên rừng. Tận dụng lợi thế gần dân và tạo được mạng lưới kết nối bảo vệ rừng đến mỗi thôn bản, Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương thường kịp thời nắm thông tin liên quan đến những đối tượng nghi có hành vi xâm hại tài nguyên rừng và tiến hành ngăn chặn, xử lý.
Khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ cộng đồng thôn bản là chương trình định kỳ mà vườn quốc gia này triển khai nhằm huy động sức mạnh của người dân trong quá trình theo dõi và ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Ông Tạ Đức Biên, Phó Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết, thông qua các cam kết đi cùng chương trình hỗ trợ, người dân đã tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Số lượng tin báo cho các trạm kiểm lâm tăng mạnh, số vụ vi phạm được kéo giảm. “Như mồng 3 Tết vừa rồi, chúng tôi nhận được phản ánh của người dân báo có các đối tượng thuê xe vào rừng săn bắt thú. Nhận được thông tin, chúng tôi đã kết hợp với công an xã tiến hành tuần tra, kiểm tra và bắt giữ được các đối tượng, bàn giao cho chính quyền xử lý theo quy định pháp luật. Trước đó, rất nhiều hành vi xâm hại tài nguyên rừng, buôn bán trái phép ĐVHD cũng đã được chúng tôi ngăn chặn, xử lý kịp thời kênh hỗ trợ thông tin từ phía người dân”, ông Biên kể lại.
Hơn 90% thông tin các vụ việc liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD mà Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam tiếp nhận suốt nhiều năm nay cũng đến từ người dân. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, truy dấu các đối tượng phạm pháp trong lĩnh vực này vẫn là bài toán đầy nan giải. Vì mối lợi quá lớn, nhiều tổ chức, cá nhân chấp nhận vi phạm pháp luật, làm giàu từ ĐVHD. Các chuyên gia cho rằng, cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường công tác nắm bắt dư luận xã hội, siết chặt hơn nữa việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng của người dân.
“Hội thảo tập huấn tăng cường năng lực báo chí khai thác đề tài buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật” do Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Văn phòng Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp tổ chức mới đây đã cung cấp những thông tin quan trọng về thực trạng buôn bán, vận chuyển, săn bắt và tiêu thụ trái phép ĐVHD tại Việt Nam với mong muốn báo chí cùng chung tay giải quyết vấn nạn này một cách triệt để, sâu rộng hơn.
Mỹ Dung