Ngày 19/10, tại TP Quy Nhơn, Sở Du lịch tổ chức buổi tọa đàm “Nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định”, nhằm tìm ra các giải pháp phát triển du lịch tại đây, giúp tăng thêm thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự tọa đàm có đại diện một số sở, ngành, các huyện miền núi, Hiệp hội Du lịch Bình Định; đại diện DN, HTX kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định và một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, cơ sở homestay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các huyện: An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Lê Na
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 39 dân tộc thiểu số cư trú, chủ yếu là dân tộc Bana, Chăm H'roi và H'rê sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát.
Toàn tỉnh có 15 di tích liên quan đến vùng các dân tộc thiểu số đã được xếp hạng, trong đó có 3 di tích thuộc cấp quốc gia. Ngoài ra, còn có hàng trăm hiện vật như vòng đeo tay bằng đồng, tẩu thuốc, gùi, dụng cụ sinh hoạt và đựng thực phẩm, nhạc cụ truyền thống… được bảo tồn, phát huy hiệu quả. Nghề dệt vải, đan lát truyền thống đã trở lại trong sinh hoạt hằng ngày ở một số hộ gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều khu vực đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống có điều kiện tự nhiên phong phú, khí hậu mát mẻ, cảnh quan đẹp, phù hợp để phát triển du lịch.
Đại biểu tham dự tọa đàm đã trình bày các tham luận, ý kiến nêu bật tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức trong việc triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, Sở Du lịch sẽ triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch, hình thành các điểm đến thu hút du khách tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Định trong thời gian tới.
Lê Na