Mới đây, nhân chuyến công tác tại Phú Yên và đến thăm khu bảo vệ rạn san hô Hòn Yến, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng NNPTNT đánh giá rất cao mô hình tổ cộng đồng quản lý, bảo vệ rạn san hô này.
Tổ cộng đồng tổ chức tham quan, ngắm cảnh và ngắm san hô Hòn Yến. Ảnh: Anh Ngọc
Cộng đồng chung tay bảo vệ
Rạn san hô ở vùng biển ven bờ tỉnh Phú Yên khá đa dạng và phong phú, với khoảng 180 loài thuộc 62 giống và 21 họ. Tổng diện tích rạn san hô phân bố ở vùng biển ven bờ của tỉnh hơn 300ha, bao gồm 4 khu vực chính là Bãi Nồm - Vịnh Hòa (hơn 15ha), vịnh Xuân Đài và vùng lân cận (hơn 65ha), An Hòa Hải - An Chấn - Tuy Hòa (hơn 165ha) và Vũng Rô - Hòn Nưa (khoảng 55ha).
Riêng khu vực quần thể Hòn Yến đã được Bộ VHTTDL công nhận là di tích quốc gia. Nơi đây có nhiều đặc điểm nổi bật về địa chất, địa mạo, hệ động thực vật tạo nên hệ sinh thái biển phong phú, đa dạng, có giá trị về văn hóa, lịch sử và tiềm năng phát triển du lịch ven biển hấp dẫn. Qua nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, tại khu vực Hòn Yến và vùng phụ cận đã ghi nhận có 22 loài san hô thuộc 7 họ. Điển hình trong đó là san hô mềm thuộc họ Alcyoniidae (giống Lobophytum) và san hô lỗ đỉnh Acroporidae với các đại diện là Montipora sp., Acropora spicifera. Một số loài san hô thuộc họ khác như Agariciidae, Merulinidae, Poritidae, Psammocoridae cũng được ghi nhận.
Nhằm bảo vệ quần thể rạn san hô Hòn Yến, ngoài các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện, địa phương đã thành lập tổ cộng đồng vừa quản lý, bảo vệ, bảo tồn rạn san hô vừa tổ chức tour du lịch cộng đồng góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân. Ông Đinh Văn Ìn, Tổ trưởng Tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến cho biết: Tổ cộng đồng được tỉnh và huyện Tuy An giao quyền bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô Hòn Yến. Thành lập từ năm 2022, đến nay, tổ có 35 thành viên, bước đầu hoạt động có hiệu quả trong việc giữ gìn và phát triển rạn san hô. Đồng thời, tổ đã thành lập những tour du lịch cộng đồng hướng dẫn khách tham quan khu vực Hòn Yến.
Theo ông Trương Tấn Lai, thành viên tổ cộng đồng, ngoài nhiệm vụ bảo vệ, tổ còn thường xuyên ứng trực, hướng dẫn du khách không vào khu vực cấm, không giẫm đạp lên rạn san hô. Hằng tuần, các thành viên tổ chức thu gom làm sạch rác khu vực biển Hòn Yến và vận động người dân bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với đồ nhựa dùng một lần… “Từ khi thành lập tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô đến nay, bà con nơi đây đã nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời tự giác phân công tham gia bảo vệ rạn san hô như gìn giữ miếng cơm, manh áo của bản thân và gia đình mình”, ông Lai nói.
Dựa vào nội lực để phát triển
Nhân chuyến công tác tại Phú Yên và đến thăm khu bảo vệ rạn san hô Hòn Yến, Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao mô hình tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô ở đây. Bộ trưởng cho rằng, thiết chế cộng đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã có trong Luật Thủy sản. Đây là lần đầu tiên có thiết chế đồng quản lý xuất phát từ việc tìm kiếm mô hình quản trị có trao quyền cho người dân. Đó là sự thay đổi tư duy rất lớn. Thiết chế nào mà người dân thấy của mình trong đó thì sẽ tự bảo vệ chứ không đợi người khác bảo vệ cho mình. Từ mô hình này chứng minh rằng, người dân ở Hòn Yến không chỉ cặm cụi khai thác tài nguyên, mà còn biết bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ đại dương xanh. Sắp tới, Bộ NNPTNT sẽ nhân rộng mô hình này.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý, mô hình cộng đồng quản lý rạn san hô Hòn Yến tuy nhỏ, nhưng đó là sứ mệnh cách mạng cho việc thiết chế mô hình quản trị tại địa phương. Vì vậy, khi chúng ta làm tốt vấn đề này, việc thu hút doanh nghiệp hay doanh nghiệp tự nhảy vào đầu tư là rất khả quan và rất an tâm. “Bây giờ doanh nghiệp đầu tư ở địa phương nào, họ rất sợ phản ứng của cộng đồng. Mô hình này tuy nhỏ, nhưng có tác dụng thay đổi hình thức quản trị xã hội của địa phương”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Về việc phát triển Hòn Yến như thế nào trong tương lai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý là để tự cộng đồng suy nghĩ, lập ra kế hoạch cho mình. Sau đó, tổ cộng đồng tự bàn với nhau, rồi đưa ra chính quyền địa phương, thậm chí đưa ra xã hội, tổ chức quốc tế về một kế hoạch đang hướng tới, từ đó kêu gọi, thu hút các nguồn lực tham gia. “Ngày xưa mình lập kế hoạch từ trên xuống dưới, do đó có thể chưa hiểu hết được mong muốn của người dân, của cộng đồng. Bây giờ lập kế hoạch ngược lại từ dưới lên trên, bắt đầu từ cộng đồng xây dựng kế hoạch. Việc phát triển địa phương phải dựa vào nội lực của cộng đồng. Chúng ta có quyền hướng tới và biến Hòn Yến trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thêm.
Anh Ngọc