Quảng Nam: Lan tỏa du lịch xanh

Cập nhật: 26/10/2023
Du lịch xanh đang trở thành xu thế không chỉ được cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam quan tâm mà còn lan tỏa đến người dân và du khách, cùng hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa phát triển bền vững.

Hướng dẫn du khách gấp lá dừa tai Khách sạn Silk Sense. Ảnh: S.S

Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường

Cuối tháng 8 vừa qua, tại Đảo Ký ức Hội An diễn ra minishow “Áo dài - Sắc màu Việt qua ngôn ngữ tái chế”. Đây là dự án cộng đồng do thương hiệu thời trang trẻ em GUON sáng lập, nhằm cùng trẻ em khắp nơi biến vải vụn thành các sản phẩm có giá trị. Trả lời báo chí lúc bấy giờ, bà Diên Vĩ - đại điện thương hiệu GUON và dự án vải vụn cho biết, mục đích lớn nhất dự án hướng tới chính là lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường đến người dân, du khách, nhất là trẻ em về sự phát triển bền vững.

Vài năm gần đây, du lịch xanh dần được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, đầu tư với những sản phẩm du lịch, dịch vụ hấp dẫn hướng đến nhiều phân khúc khách, nhất là đối tượng trẻ em. Tại Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ - du lịch Hội An Express riêng dịp hè vừa qua đã tổ chức gần 10 tour du lịch xanh phục vụ hàng trăm lượt du khách là học sinh trong và ngoài nước. Tham gia chương trình, du khách bên cạnh được khám phá, trải nghiệm các địa danh văn hóa lịch sử, làng du lịch cộng đồng trong tỉnh còn được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận những giá trị văn hóa bản địa độc đáo.        

Bà Phạm Quế Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ - du lịch Hội An Express chia sẻ, việc lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường chính là khởi đầu cho sự hình thành ý thức “xanh” trong trẻ em, những chủ nhân tương lai. Vì vậy, mặc dù doanh thu từ những tour du lịch xanh dành cho trẻ em mang lại không nhiều nhưng giá trị cao nhất mà doanh nghiệp đạt được chính là truyền tải ý thức bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa đến những du khách nhỏ tuổi.

Nhiều sản phẩm tái chế đã trở thành quà tăng lưu niệm du lịch. Ảnh: V.L

Từ năm 2022, khi Quảng Nam xây dựng điểm đến du lịch xanh bước đầu đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng, doanh nghiệp du lịch. Nhiều doanh nghiệp đã chọn du lịch xanh làm phương thức kinh doanh chủ đạo trong hoạt động của mình.

Tại Khách sạn Silk Sense Hội An, yêu cầu đầu tiên đối với tất cả nhân viên là phải nắm vững nội dung, nguyên tắc thực hành du lịch xanh trong quá trình làm việc và phục vụ khách tại đơn vị. Silk Sense còn xây dựng hẳn chương trình hoạt động miễn phí hàng ngày dành cho du khách nhu trải nghiệm làm nông dân, gấp lá dừa truyền thống, dự án Green Cups (tái chế ly nhựa) dành cho trẻ em… nhằm lan tỏa ý thức về bảo vệ môi trường.

Kết nối du lịch xanh

Cuối tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch xanh 3 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế” được tổ chức nhằm gắn kết nhà quản lý, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo 3 tỉnh, thành xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch theo hướng xanh, bền vững trong tương lai.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, việc kết nối chuỗi sản phẩm du lịch xanh 3 địa phương là cần thiết nhằm hình thành tour du lịch xanh liên hoàn, mang đến sự trải nghiệm trọn vẹn cho khách. Để hoàn thành mục tiêu này, hàng loạt giải pháp sẽ được 3 địa phương triển khai như hỗ trợ thủ tục hành chính để các doanh nghiêp xây dựng kết nối sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh.

Tăng cường hợp tác tư vấn, chia sẻ kỹ thuật và kinh nghiệm xây dựng các mô hình sản phẩm, dịch vụ xanh, bền vững. Hỗ trợ hướng dẫn người dân kỹ năng tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng, sinh thái tại các địa phương. Từ đó, khảo sát, lựa chọn một số khu, điểm du lịch trọng tâm để xây dựng mô hình sản phẩm du lịch xanh áp dụng theo Bộ tiêu chí du lịch xanh đã được ban hành.

Du lịch xanh hướng đến bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa. Ảnh: V.L

Đặc biệt, 3 địa phương sẽ cùng kiến nghị Bộ VHTTDL và Thủ tướng Chính phủ sớm có giải pháp tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển hoạt động du lịch xanh, bền vững gắn với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch cộng đồng… nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sẵn có, gia tăng sức hấp dẫn điểm đến, từ đó làm mô hình mẫu để các địa phương khác nghiên cứu học tập, nhân rộng.

Có thể khẳng định, với những giá trị mang lại, du lịch xanh đã trở thành xu thế tất yếu trong sự lựa chọn của du khách, nhất là dòng khách cao cấp, chi tiêu cao. Vì vậy, quá trình lan tỏa, phát triển các mô hình du lịch xanh thời gian qua không chỉ là sự chọn lựa đúng đắn của các địa phương, doanh nghiệp mà còn thể hiện bước đi bền vững hướng đến xây dựng một thương hiệu điểm đến đặc trưng, khác biệt trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các trung tâm du lịch trong vùng hiện nay. 

Vĩnh Lộc

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Ngày 25/10/2023