Phát triển du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn

Cập nhật: 27/10/2023
Du lịch sinh thái có tiềm năng để xây dựng sự bền vững cho các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, tạo nên nguồn thu cho các khu rừng và công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cùng với đó đem lại nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương.

Báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho thấy, với diện tích đất có rừng hơn 14,7 triệu héc ta, tỷ lệ che phủ rừng là 42,02%, rừng Việt Nam là nơi cư trú của hàng chục nghìn loài động, thực vật hoang dã; đã có hơn 10.000 loài động vật, 12.000 loài thực vật bậc cao có mạch được ghi nhận với hơn 7.000 loài cây cho lâm sản ngoài gỗ, trong đó khoảng 5.000 loài cây dược liệu…

Các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và phúc lợi cho con người thông qua các sản phẩm mà rừng cung cấp như: gỗ, lâm sản ngoài gỗ, điều tiết nguồn nước, hấp thụ khí nhà kính, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp...Rừng cũng là không gian sinh sống của khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng, chủ yếu là cộng đồng các dân tộc thiểu số với những nét đặc trưng văn hóa, bản sắc dân tộc gắn với rừng. Đây là tiềm năng to lớn phát triển các giá trị của hệ sinh thái rừng, trong đó có phúc lợi rừng. 

Theo thống kê, đến nay, cả nước đã xác lập được 167 khu rừng đặc dụng, trong đó có 34 Vườn quốc gia, 56 Khu bảo tồn thiên nhiên, 14 Khu bảo tồn loài/sinh cảnh, 54 Khu bảo vệ cảnh quan và các khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học thuộc 9 đơn vị khoa học. Bên cạnh sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan hùng vĩ, gắn liền với những giá trị văn hóa, tâm linh và bảo vệ môi trường, hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam còn có tiềm năng to lớn để phát triển các giá trị của dịch vụ hệ sinh thái rừng, nhất là phát triển du lịch sinh thái.

Phát triển bền vững du lịch sinh thái tại các VQG, Khu bảo tồn góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời đem lại nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương. Ảnh: BA. 

Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm và nguồn lực, cùng với hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ để bảo vệ sự sống trên trái đất và cải thiện bảo tồn đa dạng sinh học trước các thách thức, nguy cơ đối với đa dạng sinh học… Hiện, các khu rừng, Vườn quốc gia... đã và đang là nơi tổ chức các hoạt động du lịch, điểm đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ ngơi ngắm cảnh, quan sát động vật hoang dã. Qua đó, tạo sinh kế cho người dân xung quanh, đặc biệt là những người dân ở "vùng đệm", góp phần cải thiện đời sống người dân, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn vùng đó. Tuy nhiên, các hoạt động khai thác du lịch sinh thái, phát huy các giá trị văn hóa bản địa của những cộng đồng sống gần rừng chưa phát huy hết tiềm năng…

Cục Lâm nghiệp cho biết, nguồn thu của bốn loại dịch vụ trong các hệ sinh thái rừng gồm: Dịch vụ cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon, dịch vụ du lịch sinh thái, hằng năm đã mang lại giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong đó, thu được từ dịch vụ du lịch rừng đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.

Vườn quốc gia Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa phận thuộc ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Với sự đa dạng về hệ động, thực vật, Vườn quốc gia Cúc Phương rất chú trọng phát triển du lịch sinh thái, nhất là loại hình du lịch gắn với công tác cứu hộ, bảo tồn động, thực vật hoang dã. Số lượng khách tham quan tới Cúc Phương năm 2022 vào khoảng gần 100.000 lượt, trong đó khách Việt Nam là 95.000 lượt, khách nước ngoài là hơn 4.500 lượt. Năm 2023, nhiều khả năng, số lượng khách đến Vườn quốc gia Cúc Phương sẽ tăng hơn những năm trước.

Vườn hiện có 2.234 loài thực vật, chiếm 17,27 % trong tổng số loài thực vật của Việt Nam. Theo số liệu điều tra mới nhất Cúc Phương có 135 loài thú, 336 loài chim, 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá và gần 2000 loài côn trùng. Trong các loài thú ở Cúc Phương, nhiều loài đã được xếp vào loại quý hiếm, như báo gấm, báo lửa, gấu ngựa, … và nhiều loài đặc hữu như sóc bụng đỏ, các loài linh trưởng như khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, vượn. Đặc biệt, ở Cúc Phương có một loài thú linh trưởng quý hiếm, không còn tồn tại ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới ngoài Việt Nam, đó là loài Voọc mông trắng. Chính vì vậy, loài voọc này đã được chọn làm biểu tượng của VQG Cúc Phương.

Với sự đa dạng về hệ động, thực vật trên cùng bề dày của công tác quản lý, bảo vệ, nghiên cứu, VQG Cúc Phương đã chú trọng phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái gắn với công tác cứu hộ, bảo tồn tại Vườn. Trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, VQG Cúc Phương đã tổ chức được "hệ sinh thái" du lịch với nhiều sản phẩm giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường, thiên nhiên. Rừng như một “bảo tàng sống”, trở thành ngôi trường lớn, thu hút nhiều thế hệ học sinh, sinh viên tham quan, học tập. Các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường, thiên nhiên được Vườn đặc biệt chú trọng; thăm Động Người Xưa, các cây cổ thụ, xem chim, xem thú đêm, chinh phục đỉnh cao Mây Bạc - “nóc nhà Cúc Phương", hành trình xuyên rừng ngủ bản… là những tour/tuyến để lại dấu ấn khó phai trong lòng du khách suốt nhiều năm qua. 

Du lịch sinh thái tại VQG Cúc Phương đang thu hút đông đảo du khách gắn với những trải nghiệm thú vị, nâng cao ý thức bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Đặc biệt, tour du lịch trải nghiệm "Về nhà" được các chuyên gia đánh giá là Top 10 du lịch độc đáo tại Việt Nam. Tour "Về nhà" (được Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức từ tháng 3/2021) khiến nhiều du khách, nhất là các "du khách nhí" rất thích thú khi được trải nghiệm và đồng hành cùng công tác tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ. Tour du lịch gắn với việc lần đầu tiên một vườn quốc gia cho phép du khách tham gia trải nghiệm và đồng hành cùng công tác này.

Hiện nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã xây dựng mô hình 3D có sự tham gia của cộng đồng. Sản phẩm này để giới thiệu cho du khách, học sinh, sinh viên, cộng đồng trên địa bàn biết về các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học của Vườn quốc gia, qua đó nâng cao nhận thức và kêu gọi mọi người cùng nhau gìn giữ bảo vệ tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường. Đây cũng là một trong những lộ trình để Cúc Phương hoàn thành tiêu chí để được IUCN đưa vào “Danh lục xanh”.

Thời gian qua, nhiều Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên khác như Ba Bể, Ba Vì, Bạch Mã, Cát Tiên, Bến En, Cát Bà, Hoàng Liên, Tam Đảo, Bà Nà-Núi Chúa, bán đảo Sơn Trà… và hơn 60 khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan trên cả nước đang tích cực đẩy mạnh du lịch sinh thái gắn với rừng. Du lịch sinh thái có tiềm năng để xây dựng sự bền vững cho các khu bảo tồn, tạo nên nguồn thu cho các khu rừng và công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cùng với đó đem lại nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương.

Trong giai đoạn sắp tới phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam rất quan trọng. Không những phải đảm bảo những lợi ích của du lịch sinh thái sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, mà còn phải đảm bảo rằng những nơi có Vườn quốc gia, Khu bảo tồn những nơi phát triển du lịch sinh thái và những đơn vị ở khu bảo tồn đó luôn được phát triển bền vững.

Thu Hoài

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 26/10/2023