Mang Thít hiện còn lưu giữ được khối di sản kiến trúc cùng nghề sản xuất gạch, gốm truyền thống với gần 1.500 lò gạch.
Các lò gạch trong vùng Đề án Di sản đương đại Mang Thít.
Toàn bộ vùng di sản của Mang Thít khoảng 3.060ha thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm khoảng 5.000ha thuộc 2 xã An Phước và Chánh An sẽ thuộc phạm vi khoanh vùng dừng tháo dỡ lò gạch và phát triển đề án.
Đến nay, Mang Thít đã chi trả hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở gạch - gốm và hộ dân có lò gạch nằm trong vùng Đề án Di sản đương đại Mang Thít ở các xã như: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh với tổng số tiền chi trả hỗ trợ hơn 9 tỷ đồng.
Qua khảo sát thực tế một số điểm trong vùng Đề án Di sản đương đại Mang Thít mới đây, ông Nguyễn Văn Diên - Chủ tịch UBND huyện Mang Thít, kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở gạch, gốm và hộ dân có lò gạch truyền thống nên bảo quản giữ gìn, dừng tháo dỡ lò gạch và cùng với chính quyền địa phương tham gia phát triển Đề án Di sản đương đại Mang Thít, xây dựng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; biến “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại độc đáo có tầm cỡ quốc tế, một điểm đến hấp dẫn ở cả 3 khía cạnh về điểm tham quan, trải nghiệm, ăn nghỉ và lữ hành; kết nối, lan tỏa tác động tới các khu du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận…
Tin, ảnh: Trần Phong