Thành nhà Hồ tiếp tục được nghiên cứu làm tăng giá trị nổi bật toàn cầu, kết nối các di tích, danh thắng trong vùng và khơi dậy vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Học sinh tìm hiểu về cổng phía nam Thành nhà Hồ cùng con đường Hòe Nhai lịch sử.
Tọa lạc gần trung tâm thị trấn huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Thành nhà Hồ có niên đại trường tồn hơn 600 năm, còn bảo lưu tính toàn vẹn, xác thực cùng những giá trị nổi bật toàn cầu, được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới vào năm 2011.
Kiện toàn tổ chức bộ máy, Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ phối hợp Viện khảo cổ học Việt Nam tiếp tục thực hiện hơn 10 đợt khai quật khảo cổ học, phát lộ cấu trúc của lớp tường đất, dấu tích các công trường khai thác đá, quy mô, kiến trúc 4 hào thành, đặc biệt là con đường Hoàng Gia, dấu tích kiến trúc cung điện trong thành nội, góp phần làm tăng thêm giá trị kiệt tác, nổi bật toàn cầu của kinh đô cổ.
Tăng cường sưu tầm, trưng bày các hiện vật, hướng dẫn nhân dân bảo tồn các ngôi nhà cổ, Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ trợ giúp các địa phương trong không gian văn hóa Tây Đô cập nhật, phổ biến các văn bản pháp quy về quản lý di sản, tư vấn, hướng dẫn xây dựng hồ sơ xếp hạng, tu bổ, trùng tu di tích, tổ chức các lễ hội truyền thống đền thờ Trần Khát Chân, chùa Thông, đình làng Đông Môn.
Anh Đỗ Văn Dũng, chuyên viên Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Vĩnh Lộc cho biết: Tại thời điểm này toàn huyện có 68 di tích khảo cổ học, lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó có 14 di tích quốc gia, di sản thế giới, 54 di tích cấp tỉnh. Lễ hội truyền thống gắn với các di tích trọng điểm: Phủ Trịnh, chùa Báo Ân, chùa Du Anh, đền thờ Trần Khát Chân, Nghè Cẩm Hoàng được bảo tồn, tổ chức thường niên, phát huy hiệu quả lan tỏa, cố kết cộng đồng.
Hiện 6 di tích đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ ngân sách, 2 di tích huy động nguồn xã hội hóa chống xuống cấp, trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị.
Huyện phối hợp Trường đại học Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ quản lý, bảo tồn di sản cho cán bộ, chuyên viên, người trực tiếp trông coi di tích ở các xã, thị trấn.
Năm qua, 4 nghệ nhân có đóng góp trong bảo tồn, truyền dạy các làn điệu chèo, tuồng, bơi chèo cạn được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú và Huyện đang triển khai xây dựng hồ sơ đề cử công nhận di sản phi vật thể quốc gia làn điệu hát, chèo thuyền tại lễ hội Đền thờ Trần Khát Chân ở thị trấn huyện lỵ.
Hướng dẫn viên giới thiệu giá trị các di vật phát hiện trong không gian văn hóa Tây Đô tới du khách.
Nhiều năm qua, Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ phối hợp các câu lạc bộ tuồng ở làng Bèo, chèo ở làng Như Áng xã Vĩnh Long, câu lạc bộ ca trù ở xã Vĩnh Ninh tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền các giá trị di sản, giáo dục ý thức bảo tồn di tích cho đông đảo học sinh phổ thông ở huyện Vĩnh Lộc và phục vụ hoạt động giáo dục ngoại khóa của các cơ sở giáo dục trong, ngoài tỉnh.
Các hoạt động thi tìm hiểu giá trị di sản, chụp ảnh, vẽ tranh, sản xuất clip quảng bá di tích, trải nghiệm kỹ thuật xây thành, làm nhà khảo cổ học được tổ chức, tạo hứng thú, hấp dẫn học sinh.
Tour du lịch tìm hiểu kiến trúc các ngôi nhà cổ, làng cổ Đông Môn, các thiết chế văn hóa cộng đồng; đưa du khách tới đàn tế Nam Giao, chùa Giáng, đền thờ Trần Khát Chân ở thị trấn huyện Vĩnh Lộc, kết nối tới quần thể di tích trong huyện, mở rộng không gian khám phá một vùng di sản, danh thắng.
Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, Nguyễn Văn Long cho rằng: Chúng tôi chủ động phối hợp các doanh nghiệp lữ hành khảo sát, khai thác tiềm năng du lịch, hiện tour du lịch bằng thuyền trên sông trải dài thảm lá ấu, hoa súng, ngắm phong cảnh đồng quê, khám phá một vùng non nước, các động Kim Sơn, Tiên Sơn ở xã Vĩnh An, Nghè Vẹt ở xã Vĩnh Hùng, chùa Hoa Long ở xã Vĩnh Thịnh, nơi in đậm dấu ấn văn hóa Chăm Pa thu hút khá đông khách thập phương.
Ngoài ra đơn vị tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, hỗ trợ đầu tư hệ thống điện, nước phục vụ sản xuất, thu mua, xây dựng, quảng bá các sản phẩm chế biến từ rau má, sâm báo cho nhân dân trong vùng, tạo điều kiện cho các hộ dân tổ chức các dịch vụ, giới thiệu, bày bán nông sản, đặc sản địa phương.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Lộc, 9 tháng qua toàn huyện đón được 213.500 lượt khách du lịch, trong đó có 183.600 lượt khách khám phá Di sản thế giới Thành nhà Hồ.
Bàn về giải pháp tăng trưởng du lịch, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, Trịnh Hữu Anh thông tin thêm: Đơn vị tăng cường khai thác các giá trị đặc trưng của di sản; tập hợp, thu hút người dân trong không gian văn hóa Tây Đô tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng; phối hợp với các công ty du lịch lữ hành khảo sát, xây dựng các tour, tuyến du lịch, tăng cường kết nối với các di tích vệ tinh, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng đa dạng loại hình, sản phẩm, tăng thu từ hoạt động du lịch.
Mai Luận