Với định hướng mở rộng không gian du lịch, lấy Vịnh Hạ Long làm trung tâm, TP Hạ Long đã chủ động phát triển du lịch sinh thái kết hợp với khai thác giá trị văn hóa bản địa. Từ đó, tạo ra các sản phẩm và điểm đến du lịch hấp dẫn, đồng thời lưu giữ, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc.
Du khách trải nghiệm tham quan rừng trúc tại xã Kỳ Thượng.
Kỳ Thượng là một trong những xã vùng sâu, vùng xa nhất của TP Hạ Long. Ngoài giá trị về đa dạng sinh học, xã còn được đánh giá là địa phương có tài nguyên du lịch tự nhiên, với nhiều dãy núi cao, hệ thống sông, hồ, suối, thác nước dựng đứng, đan xen giữa rừng xanh bạt ngàn tạo thành khung cảnh tự nhiên. Đây cũng là một trong những điểm đến yêu thích của du khách bởi khung cảnh thiên nhiên “sơn thủy hữu tình”, bầu không khí trong lành, yên tĩnh khác hẳn chốn thị thành. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cũng được khai thác song song cùng với giá trị sinh thái, trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo.
Thời gian qua, một số đơn vị đã đầu tư xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mang đặc trưng phong cách người dân bản địa. Có thể kể đến Khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp farm với thiết kế nhà sàn bằng gỗ cùng khuôn viên rộng gần 2.000m2 phục vụ các dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi. Anh Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp Farm, cho biết: Du khách rất thích tận hưởng bầu không khí tại Kỳ Thượng, chèo thuyền và ngắm rừng cây. Đó như một cách để chữa lành tâm hồn và thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Sau khi trải nghiệm với thiên nhiên, du khách được chào đón bởi nhân viên là chính những người dân trong trang phục Dao truyền thống. Đồng thời, được tham quan nhà cộng đồng là nơi trưng bày trang phục, nông cụ sản xuất, nghe giới thiệu về văn hóa bản địa và xem, học thêu thổ cẩm cùng người dân địa phương.
Cùng với Khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm, Khu bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả cũng là một điểm đến du lịch văn hóa bản địa hấp dẫn tại TP Hạ Long. Nơi đây nơi lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y và là địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng giúp gắn kết tình cảm và lan tỏa những nét đẹp văn hóa của người Dao bản địa. Gần đây, một số công ty lữ hành đã bắt đầu đón khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm tại khu bảo tồn. Du khách, đặc biệt là các du khách quốc tế rất hào hứng và thích thú đối với các hoạt động này.
TP Hạ Long tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho người dân tại Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y, xã Bằng Cả - Ảnh: Phòng Văn hóa-Thông tin Hạ Long cung cấp.
Một trong định hướng phát triển của Kỳ Thượng, Bằng Cả cũng như nhiều xã vùng cao của TP Hạ Long, đó là hướng đến phát triển các mô hình du lịch bền vững, phát triển thêm mô hình dịch vụ mới nhưng vẫn bảo vệ toàn diện rừng tự nhiên, bảo vệ tài nguyên nước, giữ gìn phát huy giá trị văn hóa bản sắc đồng bào dân tộc Dao. Từ đó, phát triển các sản phẩm du lịch chính như: Tham quan, chụp ảnh, tắm suối, bơi lội, câu cá, thư giãn, ngắm cảnh trong rừng, du lịch học tập hoặc nghiên cứu, du lịch ẩm thực truyền thống (rượu chua, canh gà nấu gừng, ốc khe...), du lịch chăm sóc sức khỏe (tắm lá thuốc người Dao)...
Để thu hút du khách đến với khu vực này, giao thông chính là động lực quan trọng tăng cường kết nối du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Vì vậy, thành phố đã tập trung nguồn lực triển khai các công trình thiết yếu, như: Đường đấu nối QL279 đến TL342; nâng cấp đập Gốc Mương, thôn 1, xã Dân Chủ; nâng cấp tuyến đường Đồng Cao - Đò Bang, xã Thống Nhất; lắp hệ thống điện chiếu sáng QL279 (đoạn từ Km5+400 đến Km13+800)... Riêng năm 2022, thành phố bố trí 723 tỷ đồng để đầu tư cho các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi gắn với chương trình xây dựng NTM.
Được biết, Đề án phát triển du lịch TP Hạ Long đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định lấy bảo tồn và khai thác Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là yếu tố quan trọng cốt lõi để phát triển Hạ Long trở thành thành phố du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, lấy Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, với bản sắc văn hóa đặc sắc, truyền thống lịch sử lâu đời của cư dân bản địa là cơ sở để khai thác hiệu quả môi trường cảnh quan liên thông rừng - núi, sông, vịnh; tiếp tục lấy du lịch nội địa là nội lực duy trì hoạt động của ngành du lịch.
Hội làng Bằng Cả được tổ chức tại Khu Bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y. Ảnh: Khánh Giang.
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Hạ Long, có thể thấy, phát triển du lịch sinh thái kết hợp với khai thác giá trị văn hóa bước đầu phát huy hiệu quả, khẳng định hướng đi đúng đắn trong lộ trình phát triển du lịch của xã Kỳ Thượng nói riêng, cũng như TP Hạ Long nói chung. TP Hạ Long đã và đang lập kế hoạch triển khai xây dựng các làng, bản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, phục dựng các lễ hội, nét văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số khác trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch, thông qua các sản phẩm du lịch đặc trưng của Kỳ Thượng đến với du khách tham quan Hạ Long, khám phá nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào Dao Thanh Y, trải nghiệm món ăn đặc trưng của Kỳ Thượng. Qua đó, không ngừng làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng thời mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chính người dân trên địa bàn.
Hoàng Quỳnh