Bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, ngay dưới chân núi Sơn Bạc Mây quanh năm mây phủ.
“Sin Suối Hồ” trong tiếng Mông nghĩa là “suối có vàng”, cái tên như mong ước của bao thế hệ sinh sống tại đây. Và dòng “suối có vàng” ấy đã mang lại “vàng” cho Sin Suối Hồ nhờ sự đồng lòng, quyết tâm phát triển du lịch cộng đồng, cải thiện đời sống của người dân.
Du khách thích thú với trang phục truyền thống bày bán tại chợ phiên Sin Suối Hồ.
Khởi sắc nhờ du lịch
Trải qua một chặng đường núi tiếp núi, dốc cao khúc khuỷu, con đường xóc nảy... nhưng khi đặt chân đến Sin Suối Hồ, du khách lập tức quên hết mệt mỏi khi được người dân chào đón bằng những nụ cười nồng hậu cùng chén trà ấm trên tay.
Cô hướng dẫn viên trẻ Hảng Thị Qua xinh xắn trong bộ trang phục truyền thống đầy màu sắc của người Mông hướng dẫn du khách tham quan bản, thăm nhà thờ Tin lành - nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân, và khu chợ phiên - nơi có 54 gian hàng đại diện cho 54 dân tộc anh em của Việt Nam. Khu chợ độc đáo này khiến du khách không khỏi ngạc nhiên.
“Nếu đến vào những ngày không phải phiên chính, du khách sẽ chỉ gặp một người đảm nhiệm toàn bộ việc kinh doanh của khu chợ này. Lý do là bởi an ninh trật tự ở đây rất tốt nên người dân không phải trông hàng hóa cả ngày. Thậm chí, khi nghỉ bán, hàng hóa trong chợ - chủ yếu là trang phục thổ cẩm - cũng không phải cất vào” - hướng dẫn viên Hảng Thị Qua tự hào cho biết. Chính điều này đã giúp Sin Suối Hồ có thêm “điểm cộng” trong mắt du khách.
Vừa dẫn du khách đi trên con đường lát đá sạch sẽ, hai bên là những chậu hoa địa lan lớn, Hảng Thị Qua vừa kể những câu chuyện khiến du khách phải trầm trồ. Khoảng 3 thập niên trước, Sin Suối Hồ là “bản nghèo nhất của tỉnh nghèo nhất” cả nước, với 90% dân số nghiện rượu và thuốc phiện, trình độ dân trí rất thấp.
Năm 1992, Nhà nước chủ trương dẹp bỏ cây thuốc phiện, đời sống của bà con tuy đã thay đổi nhưng vẫn còn khó khăn. Khi ấy Trưởng bản Vàng A Chỉnh đã mạnh dạn phát triển mô hình du lịch cộng đồng, cải tạo nhà ở cho khách lưu trú. Dần dà du khách đến với bản ngày một nhiều. Ông Vàng A Chỉnh chẳng ngần ngại bày cho các hộ khác cùng làm theo. Họ bảo nhau phải giữ nguyên kiến trúc nhà truyền thống, cải tạo công trình phụ sạch sẽ, khang trang. Chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm được dịch chuyển ra xa và quây nhốt bài bản chứ không thả rông như trước.
Một số gia đình có điều kiện còn làm thêm những căn nhà gỗ trên cây với đầy đủ tiện nghi để phục vụ du khách. Những nhà Tổ Chim, nhà Tổ Ong, hay các bungalow hiện đại được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường thường xuyên kín khách vào dịp cuối tuần. Không ít hộ ở Sin Suối Hồ đã xây dựng 2 - 3 căn nhà sàn có sức chứa lên tới 50 - 70 khách/đêm.
Những gia đình khác đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi để cung cấp nông sản cho các hộ làm du lịch để phục vụ khách. Hàng chục người tham gia dịch vụ vận chuyển, làm porter (người dẫn đường, mang vác đồ) đưa du khách đi leo núi... Hiện nay, toàn bản có 148 hộ và gần 800 nhân khẩu, nhưng lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch (kể cả lao động mùa vụ) đã chiếm hơn 50% dân số.
Biến lợi thế thành “mỏ vàng”
Nhờ cách làm bài bản, có tầm nhìn và định hướng phát triển bền vững ngay từ đầu nên đến nay, Sin Suối Hồ đã trở thành một Làng văn hóa du lịch cộng đồng kiểu mẫu của Lai Châu.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ Sùng A Lùng, từ khi được tỉnh công nhận là Làng văn hóa du lịch cộng đồng năm 2015, đời sống của người dân đã khởi sắc rõ rệt. Đường giao thông được cải thiện, trẻ em được học hành đầy đủ, không còn tệ nạn xã hội, an ninh trật tự được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Thu nhập trung bình của các hộ dân làm du lịch hiện ở mức 30 - 40 triệu đồng/tháng.
“Hiện nay, bản Sin Suối Hồ có 23 hộ đang kinh doanh dịch vụ homestay và 1 hợp tác xã chuyên đón khách đoàn, có thể đón được 70 khách lưu trú và phục vụ cùng lúc hàng trăm khách ăn uống. Năm 2022, bản Sin Suối Hồ đã đón khoảng 20 nghìn lượt khách lưu trú, trong đó khách quốc tế chiếm gần 10%. 10 tháng năm 2023, bản đã đón lượng khách tương đương với năm ngoái” - ông Sùng A Lùng chia sẻ.
Bí quyết biến tiềm năng thành “mỏ vàng” của người dân Sin Suối Hồ nằm ở chỗ, họ đã biến giá trị văn hóa và tài nguyên thiên nhiên trở thành “tài sản”. Đến với Sin Suối Hồ, du khách không chỉ được hòa mình vào các điệu dân ca, dân vũ, tìm hiểu nghề thêu thổ cẩm truyền thống, tận tay trải nghiệm nghệ thuật vẽ sáp ong, thử nhuộm chàm trên vải mà còn được gặt lúa, làm nương, vào rừng hái thảo quả cùng bà con hay khám phá bức tường đất 300 năm, cây táo mèo 300 tuổi và nhiều điểm check-in đẹp...
Du khách có thể đi thăm thác Trái Tim, trekking đỉnh Sơn Bạc Mây hay đi bộ khám phá con đường đá cổ Pavi từ thời Pháp thuộc, kéo dài từ xã Sin Suối Hồ sang xã Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát, Lào Cai). Lai Châu là “vùng đất của những đỉnh núi cao” nhờ sở hữu 6/10 ngọn núi cao nhất Việt Nam, vì thế, nhiều du khách đã chọn nghỉ lại Sin Suối Hồ để lấy sức cho hành trình chinh phục những đỉnh núi cao như Putaleng (3.046m), Bạch Mộc Lương Tử (3.049m) hay Tả Liên Sơn (2.996m).
Theo Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”, Sin Suối Hồ được xác định trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó chú trọng công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp; đồng thời hướng tới mục tiêu trở thành làng văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của quốc gia.
Bài và ảnh: Linh Tâm