Chiều 8/11, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức diễn đàn "Thúc đẩy hoạt động đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch của tỉnh".
Quang cảnh tại diễn đàn thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển du lịch tỉnh
Diễn đàn được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận, đánh giá những tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, qua đó tìm kiếm các mô hình, giải pháp công nghệ mới, phù hợp với định hướng phát triển ngành du lịch, cũng như kêu gọi các nhà đầu tư, trưởng làng công nghệ, các startup đến cung cấp các giải pháp để giải quyết các nhu cầu đặt ra trong lĩnh vực du lịch.
Tiềm năng và cơ hội đầu tư
Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch với những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất Cố đô, vùng nông thôn ven thành phố, vùng cao của các đồng bào dân tộc thiểu số. Thừa Thiên Huế có 7 di sản UNESCO vinh danh; gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa; hơn 500 lễ hội; hàng trăm ngôi chùa cổ, làng cổ, nhà rường, nhà vườn; hệ thống di tích lưu niệm về Bác Hồ cùng với các ditích lịch sử văn hóa, cách mạng; hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng, phong phú; ẩm thực Huế, con người Huế...
Nhiều nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề của địa phương được xây dựng, như: Nón lá Huế, dầu tràm Huế, bún bò Huế, vải Dèng, áo dài Huế, sen Huế, Huế - Kinh đô ẩm thực, chợ quê cầu Ngói Thanh Toàn, làng cổ Phước Tích... góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập của người dân và doanh nghiệp (DN). Đây còn là tín hiệu để nâng cao giá trị thương hiệu, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ phục vụ du lịch của tỉnh.
Nhiều sản phẩm đặc trưng, trong đó có áo dài Huế là một trong những sản phẩm du lịch của tỉnh
Huế còn đang thực hiện mục tiêu phát thải khí nhà kính Net Zero 2050 của Việt Nam. Qua nhiều lần, Huế được vinh danh là "Thành phố xanh quốc gia", Thành phố du lịch sạch ASEAN giai đoạn 2018-2020 và 2020-2022; sản phẩm du lịch bền vững thành thị; Giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN... Một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng Thừa Thiên Huế nhận được những đánh giá tích cực, xếp hạng cao từ các tổ chức quốc tế về du lịch.
Tuy bức tranh du lịch tỉnh rất giàu tiềm năng, nhiều lợi thế phát triển, nhưng Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc thẳng thắn nhìn nhận, du lịch của tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến chưa cao, sản phẩm du lịch chưa đa dạng và chưa thu hút khách ở lại lâu hơn. Các sản phẩm, dịch vụ vùng ngoại ô thành phố chưa được quan tâm đầu tư, khai thác và phát triển mạnh mẽ.
Vận hội mới từ đổi mới sáng tạo mở
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đồng tình, để du lịch tỉnh có sự bức phá cần những định hướng mới như: du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch thông minh, du lịch bản địa với những mô hình mới, được thúc đẩy mạnh mẽ dựa trên chuyển đổi số, KNĐMST mở. Đây là hướng đi nhằm thực hiện nhiệm vụ "Hỗ trợ nâng cao năng lực của địa phương trong xây dựng Hệ sinh thái KNĐMST thuộc Đề án 844 (Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025). Hay nói cụ thể hơn, Nhà nước là khách hàng tiềm năng và đặt ra đề bài, sử dụng sản phẩm công nghệ của DN KNĐMST. Đây là môi trường thuận lợi nhất để các startup coi chính quyền địa phương là đối tượng phục vụ chính vì nó gắn liền với thị trường, gắn liền với cuộc sống.
Ông Trần Văn Tùng, Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN chia sẻ, tỉnh cần thúc đẩy, thu hút sự tham gia của đa dạng các thành phần vào đổi mới sáng tạo mở. Trong đó, chính quyền địa phương và tập đoàn lớn sẽ đóng vai trò là những người ra đề bài cho startup. Khi chính quyền địa phương và startup gắn kết, không chỉ có lợi cho các DN khởi nghiệp có "đất" để triển khai ý tưởng, mà ngược lại, chính quyền địa phương cũng được hưởng lợi khi có thêm nguồn lực đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển ngành du lịch.
Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng cho rằng, để làm được điều này, từ UBND tỉnh đến các ban, ngành, địa phương cần kiến tạo môi trường chính sách, đặt hàng những nội dung trọng điểm từ chương trình kinh tế trọng điểm. Qua đó, kêu gọi đầu tư, kêu gọi sự chuyển giao KHCN từ các yếu tố bên ngoài, thúc đẩy sự tham gia của các startup để giải quyết các vấn đề trọng điểm trong từng lĩnh vực.
Ngành KH&CN sẽ cùng với ngành du lịch tập trung hỗ trợ, thúc đẩy, kiến tạo các ý tưởng, dự án và DN khởi nghiệp về du lịch, công nghệ thông tin, truyền thông, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh học, dược liệu, y tế. Qua kết nối và phát triển chuỗi liên kết, chính quyền địa phương, các tập đoàn, DN lớn không chỉ dựa vào nguồn lực bên trong từ các nhà nghiên cứu thuộc tập đoàn của mình, mà còn sử dụng trí tuệ bên ngoài, chính là các startup, các viện, trường... để phát triển và cùng khai thác, sử dụng những sản phẩm mới.
Sản vật vùng cao được nâng tầm phục vụ du lịch dịch vụ từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ông Trương Thanh Hùng, Chủ tịch FiNNO Group, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn KNĐMST Quốc gia cũng đã hiến kế nhiều ý tưởng để khai thác tiềm năng tài nguyên du lịch bản địa thúc đẩy KNĐMST của tỉnh với những mô hình kinh doanh sáng tạo, không bán cái hữu hình mà bán giá trị văn hóa trong nó để nâng tầm sản phẩm. Hay hình thành các tour trải nghiệm "Một ngày làm cô gái Huế", tour chạy bộ xuyên lăng tẩm; trải nghiệm thực tế ảo cung đình, cuộc sống hoàng gia; tìm về và sống chậm giữa lòng Cố đô; thư viện số về lịch sử cung đình...
Một khi tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái KNĐMST ngành du lịch, dịch vụ và ẩm thực với các mô hình kinh doanh mới, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, cùng với các sản phẩm truyền thống sẽ tăng được năng lực cạnh tranh của tỉnh, là đòn bẩy hiệu quả để cấu trúc lại ngành du lịch, thúc đẩy các liên kết hợp tác ngành, liên kết đa ngành, đa nguồn lực để du lịch Thừa Thiên Huế bức phá.
Bài, ảnh: Hoài Thương