Việc quản lý hiệu quả các khu dự trữ sinh quyển thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến mới để phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo tính bền vững về mặt xã hội, văn hóa và môi trường ở nước ta.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện Việt Nam có 11 Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới, chỉ đứng sau Indonesia về số lượng các Khu dự trữ sinh quyển tại khu vực Đông Nam Á. Các Khu dự trữ sinh quyển này là điều kiện không thể thiếu đối với cuộc sống của không chỉ hàng triệu người dân Việt Nam, mà còn của vô số các loài động thực vật đặc hữu. Việc thúc đẩy vai trò và giá trị của các Khu dự trữ sinh quyền trong việc điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên có tầm quan trọng đặc biệt trong việc hoạch định chính sách quốc gia.
Các khu dữ trữ sinh quyển thế giới của nước ta không chỉ là danh hiệu được UNESCO công nhận mà còn đang dần trở thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương Lợi ích mà khu dự trữ sinh quyển mang lại là rất lớn, và khu dự trữ tác động mạnh đến môi trường sống hiện nay. Khu dự trữ sinh quyển đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên như rừng, đầm lầy, và vùng biển. Nhờ việc duy trì và khôi phục các hệ sinh thái này, đã giúp duy trì sự cân bằng môi trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Khu dự trữ sinh quyển cũng đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn và quản lý các loài động và thực vật quý hiếm.
Bên cạnh đó, Khu dự trữ sinh quyển cũng đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn và quản lý các loài động và thực vật quý hiếm, việc này nhằm cân bằng sinh thái và ngăn chặn suy thoái của các loài quan trọng trong việc ổn định hệ sinh thái. Ngoài ra, khu dự trữ sinh quyển còn đóng góp vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu khí thải carbon và hấp thụ carbon từ không khí. Các hệ sinh thái trong khu vực này, như rừng nguyên sinh, có khả năng hấp thụ CO2 và lưu giữ carbon, giúp làm giảm hiệu ứng nhà kính và ổn định khí hậu.
Khu dự trữ sinh quyển cung cấp một môi trường thuận lợi cho nghiên cứu và giáo dục về môi trường và biến đổi khí hậu. Việc tiến hành các nghiên cứu khoa học trong khu vực này giúp hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu và phát triển các biện pháp ứng phó hiệu quả. Đặc biệt, khu sinh quyển còn cung cấp cơ hội phát triển kinh tế địa phương bền vững qua các hoạt động du lịch sinh thái, khai thác bền vững các nguồn tài nguyên tạo thêm thu nhập cho người dân ở khu vực này.
Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho biết: Việc quản lý hiệu quả các Khu dự trữ sinh quyển đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến mới để phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo tính bền vững về mặt xã hội, văn hóa và môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nỗ lực xây dựng các chính sách và khung pháp lý để tăng cường hơn nữa việc quản lý các Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam.
Khu dự trữ sinh quyển là "nơi học tập để phát triển bền vững", nơi thử nghiệm các phương pháp tiếp cận liên ngành để tìm hiểu và quản lý những thay đổi cũng như các tương tác giữa các hệ thống sinh thái và xã hội, bao gồm việc ngăn ngừa xung đột trong công tác quản lý đa dạng sinh học. Đây là một mô hình về sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, trong đó việc bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển đời sống kinh tế xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương.
Đã có nhiều sáng kiến, mô hình thành công trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên được triển khai và nhân rộng trên khắp các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại nước ta.
Việc tăng cường giáo dục và thông tin về giá trị và vai trò của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cần có sự quan tâm và hành động bảo vệ từ cộng đồng và xã hội.
Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc bảo vệ các khu vực dữ trữ sinh quyển nhưng việc mất môi trường sống do nhiều nơi khai thác không bền vững, nạn phá rừng, đô thị hoá và ô nhiễm môi trường đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không hề nhỏ về việc gìn giữ khu dữ trữ sinh quyển. Sự suy giảm và mất mát đa dạng sinh học đang là một thách thức lớn tại các khu dự trữ sinh quyển. Việc săn bắn trái phép, đánh bắt quá mức và môi trường sống đang bị đe doạ gây ra nguy cơ suy thoái của các loài quý hiếm và đặc biệt.
Một số khu dữ trữ còn đang gặp khó khăn trong việc triển khai quản lý và tham gia cộng đồng, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cấp quản lý, nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương để đảm bảo hiệu quả và bền vững của từng khu vực. Một thách thức khác là nâng cao ý thức và nhận thức xã hội về tầm quan trọng của bảo vệ các khu dữ trữ sinh quyển. Việc tăng cường giáo dục và thông tin về giá trị và vai trò của các khu vực này là cần thiết để thúc đẩy sự quan tâm và hành động bảo vệ từ cộng đồng và xã hội.
Quản lý bền vững các Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm từ các bên liên quan, trong đó có Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) với các đóng góp quan trọng. Trọng tâm của các hỗ trợ này là thúc đẩy khả năng phục hồi môi trường và hỗ trợ sinh kế địa phương trước những thách thức ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu.
Dự án "Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam" (Dự án BR), do Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNDP thực hiện, nhằm thúc đẩy việc quản lý tổng hợp các Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cụ thể là ở các Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm (Hội An) và Đồng Nai.
Dự án cũng ưu tiên phục hồi 4.000 ha rừng bị suy thoái và quản lý bền vững 60.000 ha các khu vực dành riêng (là các khu vực nằm ngoài Khu bảo tồn, có giá trị cao về đa dạng sinh học). Đáng chú ý, dự án trực tiếp hỗ trợ để cải thiện sinh kế cho 2.500 hộ gia đình địa phương, đặc biệt chú trọng sự tham gia của phụ nữ, chiếm 40% số người hưởng lợi, vào các hoạt động của dự án. Bên cạnh đó, sáng kiến "Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái" của Liên Hợp Quốc và gần đây là Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal đã đặt ra những mục tiêu về bảo tồn thiên nhiên và phục hồi hệ sinh thái đầy tham vọng.
Trong bối cảnh đó, UNDP tiếp tục đặt bảo tồn thiên nhiên làm trung tâm trong các chương trình phát triển của mình, thông qua sáng kiến Nature Pledge, để mở rộng quy mô và đẩy nhanh các hành động cần thiết, nhằm đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. UNDP tại Việt Nam đã và đang hỗ trợ thúc đẩy cải thiện quản lý các Khu dự trữ sinh quyển và các Khu bảo tồn, huy động tài chính cho đa dạng sinh học, du lịch dựa vào thiên nhiên và các hoạt động khác.
Thu Hương