Để du lịch phát triển nhanh, bền vững

Cập nhật: 23/11/2023
Được xác định là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn nhưng du lịch Việt Nam đang trong tình trạng “mạnh ai nấy làm” và thiếu chiến lược bài bản, dẫn tới khó cạnh tranh với các quốc gia lân cận.

Du khách tham quan Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình). Ảnh: Bảo Hà

Năm 2022, du lịch Việt Nam khẳng định thương hiệu, vai trò và vị thế trong khu vực và toàn thế giới khi đón 3,66 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt người. Trong 10 tháng năm 2023, ngành du lịch tiếp tục khởi sắc với tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt.

Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế 10 tháng đầu năm mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh đang có dấu hiệu chững lại. Ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được.

Thời gian qua, ngành văn hóa và các địa phương đã tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, triển khai nhiều chương trình xúc tiến du lịch, kết nối giao lưu quốc tế, đưa du lịch Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Thực tế, chúng ta đang khai thác khá hiệu quả tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng gồm hàng vạn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống và phong tục tập quán, văn hóa đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc. Các tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông, du lịch uy tín trên thế giới cũng bình chọn, tôn vinh nhiều danh thắng, điểm đến du lịch hấp dẫn của Việt Nam.

Tuy nhiên, so với tiềm năng thực tế và kỳ vọng thì ngành du lịch cần phải cố gắng rất nhiều, đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn đang đối mặt.

Điển hình như, quy hoạch liên kết giữa các vùng, địa phương trong phát triển du lịch còn thiên về định hướng không gian địa lý hoặc vùng kinh tế, chứ chưa dựa vào vùng du lịch. Một số địa phương đã chủ động triển khai nhiều hoạt động liên kết tỉnh, vùng trong quảng bá du lịch, song thiếu sự nghiên cứu thị trường và nhu cầu khách du lịch. Thế nên, chỉ có rất ít tour tuyến du lịch liên tỉnh được hình thành do việc liên kết du lịch trong vùng rời rạc, mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm, chưa có sự hợp tác sâu rộng.

Đáng lo ngại là nhiều địa phương chưa tạo ra được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của từng địa phương. Nhiều sản phẩm du lịch bị trùng lắp, chưa tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách như loại hình du lịch miệt vườn ở miền Tây Nam bộ, hoặc khu phố đi bộ, chợ đêm ở nhiều địa phương có cách tổ chức giống nhau.

Ngoài ra, hoạt động du lịch là một chuỗi các dịch vụ có gắn kết gồm: giao thông, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, tham quan, vui chơi giải trí và các dịch vụ bổ trợ như thương mại, sản xuất... Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các loại hình dịch vụ trên chưa chặt chẽ, đồng bộ do thiếu vai trò của một cơ quan quản lý điều phối nhịp nhàng.

Theo các chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, Ban Chỉ đạo du lịch ở Trung ương và các địa phương cần phát huy vai trò liên kết đồng bộ giữa các lĩnh vực dịch vụ và liên kết giữa các vùng, địa phương trong phát triển du lịch; vận hành hiệu quả Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch trong công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch, đem lại lợi thế cho du lịch Việt Nam.

Cùng đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, nguồn lực để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, xây dựng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch lớn ở tầm quốc gia, quốc tế để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến với Việt Nam, yêu quý hơn đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Thanh Thảo

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 23/11/2023