Phát huy giá trị di sản của Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (tỉnh An Giang)

Cập nhật: 28/11/2023
Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là Di tích cấp quốc gia đặc biệt, đang trong giai đoạn làm hồ sơ đề nghị Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới gần 100km giáp với tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Đây là địa phương được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, có dãy Thất Sơn hùng vĩ bậc nhất của khu vực ĐBSCL. Các dân tộc Kinh, Chăm, Hoa và Khmer trên địa bàn tỉnh chung sống lâu đời, cùng tạo ra những giá trị vật chất, văn hóa tinh thần vô cùng phong phú, đa dạng, thể hiện qua các lễ hội văn hóa dân tộc, các làng nghề thủ công truyền thống, các hoạt động và công trình kiến trúc văn hóa độc đáo.  

Đến nay, tỉnh An Giang có 2 di tích văn hóa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích cấp quốc gia đặc biệt, gồm Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu di tích Óc Eo - Ba Thê. Trong đó, Văn hóa Óc Eo là thuật ngữ khoa học để chỉ một nền văn hóa khảo cổ, hình thành và phát triển từ thế kỷ thứ I - VII hoặc có thể kéo dài đến đầu thế kỷ thứ VIII sau Công nguyên ở vùng đồng bằng hạ lưu sông Mekong, thuộc vùng đất Nam Bộ, Việt Nam ngày nay.

Đây là nền văn hóa vật chất của Vương quốc Phù Nam, một nhà nước sớm hình thành ở Đông Nam Á, có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở khu vực và Châu Á từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Nền văn hóa này có nguồn gốc bản địa, được hình thành trên nền tảng văn hóa tiền Óc Eo ở vùng đất miền Trung và Nam Bộ, Việt Nam. Văn hóa Óc Eo được biết đến từ sau cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo (thuộc huyện Thoại Sơn) do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret thực hiện năm 1944. Kể từ đó đến nay, Óc Eo - Ba Thê trở thành di chỉ khảo cổ học nổi tiếng không chỉ ở vùng Nam Bộ, Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á và Châu Á.

Công tác khai quật được đẩy mạnh triển khai tại Khu di tích Óc Eo - Ba Thê. 

Trong nhiều thập kỷ qua, các cuộc khai quật ở đây đã tìm thấy khối lượng lớn di tích, di vật minh chứng sinh động cho lịch sử hình thành và phát triển của nền văn hóa Óc Eo, minh chứng Óc Eo là một trung tâm đô thị lớn, sầm uất và nổi tiếng bậc nhất của Vương quốc Phù Nam. Với giá trị đặc biệt và tầm vóc to lớn của văn hóa Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo - Nam Bộ)” (gọi tắt là Đề án Óc Eo). Đây là đề án khoa học có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và là nhiệm vụ nghiên cứu mang tầm quốc gia.

Đề án Óc Eo đã tập hợp số lượng các nhà nghiên cứu lớn nhất; cập nhật đầy đủ và toàn diện nhất về tư liệu nghiên cứu; tiến hành khảo sát, thăm dò và khai quật với tổng diện tích lớn nhất, quy mô nhất với các phương tiện, phương pháp tiên tiến; phát hiện khối lượng di tích, di vật lớn nhất; đạt được những thành tựu mới nhất trong nghiên cứu về địa tầng, tính chất, chức năng, niên đại và vai trò của khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong không gian, thời gian văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam. 

Sau gần 4 năm thực hiện nhiệm vụ (2017 - 2020), kết quả khai quật khảo cổ học tại Óc Eo - Ba Thê (tỉnh An Giang) và Nền Chùa (tỉnh Kiên Giang) đã phát hiện được nhiều loại hình di tích quan trọng, như: Kiến trúc đền tháp, di chỉ cư trú nhà sàn, các loại giếng nước, hồ nước được xây dựng bằng gạch, đá và đồ gỗ cùng nhiều dấu tích sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức bằng đá quý, thủy tinh và bằng vàng. Đặc biệt, cuộc khai quật đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng cực kỳ phong phú, đa dạng các loại hình di vật, nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thủy tinh.

Di tích Gò Cây Thị thuộc Khu di tích Óc Eo - Ba Thê. Ảnh: LT. 

Với những phát hiện quan trọng của khảo cổ học trong các năm 2017 - 2020, lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam tiếp tục được làm sáng tỏ qua các loại hình di tích và di vật mới phát hiện. Nguồn tư liệu quan trọng này góp phần minh chứng thuyết phục rằng, trong gần 8 thế kỷ tồn tại từ đầu Công nguyên đến đầu thế kỷ thứ VIII sau Công nguyên, thế kỷ thứ IV - VI là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của đô thị cổ Óc Eo và Vương quốc Phù Nam.

Kết quả khai quật tại Khu di tích Óc Eo - Ba Thê đã phát hiện được nhiều vấn đề khoa học mới, minh chứng rõ ràng và thuyết phục hơn về đặc điểm, tính chất của “đô thị cổ” trên cánh đồng Óc Eo vốn là nơi tụ cư ven kênh rạch với sinh kế nông nghiệp và thương nghiệp nổi trội, có mối giao lưu văn hóa, thương mại hàng hải rất phát triển, liên kết nhiều khu vực trên thế giới thời bấy giờ. Bên cạnh đó, kết quả khai quật tại núi Ba Thê cũng phát hiện một quần thể di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng có quy mô lớn; đưa lại một bức tranh khá sinh động về trung tâm tôn giáo lớn của Vương quốc Phù Nam và đời sống sinh hoạt văn hóa rất đặc sắc của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử.

Kết quả quan trọng của đề án đã nghiên cứu và khẳng định rõ hơn các giá trị nổi bật của Khu di tích Óc Eo - Ba Thê. Đây là một trung tâm dân cư, đô thị, kinh tế, tôn giáo của văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam. Trong đó, Ba Thê đóng vai trò là trung tâm tôn giáo lớn trong đô thị và Óc Eo là trung tâm đô thị hay thành phố ven biển, kết nối với biển Tây Nam thông qua Nền Chùa và các tuyến thủy lộ trong vùng. Đây là đô thị có vai trò rất quan trọng trong hệ thống thương mại quốc tế.

Những phát hiện mới về đồ gốm nước ngoài tại di tích Nền Chùa, Lung Lớn và Gò Giồng Cát, gồm những đồ gốm đến từ La Mã (thế kỷ thứ II), Ấn Độ (thế kỷ thứ I - VI), Trung Quốc (thế kỷ thứ II - VII) và Tây Á (thế kỷ VIII) đã minh họa rõ mối quan hệ xuyên đại dương, cung cấp một cái nhìn xuyên suốt và bao quát hơn về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa của đô thị Óc Eo trong lịch sử…

Đến nay, tỉnh An Giang đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ giai đoạn 1 (trong quy trình 2 giai đoạn của UNESCO). Vừa qua, Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) đã cử các chuyên gia đến Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê để thực hiện quy trình tập trung theo quy định của UNESCO. Tỉnh An Giang đang phấn đấu đến năm 2026, sẽ hoàn thành và bảo vệ hồ sơ chính thức trước UNESCO tại Pháp.

Nhằm kịp thời bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Óc Eo - Ba Thê, ngày 23/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 115/QĐ-TTg về việc Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê. Theo đó, tổng diện tích quy hoạch là 433,2 ha bao gồm: Khu A - “Trung tâm Tôn giáo Óc Eo” tại sườn và chân núi Ba Thê; Khu B - “Trung tâm đô thị cổ Óc Eo” tại cánh đồng Óc Eo. Quy hoạch cũng đề cập cụ thể đến các phân khu chức năng; không gian bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; hạ tầng kỹ thuật. Mục tiêu của việc quy hoạch nhằm bảo vệ các điểm di tích, di vật đã được phát lộ của Di tích quốc gia đặt biệt Óc Eo – Ba Thê. Đồng thời, phát huy giá trị của di tích trở thành khu nghiên cứu khảo cổ học; hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù; định hướng lộ trình và các giải pháp tổng thể nhằm quản lý, đầu tư.

Để nâng cao công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, UBND tỉnh An Giang cho rằng bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, thì nguồn lực đầu tư từ xã hội là động lực rất quan trọng. Do đó, tỉnh An Giang cũng kêu gọi các doanh nghiệp dành sự quan tâm đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và văn hóa Óc Eo nói riêng. Qua đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho toàn khu vực.

Lê Thảo

Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Ngày 28/11/2023