Từ cuối tháng 6 đến tháng 7-2009, UBND TP.Vũng Tàu đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, chấp hành các quy định pháp luật về môi trường tại 24 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ven biển. Kết quả kiểm tra cho thấy, rất nhiều cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường. Trong tổng số 24 cơ sở được kiểm tra chỉ có 6 cơ sở có thủ tục pháp lý về môi trường, còn lại không có. Và có đến 10 cơ sở xả nước thải trực tiếp ra biển, 13 cơ sở thu gom, xử lý qua hố ga, bể tự hoại. Chỉ có 1 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải là Khu Lan Rừng Resort - Chi nhánh Công ty TNHH Da Vàng (số 3 Hạ Long, phường 2, TP. Vũng Tàu).
Không chỉ những cơ sở kinh doanh nhỏ, vi phạm mà nhiều nhà hàng lớn cũng “mắc lỗi”. Cụ thể, mặc dù đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng nước thải của Khu Lan Rừng Resort thải ra môi trường lại vượt quy định cho phép. Cụ thể, theo biên bản của Đoàn kiểm tra, hàng ngày khu resort này xả thải khoảng 64 m3, nước thải của cơ sở này vượt tiêu chuẩn cho phép 10 lần trở lên. Đầu tháng 8-2009, UBND TP. Vũng Tàu đã có Quyết định xử phạt Khu Resort Lan Rừng với mức tiền 27 triệu đồng. Hiện khu resort này đang tiến hành ký hợp đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải với 1 đơn vị có uy tín, có công nghệ xử lý hiện đại trong tỉnh BR-VT.
Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại quán Tre (số 7 Trần Phú, phường 5, TP. Vũng Tàu), cơ quan chức năng cũng phát hiện, cơ sở này chưa thực hiện đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, chưa thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ. Đáng chú ý, quán này có một đường ống 500 xả nước thải trực tiếp ra biển... Một lãnh đạo của Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Vũng Tàu nhận xét: “Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ven biển không thực hiện thủ tục pháp lý về môi trường và chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Đáng chú ý, tại một số cơ sở, nước thải từ khu vực nhà bếp, rửa ly chén được “đổ” trực tiếp ra biển.
Kết quả phân tích các mẫu nước thải sinh hoạt của hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ven biển TP. Vũng Tàu đều vượt nhiều lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt. Một cán bộ của Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Vũng Tàu cho biết: “Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ven biển chưa có ý thức và thực hiện đúng quy định về việc thu gom, phân loại và quản lý chất thải. Có rất nhiều cơ sở đã gom chung chất thải nguy hại (bóng đèn huỳnh quang, giẻ lau dính dầu mỡ) cùng với chất thải sinh hoạt”.
Sau khi kiểm tra, UBND TP. Vũng Tàu đã yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ven biển phải có hệ thống xử lý nước thải và nước xả thải phải đạt tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, hiện nay, ở tuyến đường Trần Phú chưa có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt mà chủ yếu thải theo dòng chảy tự nhiên từ trên cao đổ ra biển. Do đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở đây cũng gặp khó khăn trong việc thu gom nước thải. Trước tình hình này, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Vũng Tàu đưa ra đề nghị: Trong thời điểm này, các cơ sở, nhà hàng kinh doanh dọc bãi biển phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép, sau đó, dùng nước này để tưới cho cây cối trong khuôn viên.
Chiều 29-9, ông Phạm Quốc Huy, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Vũng Tàu cho biết: “Hiện nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ven biển bị phạt đã nộp phạt. Có nhiều cơ sở đã trình các phương án bảo vệ môi trường. Những cơ sở lớn, phục vụ hàng ngàn thực khách đã tiến hành các thủ tục để thuê các đơn vị tư vấn, thiết kế hệ thống xử lý nước thải, trong đó có nơi thiết kế công suất xử lý tới 150 m3/ngày đêm. Với những cơ sở nhỏ lẻ, chúng tôi đã yêu cầu xây hầm chứa nước thải sau đó cho xe bồn đến hút”.