Phát huy nguồn lực văn hóa để phát triển du lịch, đó là một trong những biện pháp đang được tỉnh ta chú trọng để vừa tăng nguồn thu ngân sách, phát triển cộng đồng (nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân) vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.
1. Khi nói đến hiệu quả của phát huy nguồn lực văn hóa để phát triển du lịch nhiều người vẫn nhắc đến hai ngôi làng du lịch cộng đồng liền kề nhau, đó là làng Kon K’tu và làng Kon Jơ Dri ở xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum. Ngoài các yếu tố cảnh quan, thuận lợi về giao thông đi lại, gần trung tâm phố thị thì một yếu tố quan trọng tạo được dấu ấn, thu hút du khách chính là hai ngôi làng này đã gìn giữ, bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống của làng Ba Na. Từ ngôi nhà rông truyền thống, những ngôi nhà cổ, những đội cồng chiêng, múa xoang, những làn điệu dân ca đến nếp sống sinh hoạt thường ngày, những món ăn truyền thống của người Ba Na đã phát triển thành sản phẩm du lịch như: trang phục, ẩm thực, cồng chiêng và múa xoang.
Như ở làng Kon Jơ Dri, người dân nơi đây vẫn nhắc nhở nhau gìn giữ nếp nhà sàn truyền thống. Bên những ngôi nhà sàn, nếp sinh hoạt hằng ngày của người Ba Na vẫn đều đặn diễn ra: những bữa cơm với cá suối, lá mì, những ché rượu cần, tiếng lách cách khung cửi dệt thổ cẩm, thỉnh thoảng lại ngân nga đôi làn điệu dân ca đã tạo dấu ấn yên bình, độc đáo, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến nơi đây.
Đến làng Kon K'tu, du khách thích thú tìm hiểu các sản phẩm thổ cẩm, đan lát truyền thống. Ảnh: NP
Cuộc sống dần ấm no hơn nhờ đưa khách du thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla, biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, bán rượu ghè, các sản phẩm thổ cẩm, các nhạc cụ truyền thống được chế tác, người dân nơi đây càng ý thức được giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc sẽ thu hút được đông đảo du khách đến thăm, có thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho dân làng. Bởi vậy cùng với việc gìn giữ các giá trị văn hóa, các bậc cao niên ở các làng đã truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, chế tác và biểu diễn nhạc cụ, kỹ thuật se sợi, nhuộm và dệt thổ cẩm, cách thức làm nhà rông, nhà sàn, bảo tồn tiếng nói và chữ viết của dân tộc cho thế hệ trẻ. Nhờ vậy, lớp trẻ ở các làng này đều biết đánh cồng chiêng, múa xoang, tạo thành nét sinh hoạt đặc sắc, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
2. Xác định rõ tầm quan trọng của việc phát huy nguồn lực văn hóa cho phát triển du lịch, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS, các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát huy các tuyến, điểm du lịch”. Qua hơn nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã gắn kết văn hóa và du lịch, tạo xu hướng, sản phẩm du lịch đa dạng thu hút du khách tham gia du lịch văn hóa.
Nhìn từ làng Kon Jơ Dri, Kon K’tu có thể thấy giá trị văn hóa truyền thống là linh hồn của điểm đến. Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và ý thức giữ gìn để phát triển của chính người dân, những giá trị văn hóa truyền thống trở thành nguồn lực quan trọng thu hút du khách trong và ngoài nước, vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống vừa phục vụ phát triển cộng đồng làng, cải thiện đời sống của người dân.
Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng đội cồng chiêng, xoang ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: P.N
Chính vì vậy, cùng với việc xây dựng các tour, điểm, các sản phẩm du lịch văn hóa, tỉnh Kon Tum tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa đã tạo sắc màu mới, không khí mới, không chỉ tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức về văn hóa mà còn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Kon Tum. Lấy đơn cử gần nhất là Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên – Tinh hoa hội tụ” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức. Với nhiều hoạt động như: Trình diễn trang phục truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; các trò chơi dân gian; trưng bày, chế biến ẩm thực truyền thống, các nghệ nhân, các diễn viên, các vận động viên quần chúng đã giới thiệu, truyền cảm hứng giữ lửa, tiếp lửa và niềm tự hào, trách nhiệm về giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống các dân tộc vùng Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng đến với du khách gần xa.
Từ Ngày hội này cũng như nhiều sự kiện văn hóa được các cấp, các ngành tổ chức trong thời gian qua đã không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy sức mạnh, giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS mà còn thu hút du khách đến với vùng đất Kon Tum, đến với giá trị văn hóa vừa đa dạng, phong phú, vừa đặc sắc của nhiều dân tộc cùng sinh sống, đăc biệt là 7 DTTS tại chỗ, được trao truyền, gìn giữ từ đời này sang đời khác.
Mỗi vùng đất luôn có những đặc trưng về văn hóa, về phong cảnh, về nếp sống. Xây dựng và phát triển dựa trên đặc trưng của chính vùng đất đó luôn đem đến cho du khách sự trải nghiệm độc đáo, riêng biệt. Bởi vậy, quan tâm khai thác, phát huy tốt những nét riêng, sự độc đáo và đặc biệt là giá trị văn hóa truyền thống phong phú, đặc sắc của các DTTS chính là cơ hội để định vị điểm đến Kon Tum trên bản đồ du lịch, thu hút du khách gần xa.
Nguyên Phúc