Là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp ở Bình Dương hình thành và nức tiếng hàng trăm năm qua. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề, tỉnh Bình Dương triển khai Đề án "Bảo tồn và phát triển Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một và các vùng lân cận".
Bức tranh Bác Hồ do các nghệ nhân Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp thực hiện. Ảnh: Trần Tình
Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một) có lịch sử hình thành hàng trăm năm tuổi. Theo sách Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, nghề sơn mài xuất hiện ở Bình Dương hơn 300 năm trước. Cuốn "Bình Dương - Thế và lực mới trong thế kỷ XXI" do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xuất bản năm 2003, làm rõ: Trong cuộc di cư đầu thế kỷ 18, những người miền bắc, trong đó có những người thợ sơn mài đã đi dọc sông Sài Gòn đến lập nghiệp ở vùng đất Thủ Dầu Một, đưa nghề sơn mài du nhập và lưu truyền cho đến ngày nay.
Năm 1901, người Pháp lập Trường Mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một (nay là Trường trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương), chủ yếu để dạy nghề chạm trổ, trang trí sơn mài... Do vậy, nghề sơn mài có điều kiện thuận lợi phát triển nhanh và mở rộng.
Đỉnh cao phát triển là khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1975, đánh dấu sự ra đời của sơn mài Tương Bình Hiệp, với xưởng sơn mài Thành Lễ do hai nghệ nhân là ông Trương Văn Thành và ông Nguyễn Văn Lễ sáng lập. Nơi đây quy tụ nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong vùng thời bấy giờ như: Thái Văn Ngôn, Ngô Từ Sâm, Trần Văn Nam…, góp phần đưa hàng sơn mài đạt đến đỉnh cao về sự phong phú và chất lượng nghệ thuật, có giá trị thương mại lớn, được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước.
Sản phẩm Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp làm hộp đựng phục vụ các ngành chế biến khác.
Theo Hội Khoa học lịch sử Bình Dương, nét đẹp truyền thống của Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là đề tài về thiên nhiên, dân gian hay lịch sử, tất thảy đều mang đậm bản sắc chung văn hóa dân tộc, với các chủ đề tứ thời, ngư tiều canh mục, long lân quy phụng, các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam… Nét văn hóa mỹ thuật này hòa quyện vào dòng chảy văn hóa chung của cả nước, vì vậy vừa có giá trị về văn hóa, vừa mang dấu ấn lịch sử, góp phần vào văn hóa truyền thống Việt Nam. Đặc biệt, những nghệ nhân sơn mài vừa kế thừa nét văn hóa mỹ thuật truyền thống, vừa phát huy những giá trị văn hóa của địa phương để tạo nên nét đặc sắc riêng cho làng nghề.
Nghệ nhân Ưu tú Trương Quan Tịnh, với hơn 45 năm kinh nghiệm trong nghề sơn mài ở Thủ Dầu Một chia sẻ: Sự tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát, đậm đà bản sắc thể hiện đa dạng trên tất cả các sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp, từ những bức tranh nghệ thuật đến các sản phẩm sơn mài để sử dụng và trang trí như bình, lọ, đĩa, vòng tay, hộp… Thông qua nhiều phương pháp thể hiện như sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc… kết hợp trên gỗ, gốm, tre và các chất liệu khác, sản phẩm sơn mài đã chinh phục nhiều thị trường khó tính.
Giàu bản sắc là vậy, nhưng sản phẩm sơn mài truyền thống cũng đối mặt nhiều thách thức, do điều kiện kinh tế thị trường, thị hiếu tiêu dùng ngày càng có nhiều chủng loại sản phẩm cạnh tranh. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ hiện nay cũng có phần xa lạ với giá trị truyền thống của sản phẩm sơn mài.
Hoàn thiện sản phẩm ở Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp.
Nhằm phát huy và bảo tồn giá trị truyền thống của làng sơn mài, tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ thông qua việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, hỗ trợ vốn để các cơ sở sản xuất sơn mài bảo đảm môi trường, kết hợp du lịch tham quan làng nghề. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã giao Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Dầu Một xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận".
Đến nay đề án đã cơ bản hoàn thiện bước đầu. Theo đó, đề án thực hiện trên diện tích khoảng 5,4 ha tại phường Tương Bình Hiệp gồm xây dựng khu làng nghề sơn mài tập trung đầy đủ cơ sở hạ tầng với hệ thống xử lý nước thải, khu sản xuất tập trung, khu trưng bày sản phẩm, nhà thờ tổ, cổng chào làng nghề, đào tạo nghề, dịch vụ du lịch… Mục tiêu đề án là xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các cơ sở sơn mài để bảo đảm về vấn đề môi trường, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề; đồng thời kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ trẻ.
Quan tâm đến sự bảo tồn, giữ gìn và phát triển Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, khảo sát và làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở sơn mài mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đánh giá cao những ý tưởng độc đáo, sáng tạo thể hiện bằng các tác phẩm công phu, hoành tráng của các nghệ nhân sơn mài và sự nỗ lực duy trì, bảo tồn các ngành nghề truyền thống tại địa phương, đưa sản phẩm truyền thống của Bình Dương vươn xa không chỉ trong nước mà còn tỏa khắp các thị trường trên thế giới. Đồng thời yêu cầu các cơ quan, ban, ngành của tỉnh nghiên cứu chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ về đất đai, lao động, xúc tiến đầu tư, nguồn vốn... để bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cũng đề nghị các sở, ngành và thành phố Thủ Dầu Một rà soát lại, để bảo đảm Đề án "Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận" được đầu tư có hiệu quả, trong đó chú ý đến các nội dung chính sách phát triển nghề truyền thống, nhằm giúp chính những người làm nghề truyền thống vừa sản xuất, vừa bảo tồn và phát huy. Bên cạnh đó, chú trọng đưa các ngành nghề truyền thống vào trường học; kết hợp chặt chẽ giữa các cơ sở với các trường nghề trong công tác đào tạo; phối hợp tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, giáo dục ngoại khóa tại các trường, doanh nghiệp để giáo dục truyền thống, lịch sử, giúp thế hệ trẻ hình thành nhận thức và lòng yêu thích các ngành nghề truyền thống đặc sắc của địa phương.
Thúy Anh