Quảng Ngãi: Đức Phổ phát triển kinh tế du lịch gắn với văn hóa lịch sử

Cập nhật: 13/12/2023
Về Đức Phổ là về con đường di sản văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung với không gian Sa Huỳnh, đầm nước ngọt An Khê, đồng muối Sa Huỳnh, Hồ Liệt Sơn, các mỏm núi, vũng vịnh tạo nên cảnh quan nguyên sơ tuyệt đẹp, đặc trưng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Giữa làn nước trong veo, những "ốc đảo xanh" nổi trên mặt hồ tạo nên cảnh quan kỳ thú giữa núi rừng hoang sơ trên hồ Liệt Sơn - Ảnh: VGP/Trần Như

Ngắm hoàng hôn trên hồ nước ngọt giữa rừng Quảng Ngãi

Hồ Liệt Sơn ngụ tại xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ, cách thành phố Quảng Ngãi chỉ khoảng 47 km, đây một trong những hồ nước ngọt lớn nhất của huyện với diện tích hơn 37km2 và là nguồn cấp nước chính cho trên 2.000 ha cây trồng, xung quanh hồ được bao bọc bởi trùng trùng điệp điệp những dãy núi, tạo nên cảm giác thiên nhiên bao la, rộng lớn đang ôm lấy lòng hồ nhỏ bé vô cùng ấn tượng.

Nơi đây được nhiều du khách yêu mến và gọi bằng cái tên thân thương "Vịnh Hạ Long" thu nhỏ của Quảng Ngãi bởi cảm giác được chiêm ngưỡng vẻ đẹp yên bình của loạt "ốc đảo" nhỏ giữa lòng hồ xanh ngắt, trong veo cho bất cứ ai ghé nơi đây cũng có cảm giác như đang được đứng tại vịnh Hạ Long chân thực. Hồ Liệt Sơn là nơi được rất nhiều du khách lẫn cư dân bản địa lựa chọn làm điểm dừng chân nghỉ ngơi hoặc cắm trại qua đêm cùng gia đình nhờ có cảnh quan tự nhiên tươi đẹp cùng khí hậu mát mẻ, trong lành. Sau khi chính thức trở thành một trong những điểm trực thuộc dự án quy hoạch khu du lịch Đặng Thùy Trâm của tỉnh Quảng Ngãi, hồ nước ngọt Liệt Sơn cũng nhận được rất nhiều đầu tư, nâng cấp tiện ích dịch vụ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, dự án "Nâng cấp mở rộng hệ thống thủy lợi hồ Núi Ngang - Liệt Sơn" có tổng vốn đầu tư 540 tỷ đồng. Trong đó, dự án sẽ đầu tư nâng cấp hồ chứa nước Núi Ngang đạt dung tích khoảng 32,64 triệu m3, tăng 11,57 triệu m3 so với dung tích hiện có. Xây dựng hệ thống dẫn nước chính dài 15 km và 04 tuyến nhánh dài 10 km. Hồ Liệt Sơn sẽ xây dựng mới tuyến tuynel dài gần 1 km và hệ thống dẫn nước tưới cho khu tưới mới ở xã Phổ Cường.

Nước trong đầm An Khê là môi trường sống thích hợp của nhiều loài thủy sinh với các loài nước ngọt phong phú - Ảnh: VGP/Trần Như

Đầm An Khê và di tích Văn hóa Sa Huỳnh

Đầm An Khê ở thị xã Đức Phổ là đầm nước ngọt cạnh biển lớn nhất Việt Nam, hình thành cách đây hàng nghìn năm. Đầm được xem là trái tim của quần thể di tích văn hóa Sa Huỳnh. Việc bảo đảm tính toàn vẹn của đầm mang ý nghĩa lớn về văn hóa cũng như phát huy giá trị trong tương lai. Lãnh đạo tỉnh đã thể hiện sự quyết tâm trong việc ưu tiên bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ cộng đồng dân cư sống gần khu vực đầm. Việc quy hoạch bảo vệ di sản cần gắn với bảo vệ môi trường và sự đồng thuận về lợi ích của cộng đồng cư dân địa phương, sự tham gia của các nhà khoa học, nhà  doanh nghiệp và nhà quản lý trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Ngoài các di tích Văn hóa Sa Huỳnh, xung quanh đầm An Khê còn có dấu tích văn hóa Champa như: Bia Chăm ở thôn Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh, các kiến trúc đường lát đá cổ bằng qua Núi Bồ trong Vũng Bàng, hơn 10 giếng Chăm cổ xếp đá ong hình vuông, cùng phế tích đền miếu Chăm ở cửa biển Sa Huỳnh có niên đại từ thế kỷ I - II sau Công Nguyên...

Sau thế kỷ IV, vùng này xuất hiện thêm yếu tố văn hóa Hán hay Nam Á và yếu tố biển của cư dân Đông Nam Á hải đảo. Nơi đây còn có dấu tích văn hóa Đại Việt như: Cầu đá, giếng nước kè đá miệng tròn, đáy vuông và đền tháp thờ Mẫu của người Việt, trên cơ sở kiến trúc đền tháp của người Chăm trước đó. Những tư liệu này cần được khai quật, nghiên cứu và làm rõ dấu tích các quốc gia cổ đại: Sa Huỳnh, Lâm Ấp, Champa trên đất Quảng Ngãi.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho biết, Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát triển du lịch những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng và dựa vào cộng đồng dân cư địa phương để phát triển, trong đó nổi bật nhất là Văn hóa Sa Huỳnh. Các bằng chứng khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh đã cung cấp những thông tin quan trọng về diễn biến từ tiền Sa Huỳnh sang Sa Huỳnh và nguồn gốc bản địa của nền văn hóa lâu đời này. Văn hóa Sa Huỳnh cần được công nhận về khoa học như là một chuỗi điển hình tiêu biểu trong văn hóa tiền sử Việt Nam, xứng đáng được công nhận là Di sản Quốc gia đặc biệt.

"Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đầm An Khê chính là cơ hội để đánh thức những giá trị di tích văn hóa tiềm năng của Văn hóa Sa Huỳnh. Từng bước đưa Sa Huỳnh trở thành một trong những điểm dừng chân hấp dẫn và thu hút khách du lịch cả trong lẫn ngoài nước", ông Dũng cho biết.

Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Văn hóa Sa Huỳnh luôn được lãnh đạo tỉnh ưu tiên đặt lên hàng đầu. Những giá trị đặc trưng, tiêu biểu của Văn hóa Sa Huỳnh, vai trò của đầm An Khê trong bảo tồn không gian văn hóa - sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ. Qua đó, tạo cơ sở dữ liệu khoa học và điều kiện cần thiết xây dựng hồ sơ quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Từ đó, đề xuất các giải pháp phát huy giá trị di sản Văn hóa Sa Huỳnh từ các yếu tố lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh hoạt và bảo vệ môi trường bền vững trong không gian di sản Văn hóa Sa Huỳnh đối với sự phát triển KT-XH của địa phương.

Trần Như

Nguồn: Báo Chính phủ - baochinhphu.vn - Đăng ngày 12/12/2023