Vùng Đông Nam bộ có 10 vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn. Đây được xem là những “hòn ngọc xanh” giúp giữ gìn, bảo tồn và phát triển thiên nhiên, đa dạng sinh học; cân bằng môi trường sinh thái và thúc đẩy phát triển du lịch.
Khách du lịch tham quan, chụp hình tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, một trong 10 khu có giá trị thiên nhiên, đa dạng sinh học cao của vùng Đông Nam bộ. Ảnh: H.Lộc
Chính vì điều này, các địa phương trong vùng ngày càng coi trọng sự hợp tác, liên kết nhằm quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
* Vùng có ít VQG, khu bảo tồn
Hiện cả nước có 178 khu vực được công nhận là khu bảo tồn, VQG. Trong đó, vùng Đông Nam bộ có 10 khu, ít nhất trong các vùng. Trong số này có 4 VQG: Cát Tiên, Lò Gò Xa Mát, Bù Gia Mập, Côn Đảo; có 2 khu dự trữ thiên nhiên: Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu; có 4 khu bảo vệ cảnh quan: Căn cứ Châu Thành, Căn cứ Đồng Rùm, núi Bà Đen, núi Bà Rá.
Ngoài ra, trong vùng còn có 2 khu dự trữ sinh quyển cấp quốc tế: Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
Mặc dù số lượng không nhiều nhưng các khu bảo tồn, VQG vùng Đông Nam bộ lại đa dạng về tính chất: đất liền, núi, biển, vùng ngập mặn; có giá trị cao về thiên nhiên, đa dạng sinh học, thích hợp cho các mục đích nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, bảo vệ cảnh quan môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tính đến năm 2022, vùng Đông Nam bộ có 10 khu bảo tồn, VQG với diện tích 260 ngàn ha. Trong đó, Đồng Nai có 2, gồm: VQG Cát Tiên quy mô hơn 71 ngàn ha và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai hơn 100 ngàn ha.
Nổi bật nhất trong đó là VQG Cát Tiên trên địa phận 3 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Nơi đây đang giữ nhiều danh hiệu quốc tế và trong nước như: khu dự trữ sinh quyển, khu đất ngập nước Ramsar, khu di tích quốc gia đặc biệt. Đây cũng là khu vực có đa dạng sinh học vào bậc nhất khu vực với hơn 1,5 ngàn loài động vật và hơn 1,6 ngàn loài thực vật, trong đó nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Cùng với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, VQG Cát Tiên hiện nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyền Đồng Nai.
Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Phó trưởng Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, nhiều năm nay, VQG Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thực hiện tốt các nhiệm vụ: bảo tồn đa dạng sinh học đi đôi với phát triển bền vững, gìn giữ các giá trị văn hóa - lịch sử, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và nâng cao đời sống nhân dân địa phương. Khu vực hiện có các yếu tố đặc trưng mà nhiều nơi khác không có, đó là hệ thống rừng - hồ - bàu xen kẽ tạo nên cảnh quan đẹp, có các khu di tích cấp quốc gia có giá trị lớn về lịch sử và văn hóa, có rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam.
Khu vực có tính đặc hữu khác là VQG Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là VQG nằm trong khu vực bảo vệ vùng biển Đông Nam bộ. Nét nổi bật ở VQG Côn Đảo là gồm nhiều đảo lớn, đảo nhỏ hợp thành. Ngoài cảnh quan thiên nhiên đẹp, VQG còn là mảnh đất chứng kiến và lưu giữ nhiều giá trị lịch sử của đất nước như: Nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương…
Những năm qua, Ban Quản lý VQG Côn Đảo đã nỗ lực giữ gìn, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học rừng, biển, đất ngập nước. Chính vì vậy, Côn Đảo được tổ chức uy tín trong nước và quốc tế công nhận các danh hiệu: VQG, khu đất ngập nước quan trọng quốc tế, vườn di sản ASEAN.
* Liên kết bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị
Trong Quy hoạch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 vùng sẽ duy trì và bảo vệ nghiêm ngặt 10 khu bảo tồn, VQG nói trên. Đồng thời, thành lập mới Khu Bảo tồn biển Cần Giờ với mục đích bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn, cửa sông, bãi triều ven biển và nguồn lợi thủy sản sống kèm, chim nước. Xem xét tiềm năng thành lập mới 3 vùng đất ngập nước quan trọng cấp quốc gia gồm: Bắc Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng, hồ Thác Mơ.
Một số giải pháp trọng tâm để gìn giữ và phát triển thiên nhiên, đa dạng sinh học của vùng là phân chia các khu vực theo tính chất nơi có đa dạng cao, vừa và thấp; phân loại khu vực có cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng để có các phương án bảo vệ nguồn gen quý, giống loài; xây dựng phương án khai thác các tiềm năng du lịch, giáo dục, nghiên cứu khoa học.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã chọn và cam kết phát triển H.Cần Giờ thành đô thị sinh thái ven biển. Nhiệm vụ bảo tồn các giá trị tự nhiên, văn hóa đặc trưng rừng ngập mặn và phát triển đô thị để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sẽ được thực hiện song song, hài hòa. TP.HCM sẽ áp dụng cơ chế thí điểm để xây dựng nơi đây thành khu bảo tồn mới, đô thị xanh của TP.HCM và vùng Đông Nam bộ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, nhiệm vụ bảo vệ rừng, đa dạng sinh học đã được tỉnh Đồng Nai thực hiện từ nhiều năm trước. Chính vì vậy, tỉnh giữ được diện tích rừng lớn, là một trong những địa phương có trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất vùng Đông Nam bộ. Ngoài 2 khu vực điển hình là VQG Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh còn nhiều khu vực có đa dạng sinh học cao.
Hiện Đồng Nai đã xác định được 9 khu vực có đa dạng sinh học cao để triển khai các dự án bảo tồn, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại và có tác động tiêu cực cho sự phát triển của vùng. Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương khai thác bền vững các giá trị thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua: hợp tác giáo dục môi trường, nghiên cứu khoa học; phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng; điều tra, tính toán trữ lượng carbon để tham gia thị trường mua bán tín chỉ này.
Vùng Đông Nam bộ đã và đang chịu nhiều áp lực tử công nghiệp hóa, đô thị hóa, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cả vùng. Thực tế này đòi hỏi mỗi địa phương trong vùng phải chủ động, đồng thời hợp tác, liên kết với các địa phương khác để bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng, “làm giàu” đa dạng sinh học cho các khu bảo tồn, VQG. Thực hiện hiệu quả giải pháp này không chỉ giúp vùng giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng ở hiện tại là triều cường, ô nhiễm môi trường, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái, giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Góp phần vào sự phát triển bền vững của vùng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Hoàng Lộc