Hà Nội: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã

Cập nhật: 14/12/2023
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ chim hoang dã. Chi cục Kiểm lâm Hà Nội xử lý nghiêm các trường hợp săn bắt, buôn bán trái phép các loài chim hoang dã, nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học.

Thời gian qua, khu vực ven sông Hồng tại một số địa phương trên địa bàn huyện Đông Anh, Thanh Oai xuất hiện tình trạng người dân sử dụng lưới tàng hình, chim mồi để bẫy, bắt chim hoang dã trái phép.... Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, nguyên nhân là do một số đối tượng lợi dụng mùa chim di cư từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau để săn bắt, buôn bán. Trong khoảng thời gian này, các loài chim hoang dã bị săn bắt, tiêu thụ, điều này gây nguy cơ suy giảm số lượng, thành phần một số loài, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, tình trạng này còn ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên.

Để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng săn bắt, bẫy, mua, bán động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội chỉ đạo lực lượng kiểm lâm cơ sở tăng cường công tác quản lý địa bàn, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuần tra, kiểm soát các tuyến phố, chợ buôn bán chim cảnh, khu vực có loài chim hoang dã di cư và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Qua kiểm tra, lực lượng kiểm lâm Hà Nội đã phát hiện, lập biên bản vi phạm 4 trường hợp tàng trữ, buôn bán chim hoang dã trái phép trên địa bàn huyện Quốc Oai và huyện Chương Mỹ, xử phạt vi phạm hành chính 65,25 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm còn tịch thu 46 cá thể chim hoang dã nằm trong nhóm IIB (động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm), 185 cá thể chim thuộc nhóm thông thường và 20kg bộ phận chim hoang dã...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ chim hoang dã (Ảnh minh họa). 

Trước đó, UBND thành phố đã có văn bản đề nghị các sở ngành, địa phương tập trung triển khai các biện pháp bảo tồn, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg. Sau hơn 1 năm triển khai Chỉ thị số 04/CT-TTg, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục đề nghị các sở ngành tổ chức tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, công chức trong đơn vị và người dân không săn bắt, bẫy, mua bán, giết mổ, sử dụng sản phẩm động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư.

UBND thành phố Hà Nội giao Sở NN&PTNT phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khu vực sông Hồng, các tụ điểm buôn bán, các chợ chim, khu vực bẫy chim hoang dã, di cư; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Sở NN&PTNT phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quản lý các chợ, địa điểm kinh doanh, mua bán chim (Hoàng Hoa Thám, Yên Phúc…); tổ chức kiểm tra hộ kinh doanh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc săn bắt, bẫy chim tự nhiên đưa về các khu chợ.

Đối với các quận, huyện, thị xã, UBND thành phố Hà Nội đề nghị phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức tuyên truyền quy định pháp luật về bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư. Xây dựng biển cảnh báo về bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư ven dọc hai bên bờ sông Hồng. Đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu huyện Ba Vì phối hợp cùng các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không cho tác động cơ học vào khu bãi giữa Văn Lang, nơi có sinh cảnh được đánh giá là tốt nhất cho sinh trưởng, phát triển của chim hoang dã, di cư tại Hà Nội.

Hàng năm, với sự tham mưu của Chi cục Kiểm lâm, Sở NN&PTNT Hà Nội ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ chim hoang dã, chim di cư cho nhân dân. Đồng thời, nghiêm cấm các hành vi mua, bán, bẫy, bắt, chế tác, quảng cáo sử dụng trái pháp luật các loài động vật hoang dã, nhất là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; không tham gia khai thác, vận chuyển, mua, bán các loài động vật hoang dã, các sản phẩm từ động vật hoang dã dưới bất kỳ hình thức nào; kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đối tượng vi phạm; lập biên bản và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. 

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu; các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam. Việt Nam đã ghi nhận được hơn 900 loài chim, trong đó có 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa.

Hằng năm, vào mùa chim di cư (từ mùa thu năm nay đến hết mùa xuân năm sau), nhiều địa phương trong cả nước có chim đến cư trú, cũng là thời điểm các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến. Trước đây các quy định quản lý và xử lý các vi phạm liên quan đến việc săn bắt, buôn bán các loài chưa rõ ràng, do đó dẫn đến cách hiểu, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, gây ra những khó khăn nhất định cho công tác thực thi pháp luật và ngăn chặn hoạt động săn bắt các loài chim hoang dã.

Thời gian qua các địa phương trên cả nước tăng cường triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn hoạt động săn bắt các loài chim hoang dã. 

Đến thời điểm hiện nay, các quy định pháp luật đã tương đối rõ và chặt chẽ để góp phần xử lý các vi phạm. Theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP), các loài chim trời đều được coi là động vật hoang dã và theo đó, người kinh doanh mặt hàng này phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Theo quy định tại Điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP), mọi hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng (đối với cá nhân). Các hành vi vi phạm chim hoang dã phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã" theo Điều 234; tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm" theo Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung năm 2017.

Nhằm triển khai Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, đặc biệt trong mùa chim di cư hằng năm và hưởng ứng Ngày quốc tế về chim di cư (14/10/2023), Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, triển khai một số nội dung liên quan góp phần bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin, phát sóng các thông điệp, phóng sự, bản tin tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản pháp luật về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật; không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã trái phép.

Cơ quan thực thi pháp luật như kiểm lâm, hải quan, quản lý thị trường, công an tăng cường công tác phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chợ chim hoang dã, các khu vực trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư…

Phương Hà

Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Ngày 13/12/2023