Văn hóa gắn với du lịch là xu hướng được du khách quan tâm. Đối với Tiên Phước (Quảng Nam), xây dựng nền tảng gia đình văn hóa, bảo tồn văn hóa cũng là để phục vụ cho việc phát triển du lịch trong thời gian qua.
Giá trị di tích văn hóa Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng được lưu giữ. Ảnh: D.L
Nền tảng gia đình văn hóa
Xác định vai trò "Xây dựng gia đình văn hóa" là nòng cốt cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong nhân dân, huyện Tiên Phước đã thực hiện sâu rộng Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và các văn bản liên quan đến đoàn, hội viên và nhân dân.
Ông Hồ Công Luận – Trưởng phòng VHTT huyện cho biết: "Sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp đã nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Nhiều gia đình đã trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong mọi phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Phong trào đi vào chiều sâu, đem lại kết quả tích cực, góp phần thực hiện các chỉ tiêu phát triển đời sống nhân dân.
Xây dựng con người, gia đình văn hóa làm nền tảng cho đời sống văn hóa ở mỗi khu dân cư sẽ là "điểm tựa" bền vững thực hiện các mục tiêu phát triển khác. Ví dụ muốn làm du lịch, thì mỗi gia đình phải là hạt nhân cho phong trào, từ đó mới làm được du lịch làng quê, du lịch cộng đồng hay du lịch sinh thái".
Nếp sống gia đình văn hóa được nhân dân thực hiện. Ảnh: D.L
Những điển hình gia đình tiêu biểu trong xây dựng gia đình văn hóa đã được UBND huyện Tiên Phước tuyên dương. Như gia đình ông Võ Đình A và bà Nguyễn Thị Nga (xã Tiên Lộc) đã có nhiều nỗ lực xây dựng kinh tế gia đình, nuôi 6 người con ăn học thành tài. Bản thân ông A luôn làm gương và nhắc nhở, động viên các con thực hiện tốt trách nhiệm của công dân với quê hương, đất nước, tuân thủ pháp luật, đi đầu trong các phong trào tại địa phương, nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu. Gia đình ông trở thành những hạt nhân trong xây dựng gia đình văn hóa.
Gia đình là hạt nhân trong tất cả phong trào, hoạt động của đời sống xã hội.
Hay gia đình ông ông Trần Duy Phúc và bà Võ Thị Sáu (xã Tiên Lãnh) luôn đi đầu trong phong trào ở địa phương, góp phần tích cực trong các hoạt động. Bằng sự quyết tâm, đồng lòng vượt khó ông bà đã không quản ngại khó khăn tìm hướng đi thích hợp để phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, tập trung cải tạo vườn phát triển các loại cây bản địa như cau, chuối, lòn bon đồng thời tìm các loại cây có giá trị kinh tế cao như thanh trà, măng cụt, bưởi da xanh đưa vào trồng kết hợp chăn nuôi, làm dịch vụ thú y. Nhờ đó kinh tế gia đình từng bước ổn định và có hướng phát triển đủ điều kiện chăm lo nuôi dạy 5 người con khôn lớn trưởng thành.
Khi địa phương đầu tư xây dựng tuyến bê tông vào khu dân cư số 1, gia đình ông Phúc đã tiên phong hiến hàng trăm mét vuông đất, trên 100 cây cau đang trong giai đoạn thu hoạch, 100 cây dó bầu để mở rộng mặt bằng xây dựng tuyến đường. Gia đình trở thành tấm gương sáng cho con cháu nói theo và bà con nhân dân học tập.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Thuyết minh giá trị lịch sử địa điểm Nhà lưu niệm cụ Huỳnh cho du khách. Ảnh: D.L
Trên địa bàn huyện Tiên Phước có nhiều di sản văn hóa, lịch sử có giá trị đang được bảo tồn tốt. Có thể kể đến như di tích Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, di tích Làng cổ Lộc Yên, di tích Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc, di tích Vụ Thảm sát Gò Vàng, nền trường tân học Phú Lâm, Lò chén Phú Lâm...
Các di tích trên được bảo vệ nguyên trạng, tôn tạo để phục vụ cho việc bảo tồn, và cũng để phát huy giá trị di sản, đưa vào phục vụ du lịch. Trong đó, quần thể di tích Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng và Làng cổ Lộc Yên đã được du khách biết tới nhiều trong thời gian qua. Nhất là từ năm 2019, khi Làng cổ Lộc Yên được công nhận là di tích quốc gia, là một trong những ngôi làng cổ của Việt Nam, nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được huyện Tiên Phước tổ chức tại đây, càng phát huy thêm giá trị của di sản này.
Một ngõ đá dẫn lối vào nhà cổ Lộc Yên. Ảnh: D.L
Đặc biệt ở Lộc Yên còn lưu giữ 8 ngôi nhà cổ có niên đại từ 80 năm đến 150 năm, trải qua nhiều thế hệ, với kiểu thức kết cấu là nhà lá mái và nhà rường, kiến trúc độc đáo, tinh xảo. Các ngôi nhà cổ Lộc Yên được đánh giá là quần thể có giá trị cao về mặt kỹ xảo và mỹ thuật. Những ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Huỳnh Anh, Nguyễn Đình Mẫn, Đồng Viết Mão... đều có kiến trúc cổ nhà 8 cái, 3 gian 2 chái, kèo tam đoạn, giao nguyên có trụ trốn (đầy đủ bộ phận trỏng quả).
Ngõ đá, bờ đá tô điểm thêm vẻ đẹp của làng hay những giếng đá cổ tạo nét riêng độc đáo cho Lộc Yên. Ngoài ngõ đá cũ, Người dân cũng đã phục dựng lại bờ đá bị ngã đổ, chất thêm bờ đá trên những lối đi vào làng, vào ngõ nhà.
Một lối đi vào nhà cổ có ngõ đá rêu phong. Ảnh: D.L
Ông Nguyễn Đình Mẫn, người sở hữu căn nhà cổ 145 năm tuổi ở Lộc Yên tự hào nói: "Là người làng Lộc Yên tôi rất vinh dự cùng với làng mình bảo tồn, phát huy giá trị của các căn nhà cổ cũng như gìn giữ không gian yên bình, xanh mát của làng mình. Gần đây du khách đến tham quan nhiều hơn trước, nhất là sau khi Lộc Yên trở thành ngôi làng cổ được công nhận chính thức".
Lộc Yên đón nhận Bằng công nhận di tích quốc gia và khai trương sản phẩm du lịch cộng đồng Làng cổ Lộc Yên. Ảnh: D.L
Ông Lê Trường Hiền - Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh, cho biết: “Đón nhận Bằng di tích quốc gia là vinh dự và cũng là trách nhiệm đối với người dân Lộc Yên nói riêng và xã Tiên Cảnh nói chung. Chúng tôi sẽ tuyên truyền, cùng người dân giữ gìn, phát huy giá trị của làng cổ. Đồng thời mong muốn các cấp, ngành tiếp tục hoàn thiện việc quy hoạch không gian chung của làng cổ, tiếp tục định hướng cho người dân cách bảo tồn, phát huy giá trị của ngôi làng”.
Lệ Hoàng Hưng