Nam Định: Đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành Vườn Di sản ASEAN

Cập nhật: 18/12/2023
UBND tỉnh Nam Định vừa có văn bản số 957/UBND-VP3 gửi Bộ TNMT đề nghị xem xét, tổ chức thẩm định hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành Vườn Di sản ASEAN.

Một góc Vườn quốc gia Xuân Thủy

Tiền thân của vườn quốc gia Xuân Thủy là Trung tâm tài nguyên và môi trường của huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Tháng 10/1995, UBND tỉnh thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên ngập nước Xuân Thủy. Do có nhiều tiềm năng về bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững tầm quốc gia và quốc tế, ngày 02/01/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2003/QĐ-TTg chuyển Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy thành Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Với tổng diện tích khoảng 15 nghìn ha, bao gồm vùng lõi 7.100 ha trong đó có 3.100 ha diện tích đất nổi có rừng khi triều kiệt và khoảng 4.000 ha đất còn ngập nước, Vườn quốc gia Xuân Thủy thực hiện nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, các loài động vật, thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước, đặc biệt là các loài thủy sinh, các loài chim nước, chim di trú; phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương. Năm 1988, Vườn quốc gia Xuân Thủy chính thức được quốc tế công nhận là khu Ramsar và là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Đến năm 2004 tiếp tục được UNESCO công nhận là vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt của Khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước liên tỉnh ven biển châu thổ sông Hồng.

Thời gian qua, Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực xây dựng hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành Vườn Di sản ASEAN. Đến nay hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành Vườn Di sản ASEAN đã được hoàn thiện theo đúng quy trình thủ tục và hướng dẫn của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TNMT), mục tiêu phấn đấu năm 2024 đưa Vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành Vườn Di sản ASEAN. Để đảm bảo thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục, UBND tỉnh Nam Định đã gửi hồ sơ đề cử, đề nghị Bộ TNMT xem xét, tổ chức thẩm định đối với hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành Vườn Di sản ASEAN theo quy định tại Điều 20, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc được công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN có ý nghĩa rất quan trọng, giúp Vườn quốc gia Xuân Thủy bảo tồn nguyên vẹn mẫu chuẩn điển hình hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Danh hiệu Vườn Di sản ASEAN sẽ tạo nên thương hiệu để thu hút các nhà đầu tư dịch vụ du lịch đến với Vườn quốc gia, là cơ hội để quảng bá hình ảnh của Vườn và trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị giữa các Vườn Di sản trong khối ASEAN…

Trong năm 2023, hai vườn quốc gia Bạch Mã và Côn Đảo đã trở thành Vườn Di sản ASEAN thứ 54 và 55 của ASEAN, nâng số lượng khu bảo tồn quốc gia của Việt Nam thành 12 Vườn Di sản ASEAN. Tính đến nay, Việt Nam có chín khu được công nhận là khu Ramsar; 11 khu Dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận; 12 Vườn di sản ASEAN - đứng đầu khu vực; một vùng chim nước di cư quan trọng quốc tế tuyến đường bay Australia - Đông Á (EAAFP).

Vườn Di sản ASEAN là danh hiệu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được triển khai từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN. Vườn Di sản ASEAN bao gồm các khu bảo tồn/vườn quốc gia trên cạn và biển, được lựa chọn bởi các tiêu chí: Toàn vẹn (đầy đủ) về sinh thái; đại diện; tự nhiên; độc đáo…

Thanh Tùng

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 15/12/2023