Với chủ đề “Âm vang nhịp điệu núi rừng”, Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh lần thứ II - 2023 diễn ra tối 16/12 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) là sự kiện giàu ý nghĩa văn hóa, xã hội nhằm tôn vinh, quảng bá, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Liên hoan thu hút 242 nghệ nhân, diễn viên, học sinh đến từ các đoàn Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân và Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định tham gia biểu diễn giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm H’roi, Bana, H’re.
Đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc
Lễ cúng đổ đầu mừng năm mới của đồng bào Chăm H’roi huyện Vân Canh là dịp để buôn làng hoan ca cầu mong năm mới mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm được thể hiện qua tiết mục Nhạc hội trong Lễ cúng đổ đầu mừng năm mới. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Hương, đoàn Vân Canh, chia sẻ: “Trong những cuộc trình tấu cồng chiêng của người Chăm H’roi không thể thiếu trống kơ toang - nhạc cụ đặc trưng của dân tộc tôi. Tiếng trống kơ toang nổi lên như tiếng nói giao duyên của các chàng trai, cô gái, rồi mọi người cùng nhau vui hội trong nhịp cồng chiêng, điệu múa xoang”.
Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II - 2023, tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng, du khách. Ảnh: N.Dũng
Tương tự như một số dân tộc khác, cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa tâm linh của người H’re huyện An Lão thể hiện qua tiết mục Làng H’re vui hội. Nghệ nhân Đinh Xuân Hải, đoàn An Lão, cho biết: “Từ thuở xa xưa, người H’re ở An Lão đã biết đánh chinh túc - bộ chiêng 3 lá độc đáo của đồng bào H’re. Để đáp ứng đời sống văn hóa, người H’re đã phát triển thêm chinh tía - bộ chiêng 5 lá, bộ goong - bộ gõ gồm 3 chiếc có núm, âm vực trầm hơn, vang xa hơn, lôi cuốn với bản sắc riêng”.
Là đội trẻ nhất lần đầu tham gia Liên hoan, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định cũng để lại ấn tượng với khán giả qua bài cồng chiêng Bác Hồ kính yêu và mừng Đảng, mừng Xuân. Em Đinh Thị Hải Hằng, học sinh lớp 11A4 Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định, bày tỏ: “Tham gia hoạt động ý nghĩa này không chỉ giúp chúng em ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, có cơ hội hiểu thêm sự đa dạng văn hóa của các dân tộc miền núi trong tỉnh. Chúng em phải nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành công dân có ích góp sức vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa”.
Các đoàn dự liên hoan đều có khá đông thanh niên tham gia, điều này cho thấy nỗ lực bảo tồn, trao truyền di sản văn hóa của các dân tộc được quan tâm, đi đúng hướng. Ảnh: N.D
Tiết mục Vui cùng Ngày hội của đoàn Vĩnh Thạnh tái hiện sinh động không gian ngày hội vui Tết, đón xuân của đồng bào Bana K’riêm góp thêm sắc màu lung linh trong đêm Liên hoan chào mừng những thành quả đạt được, cùng hướng về tương lai tươi sáng.
Chị Đinh Thị Ven, đoàn Vĩnh Thạnh, tâm tình: “Chúng tôi rất tự hào khi là thế hệ trẻ tiếp nối cha ông giữ gìn, biểu diễn giới thiệu đến mọi người nét văn hóa đặc trưng dân tộc Bana K’riêm của mình tại Liên hoan”.
Lan tỏa giá trị di sản văn hóa
Tham gia Liên hoan, Nghệ nhân nhân dân Đinh Chương, đoàn Vĩnh Thạnh, xúc động chia sẻ: “Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Tôi rất mừng khi tại kỳ liên hoan lần này các đoàn đều có đông lớp trẻ tham gia, điều này cho thấy nỗ lực bảo tồn, trao truyền di sản văn hóa của các dân tộc được quan tâm, đi đúng hướng và có bước chuyển biến tốt. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ tiếp bước cha ông kế thừa phát huy vốn quý di sản văn hóa của dân tộc mình”.
“Đây là lần thứ hai tôi đến Quy Nhơn du lịch lại đúng dịp được thưởng thức những màn trình diễn văn hóa rất đặc sắc, tôi biết thêm văn hóa của vùng đất Bình Định rất phong phú. Tôi xem hết các tiết mục trong đêm Liên hoan và quay lại clip để về giới thiệu với người thân, bạn bè hiểu thêm về Bình Định, đất nước Việt Nam” - Chị Sigrid Sagorski, du khách đến từ CHLB Đức, chia sẻ.
Kể từ lần đầu tiên tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định năm 2019, tỉnh duy trì tổ chức Liên hoan 5 năm/lần để bảo tồn, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số miền núi trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.
Giám đốc Sở VHTT Tạ Xuân Chánh cho biết: Các đoàn tham gia Liên hoan có sự đầu tư về các tiết mục biểu diễn thể hiện nét đặc sắc, phong phú, thu hút đông đảo công chúng, du khách đến xem cổ vũ. Điều đáng ghi nhận là Liên hoan lần này xuất hiện nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng. Ngành Văn hóa sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả những chính sách, dự án của Trung ương, của tỉnh trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng nói riêng, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh nói chung.
Bày tỏ sự vui mừng khi thấy cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số đổi thay, phát triển, di sản văn hóa được bà con chung tay gìn giữ, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chia sẻ: “Có dịp đi thăm các làng đồng bào ở những vùng xa nhất của tỉnh, như An Toàn (huyện An Lão), Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), Canh Liên (huyện Vân Canh), lãnh đạo tỉnh rất vui mừng khi đời sống của bà con được ấm no, hạnh phúc. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển KT-XH, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Liên hoan là dịp để bà con giao lưu, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, gắn với phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước, cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp”.
Ngọc Nhuận - Nguyễn Dũng