Cùng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nền văn hóa đặc sắc, đa dạng và phong phú của 19 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo cho Hà Giang nguồn tài nguyên du lịch rất lớn. Tận dụng lợi thế này, Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tạo đòn bẩy để bà con thoát nghèo, làm giàu.
Người Mông ở Pả Vi đã bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa để phát triển du lịch - Ảnh: Bích Nguyên
Điều dễ bắt gặp nhất trên các cung đường miền núi Hà Giang là những đoàn khách du lịch gồm cả người nước ngoài và người Việt dừng chân khám phá các ngóc ngách của cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, vùng núi đất Hoàng Su Phì với những thửa ruộng bậc thang đẹp đến nao lòng. Khách du lịch đến với Hà Giang quanh năm không chỉ vì nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, mà còn bởi nền văn hóa truyền thống đa dạng, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số - chủ nhân của vùng đất này từ xa xưa đến nay.
Địa danh nổi tiếng nhất của Hà Giang chính là cao nguyên đá Đồng Văn, trải rộng qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn, cao từ 1.000m đến 1.600m so với mực nước biển. Đây là một trong những vùng núi đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Cao nguyên đá Đồng Văn còn mang trong mình trầm tích văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa là những người thuộc các dân tộc thiểu số Mông, Dao, Tày, Nùng, Hoa, Giáy, Lô Lô, Pu Péo...
Với những đặc tính tiêu biểu, riêng có, tháng 10/2010, cao nguyên đá Đồng Văn đã được Hội đồng tư vấn của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu chính thức công nhận là thành viên, trở thành Công viên địa chất thứ 2 ở Đông Nam Á và là Công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam. Trong suốt thời gian qua, cao nguyên đá Đồng Văn vẫn giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu khi xuất sắc vượt qua 3 kỳ tái đánh giá thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào các năm 2014, 2018 và 2022. Tận dụng những ưu thế về tự nhiên, văn hóa, xã hội, cộng đồng cư dân sinh sống ở cao nguyên đá Đồng Văn đã đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng nhằm tăng thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Trong không gian của cao nguyên đá Đồng Văn đã hình thành các làng du lịch cộng đồng được du khách trong và ngoài nước ưa thích. Có thể kể đến Làng văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc) nằm dưới chân đèo Mã Pí Lèng. Làng là nơi sinh sống của 26 hộ đồng bào dân tộc Mông với không gian đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Khu làng này có những ngôi nhà nguyên vẹn kiến trúc truyền thống của người Mông trình tường, mái lợp ngói âm dương, cùng hàng rào đá. Trong làng có những homestay đươc thiết kế đa dạng với kiến trúc mô phỏng hình hoa đào – loại hoa đặc trưng của cao nguyên đá Đồng Văn. Làng văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi hấp dẫn du khách bởi các hoạt động văn hóa truyền thống được duy trì và du khách có thể tham gia trải nghiệm dệt vải, đan quầy tấu, chơi trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực của người Mông....
Từ nguồn tài nguyên văn hóa truyền thống giàu bản sắc, người dân thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đã xây dựng Làng du lịch cộng đồng Nặm Đăm. Thôn Nặm Đăm có 47 hộ, gồm 235 khẩu, là nơi sinh sống của người dân tộc Dao Chàm. Thôn còn giữ được nhiều nét bản sắc văn hóa, phong tục tập quán và nét sinh hoạt truyền thống. Những ngôi nhà nơi đây đều trình tường, mộc mạc, đậm nét văn hóa, kiến trúc của đồng bào dân tộc Dao. Tới đây, du khách có thể thưởng thức các món ăn truyền thống, các bài hát, điệu múa truyền thống của người Dao. Nếu may mắn, du khách có thể được tham dự các nghi lễ truyền thống từ nhiều đời của người Dao như: Lễ hội cầu mùa, lễ cúng cơm mới, lễ cưới hỏi, đặc biệt là lễ cấp sắc. Lễ cấp sắc là nghi lễ đánh dấu tuổi trưởng thành cho các nam thanh niên trong làng.
Chợ phiên - nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang - Ảnh: Bích Nguyên
Theo các số liệu thống kê, cao nguyên đá Đồng Văn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách nước ngoài và nội địa. Lượng khách du lịch đến cao nguyên này tăng trưởng nhanh và ổn định, với con số 300 nghìn lượt khách vào năm 2010 đã tăng lên 2,2 triệu lượt khách vào năm 2022. Du lịch phát triển đã góp phần giúp cho nền kinh tế - xã hội của 4 huyện cao nguyên đá thay đổi rõ rệt, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tỷ lệ giảm nghèo vùng cao nguyên đá Đồng Văn đạt trên 6%/năm, cao hơn 1-2% so với mức giảm nghèo bình quân chung của tỉnh... Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, trong 8 tháng đầu năm, địa phương này đón hơn 1,9 triệu lượt khách, trong đó có hơn 1,7 triệu lượt khách nội địa và gần 189 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch ước đạt gần 4 nghìn tỷ đồng.
Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: “Toàn tỉnh Hà Giang đang có 16 làng du lịch cộng đồng với đặc thù riêng nhưng tinh thần chung là du lịch cộng đồng xung quanh các sản phẩm OCOP, phát huy bản sắc dân tộc thiểu số”.
Các mô hình làng du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả là nhờ có sự quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, để nhân rộng hơn các mô hình này, ông Long cho rằng, cần thêm nhiều yếu tố, nhiều đơn vị cùng tham gia. Theo đó, trước hết, cần có sự tập trung của người dân, cần giao thông thuận lợi, cần định hướng từ các cơ quan quản lý và cần thêm sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế. Những yếu tố này, theo ông Long, sẽ giúp các cộng đồng có thể xây dựng được mô hình du lịch và sau đó là kết nối rộng rãi hơn trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia du lịch, để phát triển du lịch bền vững, tỉnh Hà Giang cần hoàn thiện các quy định, chính sách hỗ trợ về xây dựng trong vùng Công viên địa chất Đồng Văn, bảo đảm bảo tồn kiến trúc truyền thống hài hòa với cảnh quan. Đồng thời, quan tâm bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể thông qua việc xác định rõ các giá trị văn hóa của từng dân tộc để triển khai công tác bảo tồn, gắn với truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Thu Hằng