Tại TP.Hội An (Quảng Nam) vừa diễn ra hội thảo “Tham vấn báo cáo rà soát chính sách nhằm xây dựng kế hoạch giảm thiểu khai thác không chủ ý các loài rùa biển, thú biển tại Việt Nam”.
Rùa con được ấp nở tại Cù Lao Chàm sau đó thả về biển để tăng cường đa dạng sinh học. Ảnh: X.T
Hội thảo do Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) phối hợp Tổ chức Humane Society International tại Việt Nam tổ chức với sự tham dự của đại diện nhiều viện nghiên cứu, khu bảo tồn và cơ quan quản lý thủy sản một số địa phương.
Theo thông tin tại hội thảo, mỗi năm trên thế giới có ít nhất 7,3 triệu tấn sinh vật biển bị đánh bắt không chủ ý. Thậm chí nhiều nơi số lượng bắt không chủ ý còn lớn hơn số lượng đánh bắt loài mong muốn. Các loài thường xuyên bị đánh bắt không chủ ý bao gồm cá mập/cá nhám, rùa biển và các loài thú biển như cá heo, cá voi. Điều này làm suy giảm quần thể và cản trở quá trình phục hồi quần thể của những loài dễ bị tổn thương.
Theo Cục Kiểm ngư, việc khai thác ngẫu nhiên các loài thủy sản bằng ngư cụ khai thác thủy sản được coi là một trong những mối đe dọa chính đối với lợi nhuận và tính bền vững của nghề cá, cũng như đối với đa dạng sinh học biển.
Ở Việt Nam, khai thác không chủ ý đối với các loài nguy cấp quý hiếm được pháp luật bảo vệ như thú biển, rùa biển, cá mập/cá nhám... hiện là một vấn đề phức tạp và chưa nhận được nhiều sự quan tâm của nhà quản lý, cộng đồng ngư dân và giới khoa học.
Các quy định bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm chủ yếu mới dừng lại ở việc cấm khai thác chủ động, thiết lập các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung và bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nói riêng.
Thảo luận tại hội thảo, chuyên gia của các khu bảo tồn, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ đề xuất nhiều ý kiến, giải pháp nhằm giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn tình trạng khai thác không chủ ý các loài rùa biển, thú biển ở Việt Nam.
Đây là cơ sở quan trọng để hoàn thiện báo cáo rà soát chính sách nhằm xây dựng kế hoạch giảm thiểu khai thác không chủ ý các loài rùa biển, thú biển tại Việt Nam; đáp ứng các yêu cầu hợp tác song phương, đa phương và công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên hoặc có hợp tác.
Hà Sấu