Trà Vinh: Mạch nguồn văn hóa Khmer luôn hiện diện trong đời sống của đồng bào

Cập nhật: 26/12/2023
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn là sự quan tâm hàng đầu của chính quyền, là nhu cầu cấp thiết của đồng bào Khmer tại Trà Vinh trong nhiều năm qua. Việc giữ mạch nguồn cho văn hoá thêm đậm đà bàn sắc luôn là niềm đam mê và nhiệt huyết của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Bởi hơn ai hết, họ là người được sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Sinh viên Kim Đạt ( người giữa) hiện đang phụ trách nhóm nhạc ngũ âm biểu diễn tại chùa Âng (TP. Trà Vinh)

Những người trẻ giữ mạch nguồn

Đối với đồng bào Khmer, ngôi chùa không chỉ là nơi thờ tự, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng mà đã trở thành các trung tâm lưu giữ, truyền dạy các loại hình văn hóa, âm nhạc, lễ hội… 

Chính từ đây, đã là nơi phát khởi cho những đội văn nghệ dân gian với các dàn nhạc Ngũ âm, đội trống Chhay-dăm, múa Chằn…; những đội bóng chuyền, đội ghe ngo để phục vụ rộng rãi trong các hoạt động lễ hội, tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer và giao lưu với các tỉnh bạn trong khu vực.

Là sinh viên Trường Đại học Trà Vinh, Kim Đạt phụ trách nhóm nhạc ngũ âm biểu diễn tại chùa Âng (TP. Trà Vinh). Đạt chia sẻ: Em đến với âm nhạc dân tộc cũng từ sự hữu duyên, khi theo cha mẹ đến chùa từ nhỏ và say mê lúc nào không hay, cứ nhạc lên là múa hát theo. Càng học, càng tìm hiểu em càng thấy âm nhạc truyền thống đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt tôn giáo và cộng đồng người Khmer, nhất là trong các nghi thức tôn giáo và lễ hội. Em mong sẽ có nhiều bạn trẻ yêu thích và tích cực tham gia học tập, phát triển các bộ môn nghệ thuật dân gian của dân tộc.

Dù không học chung nhau nhưng Thạch Nhật Hào, đang sinh sống tại TP. Trà Vinh cũng cùng nhóm nhạc với Kim Đạt Nhật Hào cho biết, em sinh hoạt đội văn nghệ ở chùa từ nhỏ cùng với các bạn gần nhà, đối với em nhạc dân tộc cũng như một phần năng lượng cho em hít thở mỗi ngày. Cứ tới các lễ hội là các em lại tập trung tập luyện để biểu diễn phục vụ. "Hiện em đang học múa Chằn; biết múa thì không khó, nhưng làm sao thể hiện được thần thái, ý nghĩa của điệu múa thì phải học và tập luyện rất nghiêm túc, em hy vọng sang năm em có thể biểu diễn được”. Nhật Hào chia sẻ.

Theo thông tin từ Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay toàn tỉnh Trà Vinh có 143 ngôi chùa Khmer, thì hầu hết đều được trang bị các phương tiện âm thanh, nhạc cụ để hoạt động văn hóa, văn nghệ. Ngoài ra, còn có 112 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Chhay-dăm, 35 đội múa chằn, khỉ, trên 100 đội nhạc tân, 40 đội bóng chuyền, 8 đội ghe Ngo; 1 đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh... cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của đồng bào và du khách mỗi khi đến với Trà Vinh.

Chương trình MTQG 1719, đã hỗ trợ nguồn lực quan trọng và tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào gắn với phát triển du lịch.

Tận dụng lợi thế, phát huy nội lực

Trà Vinh là địa phương duy nhất trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đào tạo ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer ở bậc đại học. Hơn 10 năm nay, Trường Đại học Trà Vinh đã có khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ. Đây là khoa đào tạo đa ngành trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, có yếu tố đặc trưng về văn hóa, tôn giáo. Đây cũng là nơi duy nhất trên cả nước đào tạo chuyên môn văn hóa Khmer, là niềm khích lệ rất lớn đối với những trí thức người Khmer ở Nam Bộ cũng như cả nước.

Là đơn vị được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao triển khai thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719),  Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh thực hiện cơ bản các hạn mục, chỉ tiêu được giao, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay gắn với việc tuyên truyền quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch tại địa phương dự kiến hoàn thành 100% kế hoạch vào cuối năm. Dự án 6 trong giai đoạn I, dự kiến được phân bổ là gần 59 tỷ đồng, riêng năm 2023, nguồn vốn sự nghiệp phân bổ cho Dự án trên 18,5 tỷ đồng.

Có thể thấy, hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống đã được tỉnh Trà Vinh quan tâm thực hiện sâu sát, bài bản trong thời gian qua. Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình MTQG 1719, đã hỗ trợ nguồn lực quan trọng và tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào gắn với phát triển du lịch.

Ngoài các thiết chế văn hoá, công trình văn hóa, Trà Vinh còn có Làng văn hoá truyền thống phục vụ phát triển du lịch và nhiều điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào. Đến nay, đồng bào Khmer có 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây, lễ hội Ok Om Bok và Nghệ thuật Rô-băm; 42 chùa Khmer được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp tỉnh và di tích lịch sử văn hóa kiến trúc cấp quốc gia. Được biết giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Trà Vinh xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo 22 di tích nhằm bảo tồn và phát triển du lịch.

Theo ông Lâm Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, bên cạnh việc đầu tư, xây dựng phát triển nhiều công trình văn hoá, địa phương còn chú trọng tổ chức các sân chơi lành mạnh, bổ ích, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, qua đó phát hiện những nhân tố tiêu biểu trong phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đàn bản sắc dân tộc.

Như Tâm - Lê Vũ

Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển - baodantoc.vn - Đăng ngày 25/12/2023