Phát triển du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

Cập nhật: 02/01/2024
Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn có các giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử rất đa dạng, phong phú với sự bảo tồn khá nguyên vẹn di sản địa chất. Nhằm khai thác những lợi thế này phục vụ công tác phát triển du lịch, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Qua đó, CVĐC Lạng Sơn đã và đang ngày càng được nhiều người biết đến và khẳng định vai trò quan trọng trong định hướng cơ cấu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đặc biệt là kinh tế du lịch.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác Công viên địa chất Lạng Sơn

Thực hiện chương trình tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong CVĐC là một trong những tiêu chí bắt buộc của UNESCO để công nhận một CVĐC là CVĐC toàn cầu. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch luôn được Ban quản lý CVĐC tỉnh đặc biệt quan tâm.

Nỗ lực xây dựng các tuyến du lịch vùng CVĐC

Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban quản lý CVĐC Lạng Sơn cho biết: Từ năm 2021, Ban Quản lý CVĐC toàn cầu tỉnh Lạng Sơn đã sớm ban hành kế hoạch triển khai hoạt động xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn, phân công phân nhiệm cụ thể cho lãnh đạo, viên chức của Ban quản lý CVĐC Lạng Sơn. Thực hiện nhiệm vụ được giao, chúng tôi đã chủ động triển khai thực hiện 12 nhiệm vụ nêu tại Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, trong đó việc phát triển du lịch vùng công viên địa chất là một trong những nhiệm vụ quan trọng được tích cực triển khai thực hiện.

Để phát huy những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn đã mời chuyên gia trong và ngoài nước tới Lạng Sơn khảo sát nhằm xây dựng và hình thành các tuyến, điểm du lịch. Cụ thể năm 2023, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn đã tổ chức đón tiếp 12 đoàn chuyên gia, trong đó có 9 đoàn công tác chuyên gia tư vấn do ông Guy Martini – Tiến sĩ địa chất, chuyên gia tư vấn cao cấp quốc tế làm Trưởng đoàn đã tham gia khảo sát tại tỉnh Lạng Sơn về một số địa điểm giàu tiềm năng tại thành phố Lạng Sơn và các huyện Cao Lộc, Hữu Lũng, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Chi Lăng, Lộc Bình như: Di tích lịch sử đình Nông Lục, xã Hưng Vũ; làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, xã Bắc Quỳnh (huyện Bắc Sơn); hang Thẩm Khuyên- Thẩm Hai, xã Tân Văn (huyện Bình Gia); đền Mẫu Đồng Đăng – Ga Đồng Đăng – Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Thủy Môn Đình (huyện Cao Lộc); động Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc (thành phố Lạng Sơn); mỏ than Na Dương (huyện Lộc Bình)…  Qua đó, tìm ra những giải pháp phù hợp để hình thành tuyến du lịch kết nối giữa các điểm giàu tiềm năng du lịch trong tỉnh và vùng CVĐC Lạng Sơn.

Theo đó, đến nay, trong vùng CVĐC đã hình thành 4 tuyến du lịch với 37 điểm tham quan. Cụ thể: tuyến số 1: Thành phố Hà Nội – huyện Hữu Lũng – huyện Chi Lăng – thành phố Lạng Sơn; tuyến số 2: Thành phố Lạng Sơn – huyện Cao Lộc – huyện Văn Quan – huyện Bình Gia – huyện Bắc Sơn; tuyến số 3: Huyện Bắc Sơn – huyện Văn Quan – huyện Chi Lăng – thành phố Lạng Sơn; tuyến số 4: Thành phố Lạng Sơn – huyện Cao Lộc – huyện Lộc Bình – thành phố Lạng Sơn. Các tuyến tham quan đều có các di sản địa chất về văn hóa lịch sử khảo cổ, các ngành nghề địa phương như: Nghề làm ngói (Bắc Quỳnh, Bắc Sơn); nghề làm cao khô ( Vạn Linh, Chi Lăng)… và nhiều di tích tiêu biểu gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu (đã được công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại) như: Đền Mẫu Đồng Đăng, đền Bắc Lệ…

Trong năm 2023, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn đã tiến hành xây dựng hạ tầng 37 điểm trên 4 tuyến du lịch CVĐC, thiết kế phối cảnh các điểm trên 4 tuyến du lịch trong vùng CVĐC Lạng Sơn; Hợp tác với Công ty Than Na Dương cải tạo cảnh quan, môi trường khu vực trũng Na Dương, huyện Lộc Bình. Đồng thời xây dựng các Trung tâm thông tin CVĐC Lạng Sơn tại 8 huyện, thành phố.

Theo đánh giá của đoàn chuyên gia UNESCO, tỉnh Lạng Sơn đang sở hữu những di sản địa chất vô cùng quý giá có niên đại hàng vạn năm. Nhiều di sản trong số này đã được nghiên cứu và đăng trên các tạp chí quốc tế như: hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Bình Gia); hang Dơi (Bắc Sơn); mỏ than Na Dương (Lộc Bình) với số lượng lớn hóa thạch động thực vật có giá trị cao về mặt khoa học – tiêu biểu mỏ than Na Dương được ví như một “Viên ngọc quý” của vùng CVĐC Lạng Sơn… Đây cũng sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên sự nổi bật và thuyết phục cho việc xây dựng hồ sơ trình công nhận CVĐC toàn cầu. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch vùng CVĐC.

Thúc đẩy du lịch phát triển

Đối tác là một mắt xích vô cùng quan trọng của việc xây dựng và phát triển CVĐC. Do đó, trong năm 2023, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn đã hoàn tất công tác ký kết chính thức với 23 đơn vị đối tác (trong đó có 15 đơn vị nhà nghỉ, nhà hàng, homestay, điểm du lịch và 8 đơn vị sản xuất, chế biến nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP). Cùng đó, Ban quản lý CVĐC Lạng Sơn đã triển khai các hoạt động xây dựng và phát triển mạng lưới đối tác tại các điểm du lịch tại 4 tuyến du lịch vùng CVĐC. Đồng thời, triển khai công tác ký kết đối tác đối với các điểm du lịch trong 4 tuyến du lịch đã xây dựng trong vùng CVĐC.

Anh Hoàng Vũ, chủ homestay Sơn Thủy chia sẻ: Từ tháng 7/2023 cơ sở của chúng tôi đã tham gia ký kết đối tác CVĐC với Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn, việc ký kết đối tác đã giúp  lượng khách đến đây tăng 50% so với trước. Trở thành đối tác CVĐC đặt cơ sở vào vị trí, vai trò trách nhiệm cao hơn. Do đó, chúng tôi đã sớm linh hoạt, chủ động sử dụng các trang mạng xã hội giúp khách du lịch dễ dàng tiếp cận các dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống. Ngoài xây dựng các phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn, khu phục vụ ăn uống sạch sẽ, nhân viên được đào tạo bài bản, cơ sở hướng đến kinh doanh dịch vụ chuyên nghiệp.

Không riêng Homestay Sơn Thủy, thời gian qua, Ban quản lý CVĐC Lạng Sơn đã hỗ trợ tuyên truyền tới tất cả các đơn vị đối tác trên các ấn phẩm, trang thông tin điện tử của các CVĐC trong và ngoài nước. Bên cạnh các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong khu vực CVĐC có khoảng 30% đối tác là đơn vị sản xuất, hợp tác xã chế biến các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, qua đó tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư, làm phong phú chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại sẽ quảng bá, tiêu thụ, nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó, đưa những sản phẩm đặc trưng “từ làng ra phố”, góp phần tăng thu nhập cho người dân, phát triển du lịch, nông thôn bền vững.

Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết: Hiện nay, Bắc Sơn có 5 đơn vị đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Ban quản lý CVĐC Lạng Sơn, trong đó có 2 điểm du lịch cấp tỉnh trên địa bàn huyện là: Suối Mỏ Mắm và vườn quýt Hang Hú; 1 homestay, 1 nhà nghỉ, 1 quán cà phê. Các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện quản lý đều đảm bảo thân thiện với môi trường, cam kết chất lượng, giá cả, dịch vụ ổn định; thực hiện nghiêm túc các tiêu chí, tiêu chuẩn theo lĩnh vực ngành nghề kinh doanh được cấp phép.  Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách đến với Bắc Sơn. Nhờ đó, năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến huyện Bắc Sơn đạt trên 180.000 lượt, (tăng trên 50% so với năm 2022), trong đó, khách quốc tế đạt gần 600 lượt; doanh thu ước đạt gần 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Nhờ những giải pháp hiệu quả, du khách đã và đang có rất nhiều ấn tượng tốt đẹp về CVĐC Lạng Sơn. Anh Đào Quang Phú, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương cho biết: Qua tìm hiểu thông tin trên Internet, tôi được biết Lạng Sơn cũng có CVĐC, do vậy, đầu năm 2023, tôi đã đến một số điểm du lịch ở huyện Hữu Lũng thuộc vùng CVĐC để thăm quan, tìm hiểu. Trong đó, tôi thực sự bị thu hút bởi cảnh quan của các dãy núi đá vôi xã Yên Thịnh, thảo nguyên Đồng Lâm và trải nghiệm ẩm thực tại làng du lịch cộng đồng Hữu Liên. Tôi sẽ còn quay trở lại nhiều lần và giới thiệu thêm nhiều bạn bè đến đây tham quan, trải nghiệm.

Từ thực tế trên cho thấy việc xây dựng các tuyến du lịch, tham quan đã và đang đóng góp tích cực cho việc phát triển du lịch tỉnh, năm 2023, toàn tỉnh đón trên 3,9 triệu lượt khách (tăng 11,9% so với năm 2020), trong đó khách quốc tế đạt 34,5 nghìn lượt, khách trong nước đạt trên 3,8 triệu lượt; doanh thu đạt trên 3.000 tỷ đồng.

Với những hướng đi đúng đắn cùng sự nỗ lực của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh; việc phát triển du lịch vùng công viên địa chất đã đạt hiệu quả tích cực. Danh tiếng của CVĐC Lạng Sơn ngày càng được đông đảo du khách gần xa biết tới. Được biết, trong tháng 11/2023, CVĐC Lạng Sơn đã hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu. Năm 2023 đã kết thúc là dịp chúng ta cùng nhìn nhận lại những thành quả đã đạt được của một năm và cùng hướng tới tương lai về một CVĐC Lạng Sơn phát triển, ngày càng khẳng định được tên tuổi trong mạng lưới CVĐC trong và ngoài nước.

Tuyết Mai - Hoàng Hiếu

Nguồn: Báo Lạng Sơn - baolangson.vn - Ngày 01/01/2024