Những ngày cuối năm, đến Khu Ramsar Xuân Thủy, Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Giao Thủy, Nam Định), đứng trên tầng 5 đài quan sát trước mắt chúng tôi là bạt ngàn màu xanh của sú vẹt trải dài tít tắp.
Không gian rộng lớn vô cùng tĩnh lặng, có thể nghe được cả tiếng gió vi vu, chạy dài đuổi mặt nước. Bỗng, một chú cò hạ cánh xuống đầm nước trắng. Rồi hàng trăm, hàng nghìn con khác rào rào bay tới. Lẫn trong màu xanh của rừng là những đốm trắng, đốm nâu “di động”, náo động khu vườn. Mùa chim di trú, cuộc di cư “vĩ đại” vượt phương Bắc lạnh giá của hàng chục nghìn cá thể chim đã tới điểm dừng; để rồi chúng chọn đáp xuống “ga chim” khu sinh quyển Ramsar lớn nhất nhì Đông Nam Á.
Khu ngập mặn Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Tháng 01/1989, vùng đất ngập nước thuộc VQG Xuân Thủy chính thức được công nhận là Khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, thứ 409 của thế giới; đánh dấu Việt Nam trở thành thành viên thứ 50 của Công ước Ramsar (Công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước; Ramsar, Iran, 1971). VQG Xuân Thuỷ tiêu biểu cho hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam. Đây là hệ sinh thái mở, có mức độ đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật quý hiếm. Vườn có tổng diện tích 15.100ha, chia hai vùng (vùng đệm và vùng lõi) và một khu hành chính. Vườn là nơi sinh sống của 202 loài thực vật bậc cao; thảm thực vật có 7 quần xã; thực vật nổi đã thống kê được 112 loài; động vật nổi ghi nhận được 110 loài; có 385 loài động vật không xương sống; 155 loài cá; 427 loài côn trùng... Trong Vườn cũng có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: móng tay, cáy mật, cua bùn, cá Song, cá Hói...
Người dân khai thác thủy hải sản trong Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Dẫn chúng tôi đi một vòng các ngóc ngách trong VQG Xuân Thuỷ, anh Ngô Văn Chiều, Phó Trưởng Phòng Bảo tồn Tài nguyên và Môi trường ngoài giới thiệu chung về Vườn còn đặc biệt muốn dẫn chúng tôi thăm các hộ gia đình đang nuôi trồng thuỷ sản trong vùng lõi. Giữa lồng lộng gió, mời chúng tôi chén chè xanh nóng hổi, anh Trần Văn Huấn, xã Giao An cho biết: “Tôi vào canh tác tại Vườn đến nay cũng đã được 17 năm. Hiện tôi có 6ha mặt nước chuyên thả tôm và cua. Như các hộ gia đình khác, tôi nuôi theo phương pháp quảng canh. Mỗi năm tôi thả khoảng trên 400 nghìn tôm giống. Nuôi theo phương pháp quảng canh có thể lợi nhuận không cao như nuôi công nghiệp; tuy nhiên, do được Vườn hỗ trợ một phần con giống, tiền đầu tư cơ sở vật chất, thức ăn ít nên chúng tôi vẫn có lãi. Hàng năm, trừ chi phí tôi thu về từ 200-300 triệu đồng. Đặc biệt, việc nuôi trồng thuỷ sản theo phương pháp quảng canh giúp các hộ gia đình phát triển mô hình một cách bền vững, góp phần bảo vệ, gìn giữ hệ sinh thái của Vườn”. Anh Huấn chỉ là một trong hàng trăm hộ gia đình thuộc các xã vùng đệm VQG sống dựa vào nguồn tài nguyên rừng và nguồn tài nguyên thủy hải sản.
Người dân nuôi ong lấy mật và khai thác thủy hải sản trong Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Để hỗ trợ người dân, VQG Xuân Thủy cùng với các tổ chức CORIN, MCD, WAP, triển khai các dự án, giúp cho người dân địa phương tăng thu nhập bằng các sinh kế mới như: VAC, trồng nấm, nuôi ong, làm du lịch sinh thái cộng đồng. Hưởng lợi từ Vườn, người dân, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đã phối hợp với VQG tiến hành đồng thời nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển hệ sinh thái của Vườn. Theo đó, lực lượng Kiểm lâm thường xuyên làm công tác tuần tra bảo vệ rừng và ngăn chặn các hoạt động trái phép như săn bẫy chim hoang dã, khai thác củi, khai thác thủy sản không đúng quy định. Nhân viên Ban quản lý Vườn đến các xã vùng đệm tổ chức các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các loài chim di trú hoang dã. Hàng năm, VQG Xuân Thủy phối hợp với các ban, ngành và cộng đồng dân cư vùng đệm thực hiện các dự án trồng rừng của quốc gia như Dự án 327, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, dự án trồng rừng ngập mặn của Đan Mạch…
Du khách trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Năm 1970, nhà văn Anh Đức viết truyện ngắn “Giấc mơ ông lão vườn chim”, sau này có thời gian được đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn học dành cho học sinh THPT. Ở đó, “giữa khoảng rừng tràm cuối cùng bị bom dầu đốt cháy đã được dập tắt” của mảnh đất U Minh Hạ có một đôi vợ chồng già quanh năm quanh quẩn với lũ chim cò, diệc. Họ “yêu” chúng đến nỗi, có thể nghe được tiếng run rẩy vỗ cánh của từng loài trong đêm đông. Và, những khi con nào đó bị thương, họ đau lòng. Khi chúng chưa kịp trở về, họ nhớ thương da diết”… Chúng tôi dường như cũng bắt gặp lại cảm xúc này khi có dịp được nói chuyện với “những ông lão vườn chim hiện đại” ở VQG Xuân Thuỷ: Phan Văn Trường, Ngô Văn Chiều, phòng Bảo tồn Tài nguyên và Môi trường. Là một trong những người có thâm niên công tác lâu năm nhất ở VQG, anh Trường có thể nhớ mặt, điểm tên nhiều con chim, loài chim về vườn lưu trú. Trong đó, anh nhớ nhất là con cò đeo vòng số 117. “Vào 5 năm trước, cứ từ tháng 10 trở đi, khi mùa chim di trú bắt đầu, năm nào con cò đeo vòng số 117 cũng tìm về Vườn. Vì con cò này hay về nên cứ đến khoảng thời gian ấy là tôi cũng như nhiều anh em trong Vườn hay “ngóng”. Mỗi lần phát hiện ra nó, chúng tôi có cảm giác như gặp một người bạn cũ đi xa lâu ngày trở về nhà”, anh Trường kể. Con cò đeo vòng số 117 mà anh Trường nhắc là giống Cò mỏ thìa, đặc biệt quý hiếm, trên thế giới hiện chỉ còn khoảng 300 cá thể, có nguồn gốc xuất phát từ Bắc hoặc Nam Triều Tiên. Hàng năm, vào mùa đông, vùng đất ngập nước Xuân Thủy là nơi dừng chân, lưu trú và kiếm ăn của hàng ngàn cá thể chim di cư.
Chim di cư tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Theo ghi nhận của VQG Xuân Thủy, đối với hệ chim, hiện Vườn đã thống kê được 222 loài, thuộc 42 họ của 12 bộ. Khu hệ chim ở đây tiêu biểu cho các loài thuộc bộ Hạc, bộ Ngỗng, bộ Rẽ và bộ Sẻ. Nơi đây còn là điểm dừng chân của một số loài chim nước quý hiếm nằm trong sách đỏ quốc tế như: Rẽ mỏ thìa, Choắt lớn mỏ vàng, Cò thìa mặt đen, Bồ nông chân xám, Choắt chân màng lớn, Cò lạo Ấn Độ, Cò trắng Trung Quốc, Choắt mỏ cong lớn… Ghi nhận đáng chú ý nhất ở Xuân Thủy là tồn tại một quần thể Cò thìa lớn nhất Việt Nam, trong một vài năm gần đây, số lượng nhiều nhất được chính thức thống kê tại khu vực là 74 cá thể. Ngoài ra, VQG Xuân Thủy còn là nơi tập hợp, trú chân của nhiều loài chim nước phổ biến di cư trong mùa đông. Trên con đường di trú vạn dặm, nhiều loài chim, cò đã chọn nơi đây làm nơi dừng chân kiếm ăn, tích lũy năng lượng chờ những mùa sinh trưởng sau.
Các cấp chính quyền cùng người dân thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Gió mùa đông thổi ào ạt khắp các cánh rừng sú vẹt. Mùa hoa đã qua từ lâu nhưng rừng già vẫn được tô điểm bởi hàng nghìn đốm trắng, đốm nâu di động, nhấp nháy. Mùa chim di trú đang vào “chính vụ”. “Mùa xuân năm nay số lượng chim chọn “ga chim” VQG Giao Thuỷ làm “tổ ấm” vẫn ổn định như những năm trước. “Đất lành chim đậu”, chim về nhiều, không những anh em tôi mà người dân quanh vùng đều phấn khởi”, anh Chiều chia sẻ thêm. Để rồi, theo bốn bề gió, chúng tôi lại nghe vang vang những chim kêu chiu chít, vội vã gọi đàn./.
Hoa Xuân và Văn Huỳnh