Người Hà Lăng, một nhánh của dân tộc Xơ Đăng, hiện sinh sống tại xã biên giới Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum luôn tự hào về cây nêu của dân tộc mình. Cây nêu của người Hà Lăng có thể xem là một tác phẩm nghệ thuật, hội đủ yếu tố từ hội họa, điêu khắc đến nghề thủ công truyền thống.
Cây nêu trong Lễ mừng nhà rông mới của người Hà Lăng.
Những cành nêu trĩu nặng tượng trưng cho mùa màng bội thu, những bông lúa, quả bắp trĩu hạt. Cây nêu chính vươn thẳng, giống như con đường lên trời, chuyển lời cúng của chủ lễ, lời cúng của già làng, lời cầu xin của dân làng lên đấng thần linh để mong muốn được cuộc sống no đủ, không có dịch bệnh. Trên ngọn cây nêu được làm hình tròn, với các nan tre tua chung quanh tượng trưng cho mặt trời.
Các nghệ nhân trong làng đục, đẽo những thanh gỗ vô tri thành những con chim kuk (chim cu gáy) có hồn, nhiều mầu sắc để gắn lên cây nêu. Những người già kể, xưa kia, mỗi khi đi rừng, đi rẫy, nghe tiếng chim kêu bên trái là tìm được thức ăn, còn kêu bên phải là không có. Chính vì vậy, biểu tượng chim kuk trên cây nêu mang ý nghĩa dẫn đường để thần linh biết tìm đến dự lễ cùng dân làng.
Theo già làng A Thiu, làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, trong các nghi thức lễ hội, hay những sự kiện quan trọng, người Hà Lăng thường làm hai cây nêu. Một cây nêu to gọi là Xêm Gâng, dùng để cột trâu và một cây nêu nhỏ gọi là Xêm Gâng Bơ Be dùng để cột dê. Khi việc trang trí cây nêu và dây cột trâu đã hoàn tất, những người đàn ông, đại diện các gia đình tập trung phía trước nhà rông cùng tiến hành nghi thức dựng nêu. Thứ tự dựng nêu, sẽ là cây nhỏ trước, rồi mới đến cây chính.
Những thanh niên khỏe mạnh được phân công đào hố dựng nêu. Trước khi dựng, già làng chuẩn bị một ít rượu hòa với tiết lợn, tiết gà, những người đàn ông, chủ gia đình, ngồi chung quanh hố dựng nêu. Già làng chuyển ống rượu từ trái sang phải bảy lần và ngược lại, tượng trưng cho bảy ngày trong tuần. Tiếp đến, già làng đổ ống rượu xuống hố dựng nêu, dân làng đồng loạt hô to ba lần "ve vu", thể hiện sự mừng vui trong ngày diễn ra sự kiện trọng đại của cộng đồng.
Khi dựng nêu, người Hà Lăng thường trồng thêm cây goong, đây là loại cây dễ đâm chồi, nảy lộc và có sức sống bền bỉ, thể hiện sự trường tồn theo thời gian đồng thời ước mong dân làng được bình an, không có dịch bệnh, không có chuyện dữ xảy ra trong làng. Theo quan niệm của đồng bào Tây Nguyên nói chung, người Hà Lăng nói riêng, cây nêu càng cao, càng đẹp thì thần linh càng hài lòng và mùa màng năm đó sẽ bội thu, cuộc sống sẽ ấm no.
Cây nêu trang hoàng rực rỡ được dựng lên trong tiếng reo hò của dân làng. Những chàng trai khỏe mạnh đưa trâu, dê vào cây nêu. Người Hà Lăng quan niệm, trong những lễ thức quan trọng, linh thiêng của cộng đồng, con người phải thật sạch sẽ, chính vì vậy, trước khi thực hiện các nghi thức tâm linh, họ phải rửa tay rồi mới tiến hành cúng tế. Đại diện các hộ gia đình lấy dây làm bằng vỏ cây cột từ dây cột trâu kéo đến vị trí già làng ngồi để làm lễ. Các chủ hộ đồng loạt khấn xin thần linh phù hộ cho gia đình mình được mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi.
Bài và ảnh: Phương Thảo