Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của người Sán Chỉ ở Quảng Ninh

Cập nhật: 05/01/2024
Dân tộc Sán Chỉ sống rải rác ở vùng Đông Bắc Việt Nam như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Vốn là cư dân nông nghiệp sống định canh định cư theo bản, làng nên dân tộc Sán Chỉ có tính cộng đồng cao. Đến nay, dân tộc Sán Chỉ vẫn còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống quý báu.

Thiếu nữ dân tộc Sán Chỉ trong trang phục truyền thống. Ảnh: Hà Ngân

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc, trong đó, dân tộc Sán Chỉ có dân cư đông, chiếm khoảng 12% dân số toàn tỉnh, chủ yếu sinh sống ở hai huyện Tiên Yên và Bình Liêu, tập trung thành xóm nhỏ ở các vùng núi cao. So với người Sán Chỉ ở Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn vốn ở nhà sàn thì người Sán Chỉ ở Quảng Ninh lại ở nhà vách đất, hoặc xây bằng gạch không nung.

Ngôi nhà của ông Lình A Liềng ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên là một trong số ít những ngôi nhà cổ của người Sán Chỉ được bảo tồn cho đến ngày nay. Ngôi nhà được dựng từ năm 1969 do chính tay ông Liềng đi kiếm đá cuội ở suối, gạch, ngói tự làm để xây dựng. Việc trang trí nội thất cho ngôi nhà của người Sán Chỉ được gắn với tín ngưỡng của đồng bào. Theo đó, đối diện với cửa chính là bàn thờ tổ tiên, gian chính dành cho đàn ông nghỉ ngơi, gian nhỏ hai bên là chỗ ngủ của phụ nữ. Nhà của người Sán Chỉ lấy đá quây xung quanh, che kín khu vực gầm sàn, bếp được đặt ở vị trí trung tâm, phía trên bếp có giàn để chứa hạt giống, nông cụ và đồ dùng gia đình. Đầu hồi là hai chái nhà không làm sàn, một chái là nơi để cối xay thóc, giã gạo, một chái đựng chum nước chảy từ khe về.

Ngôi nhà cổ có nhiều nét đặc sắc, cổng, tường bao xung quanh nhà đều được xếp bằng đá cuội. Khi xây cổng và tường bao, người dân dùng vôi, vữa, xi măng để gắn kết nên tất cả đá cuội đều được xếp xen kẽ chồng lên nhau thành tường rào chắc chắn. Người ta xếp chéo những viên đá để không cho đổ mà thành tường rào nhìn rất đẹp mắt. Ngoài tường bao, ngôi nhà của người Sán Chỉ hoàn toàn xây bằng gạch đất, họ nhào đất ở dưới ruộng rồi đóng bằng khung gỗ, phơi khô rồi gánh về, xếp thành tường nhà, mái lợp bằng ngói âm dương, đây cũng là nét độc đáo của người Sán Chỉ.

Trong đời sống tâm linh, người Sán Chỉ rất coi trọng lễ cúng Phật tổ. Họ quan niệm, các vị thần sẽ che chở họ mọi lúc mọi nơi. Để hiểu được các nghi lễ cúng bái của dân tộc mình thì người Sán Chỉ bắt buộc phải biết chữ viết của mình, nên việc tìm hiểu và gìn giữ chữ viết đối với người Sán Chỉ cũng rất quan trọng. Người Sán Chỉ không có chữ viết riêng mà sử dụng bộ chữ Hán, phần biểu nghĩa, biểu âm ghép lại thành chữ Hán Nôm để ghi chép các bộ sách cúng và các tập sách hát soóng cọ.

Năm 2014, nghệ nhân Lỷ A Sáng, người Sán Chỉ ở xã Đại Dực đã thành lập Câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc với 30 thành viên. Tuy đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông vẫn đam mê nghệ thuật, truyền dạy cho thế hệ trẻ những điệu múa, hát của dân tộc mình. Ngoài ra, ông còn là người bảo tồn chữ viết cho dân tộc Sán Chỉ. Ông quan niệm, mỗi dân tộc có một bản sắc riêng, có tiếng nói, chữ viết riêng, do vậy, ông quyết tâm học chữ để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mà cha ông để lại, không để bị mai một, lai tạp theo thời gian.

Trang phục truyền thống của người Sán Chỉ đơn giản, không rực rỡ như trang phục của người Mông và người Dao nhưng có nét độc đáo riêng biệt. Khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc, phụ nữ Sán Chỉ phải vấn tóc, mang kèm các đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Trang phục của nam giới người Sán Chỉ mộc mạc, đơn giản, toát lên vẻ đẹp của áo chàm, quần có hai túi rộng, cạp chun, quần ống rộng để thuận lợi cho việc leo núi, leo đồi.

Bà Sằm Mốc Phúc, ở xã Đại Dực chia sẻ: Dân tộc Sán Chỉ thường xuyên mặc trang phục dân tộc truyền thống đi làm, đi chơi, hội hè hay những ngày lễ, Tết. Bản thân tôi cũng rất tự hào khi khoác lên mình bộ trang phục dân tộc Sán Chỉ. Tôi cũng thường nói với mọi người, trang phục của người Sán Chỉ là màu xanh, màu hy vọng cho tất cả mọi người.

Giống như các dân tộc thiểu số khác, người Sán Chỉ rất yêu ca hát, nhảy múa, những câu hát soóng cọ được bà con sáng tác dựa vào phong tục tập quán, trong quá trình lao động sản xuất và được lưu truyền cho đến hôm nay. Làn điệu soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ gắn liền với tập tục hôn nhân, chúc thọ, mời rượu, đối đáp trao duyên và được trình diễn dưới nhiều hình thức, bối cảnh, không gian khác nhau. Sự phong phú trong lời hát soóng cọ của người Sán Chỉ và tài ứng khẩu, đặt lời mới của người hát luôn thu hút mọi người. Với người Sán Chỉ, hát soóng cọ là một món ăn tinh thần không thể thiếu có tác dụng khích lệ, động viên con người xích lại gần nhau, yêu quê hương, làng bản của mình hơn.

Bên cạnh những văn hóa tinh thần thì lao động sản xuất cũng mang những nét văn hóa rất riêng của đồng bào người Sán Chỉ. Người Sán Chỉ làm ruộng là chính và có nghề thủ công như làm mộc, đan lát, mây tre, nuôi ong, nấu rượu..., tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ mang tính tự cung, tự cấp trong cộng đồng, chưa trở thành hàng hóa phổ biến.

Là dân tộc ở huyện biên ải Bình Liêu, điều đặc biệt và khác lạ nhất là ở đây có đội bóng đá nữ của dân tộc Sán Chỉ. Đến nay, hình ảnh những cô gái Sán Chỉ mặc váy truyền thống dân tộc tham gia đá bóng đã tạo nên nét đặc trưng trong các lễ hội của huyện. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần thể dục-thể thao, rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần quảng bá mạnh mẽ cho ngành du lịch của địa phương.

Hà Ngân

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 03/01/2023