Ngày 10/1, tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu ý kiến tại buổi lễ. Cùng dự có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Phú Thọ và các chuyên gia, nhà khoa học.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Phú Thọ.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, quy hoạch tỉnh Phú Thọ được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn và được cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi bắc bộ và quy hoạch chung cả nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để tỉnh Phú Thọ phát triển theo đúng tầm nhìn và định hướng trong Quy hoạch đã được phê duyệt, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; giữ vững vai trò là trung tâm công nghiệp của vùng trung du và miền núi phía bắc.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao; hình thành chuỗi cung ứng, phân phối hiện đại và trở thành một trong những trung tâm thương mại, logistics của vùng. Coi du lịch là mũi nhọn, phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch tự nhiên, sinh thái, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ cho lãnh đạo tỉnh Phú Thọ.
Phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung gắn với chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp thông minh gắn với sử dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Để đạt được những mục tiêu này, Phó Thủ tướng đề nghị, tỉnh cần đặt ra bài toán phát triển đô thị làm động lực phát triển kinh tế; đầu tư đồng bộ hệ sinh thái gồm các khu công nghiệp, khu vực nông nghiệp công nghệ cao, các dịch vụ hiện đại.
Khẩn trương xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch. Rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh.
Trong phát triển, cần ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động lan tỏa lớn như các dự án xanh, sức đầu tư lớn, công nghệ cao và tiết kiệm đất; tập trung đầu tư phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội đặc sắc, độc đáo; Khu di tích lịch sử Đền Hùng xứng tầm quốc gia….
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn đã công bố Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng, phấn đấu đến năm 2023 Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía bắc.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tặng hoa chúc mừng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ và từng bước hình thành các trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thương mại và logistics của tiểu vùng Tây Bắc.
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với sử dụng bền vững tài nguyên, hệ sinh thái.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ với 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Đến năm 2050, Phú Thọ là tỉnh phát triển ở khu vực phía bắc, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước. Là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc; là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, tỉnh Phú Thọ xác định các nhiệm vụ và đột phá chiến lược, gồm: 1 trung tâm (xây dựng và phát triển đô thị Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam); 2 hành lang kinh tế (hành lang kinh tế dọc tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hành lang kinh tế dọc tuyến đường cao tốc bắc - nam phía tây)….
Ngọc Long