Cùng với hệ thống bãi biển đẹp, những làng chài ven biển Quảng Nam còn lưu giữ rất nhiều bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời. Tỉnh Quảng Nam rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với việc phát huy giá trị tài nguyên văn hóa biển để phát triển du lịch.
Giữ không gian sống để bảo tồn văn hóa
Thời gian qua, nhiều khu du lịch tập trung ven biển Quảng Nam được đầu tư quy mô lớn hình thành chuỗi du lịch, dịch vụ cao cấp ven biển kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng, phát huy các làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái. Cùng với đó là những nỗ lực trong việc tận dụng tài nguyên văn hóa biển để phát triển du lịch, thu hút du khách đến Quảng Nam.
Những hướng đi như thế ngày lan tỏa ra nhiều vùng biển của Quảng Nam, khai thác được tiềm năng du lịch biển nhưng vẫn gìn giữ, phát huy được các giá trị văn hóa biển, bảo tồn không gian sinh tồn gắn với nếp sống sinh hoạt của người dân làng biển. Đó cũng chính là bảo tồn những giá trị văn hóa biển, giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa đến không gian văn hóa, môi trường biển.
Một góc đảo Cù Lao Chàm - Hội An, Quảng Nam.
Những vùng biển Quảng Nam cũng không nằm ngoài quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, làm thế nào để không “tụt hậu” lại phía sau, phát triển nhưng vẫn giữ được không gian sống, sinh tồn đặc trưng của cư dân bản địa vùng ven biển là một bài toán khó, không thể tách rời nhau. Vì chỉ trong không gian sống nguyên bản ấy, văn hóa biển mới có sức sống, giá trị, bền lâu.
Ngư dân làng biển Bình Minh, Quảng Nam thu gỡ lưới sau chuyến ra khơi.
“Trong quy hoạch, chính quyền nên ưu tiên xây dựng, tôn tạo các cơ sở thờ tự tín ngưỡng kiến trúc đặc trưng của làng biển, khôi phục lại các tập quán lâu đời, như lễ cầu ngư, hô bả trạo, nghề đóng ghe, hội đua thuyền,... Những điều ấy chỉ có giá trị thực sự khi được diễn xướng trong không gian sinh tồn của làng biển, cùng với người dân bản địa”, ông Phan Hiến, một ngư dân có hơn 50 năm theo nghề biển ở phường Cẩm Nam, TP. Hội An chia sẻ.
Nhiều ngư dân ở các làng chài ven biển Quảng Nam, khi được hỏi về câu chuyện bảo tồn văn hóa làng biển, đã trả lời rất đơn giản rằng, những lễ hội truyền thống của làng, các tổ đoàn kết ngư dân chính là sợi dây níu họ lại với nhau, cùng giữ gìn văn hóa của ông cha để lại. Và từ đó sẽ gắn bó lâu dài với nghề biển, tiếp thêm động lực vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế biển.
Ứng dụng giá trị văn hóa miền biển phát triển du lịch
Những năm qua, tỉnh Quảng Nam rất chú trọng khai thác những lợi thế, tài nguyên văn hóa biển để phát triển du lịch biển đảo. Đặc biệt, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống miền biển, ứng dụng giá trị, các hình thức diễn xướng dân gian miền biển trong các lễ hội như hát múa bả trạo, hô bài chòi, hát tuồng để xây dựng sản phẩm du lịch.
Yếu tố biển trong các lễ hội nông nghiệp, lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh như lễ tế Cá Ông, Lễ hội Bà Thu Bồn, Lễ Hội Long Chu,… sẽ luôn trường tồn khi được chính cộng đồng cư dân ở đó thực hành và giữ gìn qua bao thế hệ, phát huy trong cuộc sống đời thường, từ đó tạo nên một bản sắc, sức hút hấp dẫn du khách đến tìm hiểu, cùng trải nghiệm.
Hô hát bả trạo tại vùng biển Quảng Nam.
Ông Tôn Thất Hướng, chuyên gia nghiên cứu văn hóa, Nguyên Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VHTTDL Quảng Nam đã đưa ra gợi ý về phát huy giá trị lễ hội bả trạo miền biển trong du lịch Quảng Nam.
Ở Quảng Nam, lễ hội bả trạo thường gắn liền với tục thờ cá Ông của cư dân miền biển Quảng Nam, mặc dù là diễn xướng dân gian nhưng lại mang tính tín ngưỡng nhiều hơn. Hát bả trạo là phần hội chính yếu nhất, có sức hấp dẫn, thu hút nhiều người xem trong lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển.
Chính vì vậy mà đến dự lễ hội bả trạo, xem các nghi lễ trong lễ hội cầu ngư, nhân dân và du khách được đáp ứng một phần nào nhu cầu tâm linh của họ, sẽ cảm nhận được một không gian diễn xướng dân gian rất độc đáo. Lễ hội sẽ chuyển tải, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua phương thức diễn xướng dân gian.
Lễ hội đua thuyền đầu năm của ngư dân Hội An, Quảng Nam.
Tại những làng biển An Bàng, Tân Thành, Cửa Đại của Hội An, nhiều doanh nghiệp cùng liên kết với cộng đồng ngư dân làng biển để hình thành không gian mỹ thuật, không gian sáng tạo nghề truyền thống, các chợ phiên cuối tuần,… để thu hút du khách.
Khai thác các homestay của chính ngư dân làng biển đầu tư để du khách cùng trải nghiệm, sinh hoạt theo phong tục, tập quán, lễ hội, cùng tham gia trải nghiệm nghề biển như đi câu mực, câu cá đêm, các nghề làm hải sản khô, nước mắm, đan thúng chai,… cùng ngư dân.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An chia sẻ: Sức ép của đô thị hóa ngày càng lớn thì việc bảo tồn các giá trị, không gian văn hóa biển càng phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Với Hội An, thành phố định hướng lồng ghép văn hóa biển, không gian biển vào phát triển du lịch, kết hợp hài hòa bảo tồn không gian biển, làng biển, hình thành các làng du lịch gắn với ẩm thực, vui chơi, giải trí, sinh hoạt làng biển. Người dân là nhân tố quan trọng trong công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa làng biển, qua đó phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống để thu hút khách du lịch./.
Khánh Chi