Bình Phước: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc

Cập nhật: 12/01/2024
Thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa ban hành hướng dẫn công tác tuyên truyền nghị quyết trên địa bàn tỉnh.

Đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Lộc Ninh chú trọng gìn giữ và phát huy nhạc ngũ âm trong đời sống văn hóa tinh thần - Ảnh Tư liệu

Mục đích nhằm tuyên truyền sâu rộng, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ lãnh đạo các cấp, những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh nhận thức được đầy đủ về vị trí, ý nghĩa sâu sắc, tầm quan trọng của Nghị quyết số 14-NQ/TU, từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Công tác tuyên truyền cần bảo đảm đúng định hướng chính trị, tư tưởng, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, đề cao tính thuyết phục, chất lượng, hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong toàn Đảng và xã hội.

Nội dung tuyên truyền kết quả đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Phước từ tỉnh đến cơ sở; những tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân.

Kết quả nổi bật về xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; nội dung xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước: “đa dạng, bản sắc và hội nhập” gắn với giữ gìn, phát huy giá trị thuần phong, mỹ tục và các hệ giá trị: quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; những mô hình, cách làm sáng tạo, gương điển hình tiêu biểu để giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông và đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên, dư luận xã hội các cấp trong tuyên truyền định hướng trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; nâng cao chất lượng các ấn phẩm, tạp chí, bản tin của các cấp, ngành. Định hướng tư tưởng, đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc, phủ nhận các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa nói chung và Nghị quyết số 14-NQ/TU nói riêng, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong sáng tạo, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các địa phương; tạo dựng các sản phẩm văn hóa đặc trưng riêng có của tỉnh Bình Phước...

Thực hiện tuyên truyền trên báo chí, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử, các kênh truyền hình thiết yếu; mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube...) với nội dung và hình thức phù hợp như video, clip, bài viết, biểu ngữ, tin nhắn... Qua hội nghị (báo cáo viên, sinh hoạt chuyên đề, tuyên truyền miệng qua sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp). Tuyên truyền cổ động trực quan: Xây dựng các khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích tại các cửa ngõ đô thị, trục đường chính, khu hành chính, trung tâm văn hóa - thể thao...

Thùy Vy

Nguồn: Báo Bình Phước - baobinhphuoc.com.vn - Đăng ngày 10/01/2024