Bảo tồn di sản văn hóa không có nghĩa là “đóng gói” và “cất kỹ”, mà cần được nhìn nhận, triển khai trên góc độ giữ gìn, lan tỏa và phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.
“Bức tranh” di sản văn hóa đa sắc màu
Hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh Kon Tum được đánh giá rất phong phú, đa dạng. Chúng là sự thể hiện sinh động phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các cộng đồng khác nhau, được bảo tồn và lưu truyền từ đời này sang đời khác, thông qua nhiều loại hình, từ luật tục, kiến trúc, lễ hội, đến nhạc cụ, nghệ thuật dân gian, ẩm thực, trang phục, nghề truyền thống.
Tất cả làm nên một “bức tranh” di sản văn hóa đa sắc màu.
Nổi bật là di sản không gian văn hóa cồng chiêng. Các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ trên địa bàn tỉnh đều có hoạt động sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, được thực hành gắn liền với các nghi lễ, lễ hội của cộng đồng và thường tổ chức tại nhà rông, nhà sàn, nhà mồ.
Di sản không gian văn hóa cồng chiêng đang được bảo tồn và phát huy hiệu quả. Ảnh: HL
Mỗi DTTS lại có những bộ chiêng lễ, mang tính đặc trưng riêng. Như dân tộc Xơ đăng - nhóm Xơ Teng có bộ chiêng S’teng, gồm 7 cái chiêng bằng; dân tộc Gié - Triêng có bộ chiêng Nỉ, gồm 3 cái chiêng bằng; dân tộc Brâu có bộ chiêng Tha, gồm 2 cái chiêng bằng; dân tộc Ba Na, Gia Rai có chiêng Hŏnh.
Hay về lễ hội, các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hệ thống nghi lễ, lễ hội truyền thống phong phú, độc đáo, từ hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan vòng đời con người (như lễ thổi tai, lễ trưởng thành, lễ cưới, tang ma, bỏ mả); hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan vòng đời cây lúa (như lễ phát rẫy, lễ trỉa lúa, lễ ăn lá lúa, lễ ăn giống lúa thừa, lễ mừng lúa mới, lễ mở kho lúa) đến hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan đến cộng đồng (như lễ lập làng mới, lễ mừng nhà rông mới, lễ mừng nhà mới, lễ dời làng, lễ cầu mưa, lễ cầu an).
Loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh cũng rất phong phú và độc đáo, bao gồm các làn điệu dân ca, múa xoang, các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc.
Nổi bật là múa xoang - một hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn liền với âm nhạc cồng chiêng và được thực hành trong các ngày hội của cộng đồng làng.
Xuất phát từ thực trạng và vai trò của di sản văn hóa với cộng đồng, xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh và nhân dân các dân tộc đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp bảo tồn di sản văn hóa.
Chính quyền, ngành chức năng có vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách, hỗ trợ nguồn lực; nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Qua đó, các di sản văn hóa được nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy, góp phần không nhỏ vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cũng như giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Di sản cũng là nguồn lực
Điểm đáng chú ý là trong hành trình bảo tồn di sản văn hóa, các cấp các ngành đã nhìn nhận di sản cũng là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều địa phương đã gắn bảo tồn di sản với phát triển du lịch, tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, nâng cao đời sống đồng bào DTTS tại chỗ.
Có thể nhận thấy rất rõ qua việc phát huy di sản văn hóa cồng chiêng gắn với du lịch cộng đồng ở thành phố Kon Tum, các huyện Đăk Hà, Kon Plông, Tu Mơ Rông.
Cần xác định di sản văn hóa cũng là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: HL
Ở các làng du lịch cộng đồng này đều thành lập được đội cồng chiêng, xoang, tổ chức các hoạt động biểu diễn, trình diễn thu hút du khách gần xa, đem lại thu nhập cho thành viên. Một số đội cồng chiêng đã có thương hiệu, tạo sức hút cho du lịch địa phương, như Đội cồng chiêng, xoang thôn Tu Rằng, xã Măng Cành (huyện Kon Plông); Đội chiêng, xoang thôn Kon Pring (thị trấn Măng Đen, Kon Plông).
Tất nhiên, trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng nảy sinh một số vấn đề cần được xem xét, chấn chỉnh.
Đó là việc mời nghệ nhân của dân tộc này hướng dẫn diễn tấu cồng chiêng, xoang cho dân tộc khác (như mời nghệ nhân của dân tộc Ba Na hướng dẫn diễn tấu cồng chiêng trong cộng đồng người Xơ Đăng).
Hay là việc sử dụng các bài diễn tấu cồng chiêng trong các lễ hội hoặc ngày quan trọng của làng mà chưa đảm bảo với bản sắc gốc của dân tộc.
Đó còn là hiện tượng trang phục truyền thống trong diễn tấu cồng chiêng, xoang ở một số nơi có sự biến đổi, kết hợp hoa văn đặc trưng của nhiều dân tộc khác (như trang phục biểu diễn của nữ tại làng Đăk Glei, xã Đăk choong, huyện Đăk Glei).
Hoặc trang phục được may cách tân, hiện đại, theo sở thích và đa dạng chất liệu vải trên nền tảng hoa văn dệt sẵn thuộc nhiều dân tộc khác nhau, từ đó không còn giữ được bản sắc.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, việc đem di sản văn hóa cồng chiêng ra biểu diễn ỏ đường phố, ở hội trường, thay vì trình diễn trong không gian vốn có của nó (làng) đã đánh mất đi “hồn cốt”, làm giá trị tinh thần của di sản không còn trọn vẹn.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, không thể vì những vấn đề trên mà chúng ta “đóng gói” và “cất kỹ” các di sản văn hóa.
Quá trình bảo tồn cần được triển khai trên góc độ giữ gìn, lan tỏa và phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Bởi một khi di sản được “tái tạo”, được làm giàu thêm sẽ là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Minh chứng cho điều này là di sản văn hóa cồng chiêng. Bên cạnh các bài cồng chiêng cổ còn lưu giữ, thực hành trong cộng đồng, các nghệ nhân người DTTS còn phát triển thêm các bài chiêng mới với nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Bác Hồ, mừng Đảng, mừng Xuân.
Và thực tế cho thấy, các sản phẩm mới này đã nhanh chóng được cộng đồng tiếp nhận, tạo ấn tượng hơn với du khách, đồng nghĩa với việc tăng sức hút về du lịch.
Đồng thời có tác dụng tích cực đối với quảng bá di sản, góp phần làm cho bản sắc văn hóa dân tộc thêm giàu có hơn.
Hồng Lam