"Xanh" -phải là tiêu chí hàng đầu

Cập nhật: 09/10/2009
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc nhà máy sản xuất thuộc Công ty Liên doanh TNHH Grown Sài Gòn. Đây là một trong những đơn vị chiếm lĩnh 70% thị phần cung cấp các loại lon nhôm cho thị trường Việt Nam. Nhưng ít ai biết rằng, để có được thành công như vậy, Công ty Liên doanh TNHH Crown Sài Gòn đã đặt tiêu chuẩn môi trường lên hàng đầu. 

“Xanh” nhờ công nghệ sạch 

Ông Nguyễn Ngọc Minh khẳng định, do đặc thù sản xuất lon dùng để chứa đựng thực phẩm (chủ yếu là nước giải khát) nên vấn đề an toàn môi trường là rất quan trọng. Đặc biệt hơn, khách hàng của công ty lại là những tập đoàn quốc tế rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường như nhãn hàng Coca Cola, Pepsi, Bdrico, Unilever.

Trước thực tế đó, công ty đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất tự động, nguyên liệu sản xuất chủ yếu là nhôm cuộn, nhưng toàn bộ nguyên liệu này trước khi nhập khẩu về Việt Nam đã là thành phẩm (tức đã hoàn thiện công đoạn như xi, mạ…). Sau đó, nhôm cuộn được chuyển vào hệ thống dây chuyền tự động dập và đóng khuôn. 

Trong dây chuyền này, công đoạn mà theo đoàn thanh tra môi trường đánh giá dễ phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường là khâu sơn lon. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ sơn in bằng ống lô cuộn tròn, dạng sơn ướt, sơn trong hộp kín nên không phát sinh chất thải ra ngoài.

Mặt khác, trước khi lon chuyển vào công đoạn sơn cũng như sau khi sơn phải được sấy khô. Do vậy, công ty đã đầu tư 4 lò hơi phục vụ cho công đoạn này. Điều đáng nói là khí thải phát sinh trong quá trình sấy đều đạt tiêu chuẩn cho phép do nhiên liệu sử dụng là khí gas.

Kết quả phân tích mẫu khí thải định kỳ cho thấy, nồng độ các chất như bụi, nhiệt độ, NOx, SO2, CO đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Tương tự, đối với nước thải, nồng độ các chất như pH, SS, COD, BOD-­5, tổng nitơ, phốtpho và coliforms sau xử lý cũng đạt tiêu chuẩn loại B, thậm chí có một số nồng độ đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra nguồn tiếp nhận là sông Rạch Chiếc.

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết, Cty LD TNHH Crown Sài Gòn đóng trên địa bàn quận 9 từ năm 1993, nhưng cho đến nay vẫn chưa phát sinh vấn đề gây ô nhiễm môi trường, hệ thống xử lý nước thải và khí thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường quy định. 

Thực tế trên thế giới hiện nay, tiêu chí xanh đã và đang trở thành xu thế bắt buộc trong hợp tác kinh tế. Các doanh nghiệp không chỉ xanh cho chính mình mà họ còn ràng buộc các đối tác cũng phải cùng xanh. Đơn cử như Công ty Liên doanh Unilever Việt Nam, Công ty cổ phần Kido, Công ty Dược phẩm Trung ương 2, Tập đoàn cổ phần Thiên Long, ngoài việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tại đơn vị, họ còn yêu cầu những đối tác kinh tế cũng phải thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường thể hiện ràng buộc ngay trong hợp đồng mua bán sản phẩm.

Thiếu “xanh” = yếu thị phần tiêu thụ 

Lý giải thực tế trên, ông Minh cho rằng, hiện tiêu chí xanh đã trở thành tiêu chí toàn cầu. Bản thân những doanh nghiệp trước khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài đều phải chứng minh đầy đủ các chứng nhận bảo vệ môi trường do cơ quan chức năng nước sở tại – nơi đặt trụ sở nhà máy sản xuất, chứng nhận.

Thậm chí, với nhiều đối tác khó tính thì đòi hỏi phải có chứng nhận về môi trường do các tổ chức quốc tế chứng nhận. Nếu doanh nghiệp không đảm bảo đáp ứng tất cả các tiêu chí đó thì đồng nghĩa với việc hàng hóa sẽ bị đối tác từ chối tiếp nhận. 

GS Lâm Minh Triết, Viện Môi trường và Tài nguyên, cũng khẳng định, hiện nhiều nước đã và đang hướng người tiêu dùng đi vào nhận thức cao hơn, đó là tiêu dùng xanh. Việc khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm xanh – thân thiện môi trường, hoặc sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, là cách gián tiếp tạo ra công bằng trong cạnh tranh.

Bởi lẽ, những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường đã phải bỏ ra chi phí rất lớn để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất thì không thể đánh đồng với doanh nghiệp cố tình không thực hiện công tác bảo vệ môi trường. 

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết thêm, hiện thành phố không chỉ thắt chặt quy định về bảo vệ môi trường đối với những doanh nghiệp đang hoạt động mà còn cả với những dự án đang chuẩn bị đầu tư tại thành phố.

Đơn cử như Bệnh viện Tâm Đức, cao ốc Sài Gòn M&C… trước khi xây dựng phải đưa ra được phương án xử lý chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng và cả quá trình hoạt động sau này. Đó là phải xử lý nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, chất thải nguy hại và phải được thực hiện ngay trong quá trình đầu tư xây dựng công trình.

Trường hợp các biện pháp bảo vệ môi trường không hợp lý hoặc không đảm bảo yêu cầu, sở sẽ kiên quyết yêu cầu chủ dự án phải tạm dừng quá trình xây dựng cho đến khi đưa ra giải pháp xử lý.

Ngoài ra, việc bắt buộc các chủ đầu tư phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường sẽ là căn cứ để người dân và cơ quan chức năng theo dõi, giám sát, kiểm tra đơn vị có làm đúng như cam kết hay không.

Hiện nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước, các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng đã từ chối tiếp nhận doanh nghiệp sản xuất những ngành nghề gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm cao trong quá trình hoạt động. Điều này cho thấy, đã đến lúc không còn đất sống cho những doanh nghiệp gây ô nhiễm nữa.

Nguồn: Sài Gòn Giải phóng