Quảng Bình: Giữ gìn và phát huy giá trị di sản

Cập nhật: 19/01/2024
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gặp nhiều thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, nhưng năm 2023, với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước, quốc tế, các nhà khoa học, đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (BQL VQG PN-KB) nên vị thế và thương hiệu của VQG ngày càng lan tỏa mạnh mẽ...

Chú trọng bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học

BQL VQG PN-KB được giao nhiệm vụ quản lý hơn 124.499 ha rừng, trong đó, rừng đặc dụng hơn 121.325 ha, rừng phòng hộ hơn 3.000 ha và rừng sản xuất hơn 20 ha, thuộc địa bàn các huyện: Minh Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh.

Năm 2023, BQL VQG PN-KB đã chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học với nhiều hình thức phong phú; đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các xã vùng đệm tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện giao nộp vũ khí, không lấn chiếm đất rừng, góp phần ổn định an ninh trật tự địa bàn và giảm thiểu sự đe dọa đến các loài động thực vật, chấp hành nghiêm các quy định về BVR, môi trường, cảnh quan VQG. 

Phong Nha-Kẻ Bàng được mệnh danh là “vương quốc hang động”.

Trong năm, đã tổ chức 17 hội nghị và hơn 300 đợt tuyên truyền đến các tổ dân phố, thôn, bản với sự tham gia của gần 3.550 lượt người dân; phối hợp với các tổ BVR triển khai gần 520 đợt tuần tra BVR; thực hiện tốt mô hình “Tuyên truyền, vận động giáo dân giáo xứ Bàu Sen thực hiện công tác BVR, bảo vệ môi trường VQG PN-KB”, “Tuyên truyền vận động người dân không nuôi nhốt và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã trên địa bàn thị trấn Phong Nha”…

Quán triệt phương châm “phòng là chính, BVR tại gốc", ngay từ đầu năm, BQL đã tập trung chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ thị, kế hoạch của tỉnh về đẩy mạnh quản lý, BVR, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bám sát địa bàn, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể; kịp thời bổ sung và điều chỉnh để chỉ đạo, thực hiện BVR đến từng khoảnh, tiểu khu; thường xuyên thay đổi cách thức, phương pháp tuần tra, linh hoạt theo hướng chú trọng mở rộng địa bàn, các tuyến mới và tăng thời gian bảo đảm bao quát địa bàn quản lý, không để xảy ra các điểm nóng về khai thác lâm sản, bẫy bắt động vật rừng; áp dụng hiệu quả các phần mềm SMART trong tuần tra, BVR, giám sát đa dạng sinh học, theo dõi biến động tài nguyên rừng.

Năm 2023, đã tổ chức hơn 2.000 đợt tuần tra BVR, đẩy đuổi hàng chục lượt người vào rừng trái phép, phá hủy nhiều lán trại; phát hiện và xử lý 3 vụ vi phạm hành chính, khởi tố 1 vụ án hình sự; triển khai thực hiện tốt khoán BVR và hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm; duy trì, quản lý vận hành có hiệu quả 44 tổ BVR…

Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý BVR, công tác nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học đã đạt được những kết quả tích cực. BQL đã thực hiện có hiệu quả chương trình nhân giống các loài cây bản địa quý, hiếm có giá trị bảo tồn và kinh tế cao. Năm qua, đã thu thập, sản xuất được hơn 5.000 cây giống bản địa thuộc 9 loài; thả gần 200 giò phong lan về môi trường tự nhiên; chăm sóc, cứu hộ 128 cá thể thuộc 31 loài động vật hoang dã với tỷ lệ thành công trên 94%; phối hợp với các chương trình, dự án để triển khai các diễn đàn đối thoại đa ngành, hoạt động bẫy ảnh, giám sát đa dạng sinh học, đề xuất hỗ trợ và tổ chức kiểm tra sức khỏe, di dời 7 cá thể hổ về khu chuồng mới; đề xuất và được UBND tỉnh cấp chứng nhận cơ sở bảo tồn động vật hoang dã PN-KB.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Hoạt động nghiên cứu khoa học được quan tâm, chú trọng. Trong năm, đã triển khai và phối hợp thực hiện 7 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước, cấp tỉnh, cấp vườn; đăng ký đặt hàng 3 nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh và đề xuất đặt hàng 2 nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước cho năm 2024; tổ chức nghiên cứu, sưu tập hiện vật, tài liệu về các di tích lịch sử, văn hóa; quản lý, bảo tồn và phát huy tốt giá trị các điểm di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh trên địa bàn quản lý. Năm 2023, BQL VQG đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công hội thảo quốc tế “Phát huy giá trị di sản thế giới VQG PN-KB trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững” nhân dịp kỷ niệm 20 năm VQG PN-KB được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới…

Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ

Bên cạnh nhiệm vụ quản lý và bảo tồn các giá trị di sản, VQG PN-KB luôn chú trọng đến công tác phát huy giá trị của di sản thông qua các hoạt động du lịch, dịch vụ. Với quan điểm, du lịch PN-KB là bộ mặt, trái tim của du lịch Quảng Bình. BQL luôn chú trọng đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, dịch vụ dưới nhiều hình thức, nhất là trên các nền tảng số, các trang mạng xã hội, báo, đài, website, facebook; phối hợp tổ chức chương trình chào đón năm mới 2023; tổ chức tặng quà cho các vị khách đầu tiên đến tham quan tại tất cả các tuyến, điểm của VQG; tiếp cận phương thức quảng bá thông qua các nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn để tạo ra hiệu ứng lan tỏa.

Giám đốc BQL VQG PN-KB Phạm Hồng Thái cho biết, mang trong mình những giá trị ngoại hạng, nổi bật toàn cầu, VQG PN-KB đã và đang được thế giới biết đến nhiều hơn, điều này vừa là niềm vui, niềm tự hào nhưng cũng đặt ra những áp lực và yêu cầu ngày càng cao đối với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản trong tình hình mới. Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội, giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Quảng Bình, dự báo sẽ có những thuận lợi và thách thức đan xen, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đòi hỏi phải có quyết tâm cao hơn nữa, đoàn kết, nắm lấy thời cơ, biến thách thức thành lợi thế để phát triển…

Bên cạnh đó, BQL đã tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh hợp tác cùng các công ty lữ hành, đối tác trong và ngoài tỉnh nhằm thu hút khách du lịch; xây dựng kế hoạch đón đoàn lookbook, các nhiếp ảnh gia chụp hình tại các tuyến, điểm du lịch; tổ chức các đoàn đi xúc tiến, tìm kiếm đối tác để hợp tác đưa khách đến các tuyến, điểm của đơn vị; ứng dụng số hóa một số điểm du lịch tại VQG bằng công nghệ 3D thực tế ảo; xây dựng hoàn thiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí VQG PN-KB trình UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt; thường xuyên nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, các dịch vụ vui chơi giải trí, làm mới các sản phẩm du lịch hiện có và đầu tư bổ sung thêm nhiều dịch vụ mới, khai thác trở lại động Tiên Sơn…

Mặt khác, hoạt động dịch vụ ăn uống tại các nhà hàng được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng và thái độ phục vụ ngày càng chuyên nghiệp, được du khách đánh giá cao; phát triển các loại hình dịch vụ, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của địa phương để phục vụ du khách và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương…
 
Năm 2023, các tuyến, điểm du lịch trong VQG PN-KB đã đón và phục vụ hơn 696.000 lượt khách (tăng 13%), trong đó, khách quốc tế đạt gần 95.000 lượt (tăng 214%), mang lại tổng doanh thu gần 278 tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ 2022), góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Ngọc Hải

Nguồn: Báo Quảng Bình - baoquangbinh.vn - Đăng ngày 19/01/2024