Quảng Nam: Xu hướng tiếp cận chứng nhận xanh

Cập nhật: 19/01/2024
Các chủ thể liên quan của ngành du lịch Quảng Nam đang tích cực tiếp cận các chứng nhận xanh bởi nó ngày càng có giá trị trong việc xúc tiến, thu hút dòng khách du lịch có trách nhiệm.

Trẻ em trải nghiệm Caman Village, Silk Sensen Hội An River Resort (Cẩm An, TP. Hội An) - một điểm đến đã được cấp chứng nhận xanh. Ảnh: Q.T

Chứng nhận xanh phát huy giá trị

Hiện Quảng Nam có 20 đơn vị đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam, bên cạnh đó còn rất nhiều đơn vị khác đang hướng đến các chứng nhận du lịch xanh, bền vững ở cấp độ quốc tế cũng như chuyển đổi xanh mà không hướng đến các chứng nhận.

Bà Lê Thị Châu Trinh - Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VHTTDL thông tin, điều tích cực là từ khi cơ quan quản lý bắt đầu tuyên truyền về Bộ tiêu chí du lịch xanh vào năm 2022, ngày càng nhận được nhiều tương tác tích cực từ các đơn vị làm du lịch, nhất là villas, homestay.

Ngay cả các đơn vị quy mô lớn, đơn cử như TUI Blue Nam Hội An (Núi Thành), dù đã có chứng chỉ du lịch bền vững quốc tế (Travel Life) cũng đã đăng ký tham gia thực hiện Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam để đồng hành cùng ngành du lịch địa phương.

Ngoài việc là 1 trong 3 doanh nghiệp của Quảng Nam thực hiện tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN và đã có chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam, Silk Sense Hội An River Resort đã xây dựng được Bộ tiêu chí khách sạn không rác thải nhựa lên đến 60 tiêu chí.

Bà Hà Thị Diệu Viên - Quản lý dự án phát triển bền vững của Silk Sense Hội An River Resort cho hay, để làm được điều này đơn vị đã tham khảo các tài liệu trong Bộ tiêu chí du lịch xanh tỉnh Quảng Nam, thông tin hướng dẫn của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thông tin hướng dẫn của tổ chức SSTP, các tài liệu trên trang web và Travelife Gold Checklist của tổ chức Travelife.

Việc tiếp cận các chứng chỉ xanh là chìa khóa mở ra cơ hội định vị thương hiệu, giúp doanh nghiệp thu hút và gìn giữ lòng trung thành của khách hàng quan tâm đến sứ mệnh bảo vệ môi trường.

Lựa chọn chứng nhận phù hợp

Theo thống kê, hiện có tới 150 chứng nhận du lịch bền vững ở cấp độ quốc gia, khu vực và trên toàn cầu. Theo Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP), các chứng nhận này dựa trên tiêu chí cấp cao, điều mà chỉ có một số doanh nghiệp du lịch lớn ở Việt Nam có thể đạt được, trong khi phần lớn doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam ở quy mô vừa và nhỏ.

Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam đã được thiết kế phù hợp và bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực cho đơn vị được cấp chứng nhận nhưng cần tiếp tục được hoàn thiện.

Bà Hoàng Quế Nga - chuyên gia du lịch của SSTP đề xuất, cơ quan liên quan cần xây dựng bản đồ doanh nghiệp du lịch xanh Quảng Nam cho du khách, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức du lịch bền vững quốc tế để các doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận địa phương có thể tiếp cận chứng nhận ở cấp độ quốc tế.

Theo Dự án du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững (ST4SD), việc phối hợp xây dựng chứng chỉ xanh sẽ tiếp tục diễn ra trong hợp phần 3 của Dự án phát triển sản phẩm sáng tạo và điểm đến bền vững tại Quảng Nam. Trong đó, năm 2024 sẽ phát triển bộ hướng dẫn về tiêu chuẩn du lịch xanh/du lịch bền vững phù hợp với các bên tham gia.

Giai đoạn 2025 - 2026 sẽ đào tạo cho các công ty du lịch tiêu chuẩn du lịch xanh; các công ty lữ hành cũng sẽ được hỗ trợ để tuân thủ các tiêu chuẩn du lịch xanh, bền vững mới và được kiểm toán, chứng nhận.

Bà Trang Nguyễn - chuyên gia tư vấn cấp cao Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) khuyến nghị, việc tiếp cận các chứng nhận xanh là rất hữu ích nhưng cần xem xét ở góc độ các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam chủ yếu chỉ có quy mô vừa và nhỏ.

“Không phải giải pháp chứng nhận nào cũng phù hợp với mọi đơn vị hay doanh nghiệp. Nhất là với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, việc đầu tư chứng nhận cần cân nhắc xem có phù hợp với nguồn lực, cần định vị thị trường cũng như tệp khách hàng có quan tâm đến chứng nhận đó hay không. Các nhãn chứng nhận xanh hiện tại chủ yếu hướng đến khách đoàn lớn và thị trường quốc tế” - bà Trang nói.

Còn theo đại diện Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và quản lý điểm đến Uotbox, đừng quá áp lực về việc phát triển chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam theo hướng một nhãn chứng nhận mà cố gắng phát triển nó trở thành một chương trình, xu thế thì lợi ích thu được cho ngành du lịch sẽ lan tỏa rộng rãi và bền vững hơn.

Quốc Tuấn

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Ngày 19/01/2024