Kon Tum: Kon Rẫy với công tác bảo tồn, xây dựng nhà rông truyền thống

Cập nhật: 23/01/2024
Với nhiều nỗ lực, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, hiện là “điểm sáng” trong công tác bảo tồn nhà rông truyền thống với 100% nhà rông trên địa bàn được làm hoàn toàn bằng nguyên vật liệu tự nhiên.

Về xã Đăk Tơ Lung trong những ngày giáp Tết, chúng tôi nghe nhiều câu chuyện hay về việc đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS) bảo tồn nhà rông truyền thống tại các thôn, làng trên địa bàn.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là làng Kon Vi Vàng. Ngôi nhà rông của làng mới được sửa sang, làm mới từ cuối tháng 3/2023 hiện ra sừng sững, uy nghiêm bên dòng Đăk Kôi thơ mộng. Vì được làm hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên với tranh, nứa, tre, ván gỗ nên nhà rông mang dáng vẻ mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần tinh tế, uy nghi theo thiết kế nhà rông của đồng bào dân tộc Xơ Đăng với mái cao vút, nhìn từ xa như một lưỡi rìu dựng ngược, hướng thẳng lên trời. Mái lợp bằng tranh được đan dệt tỉ mỉ với nhiều họa tiết truyền thống “bắt mắt”.

Nhà rông thôn Kon Vi Vàng được làm từ 100% nguyên liệu tự nhiên. Ảnh: HT 

Già A Bi Ông cho biết, năm 2022, nhà rông của làng xuống cấp, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con bàn bạc việc sửa sang và làm mới nhà rông để phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng. Việc tìm nguyên vật liệu tự nhiên để làm mất khá lâu, sau gần 1 năm tìm kiếm thì mới đủ nguyên liệu để dân làng bắt tay vào sửa sang nhà rông.

Trưởng thôn A Ngõa cho biết, việc tìm nguyên liệu tự nhiên gặp rất nhiều khó khăn. Bởi thế, ban đầu bà con tính phương án sử dụng thêm một số nguyên liệu hiện đại như lợp tôn, bê tông hóa một số công đoạn. Nhưng sau khi bàn bạc, thống nhất, già làng và bà con làng Kon Vi Vàng thống nhất làm nhà rông hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên.

Ngoài góp công sức, mỗi hộ còn góp 200.000 đồng để mua thêm một số vật dụng, chi phí xe cộ, nhiên liệu trong quá trình làm”- anh A Ngõa cho biết thêm.

Ông Đinh Địa - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tơ Lung cho biết: “Làng Kon Vi Vàng là một trong những làng có truyền thống đoàn kết, “mô hình điểm” trong giữ gìn bản sắc văn hóa tại địa phương. Việc dùng nguyên liệu tự nhiên để phục dựng nhà rông truyền thống, chứng tỏ người dân ở đây có ý thức giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, từ đó lan tỏa sang các thôn làng, địa phương khác. Toàn xã Đăk Tơ Lung hiện có 8/8 thôn làng có đồng bào DTTS người Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá) sinh sống và làng nào cũng có nhà rông làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên”.

Nhà rông trở thành nơi tuyên truyền trực quan các chính sách của Đảng và Nhà nước. Ảnh: HT 

Ngoài cộng đồng người Xơ Đăng, nhiều cộng đồng đồng bào DTTS tại chỗ khác trên địa bàn huyện Kon Rẫy cũng tích cực trong việc bảo tồn, xây dựng nhà rông truyền thống bằng nguyên liệu tự nhiên. Tiêu biểu có thể kể đến một số cộng đồng như người Xơ Đăng (nhánh Ca Dong) tại thị trấn Đăk Rve, người Ba Na (nhánh Jơ Lơng) tại xã Tân Lập, Đăk Ruồng, Đăk Pne, Đăk Tờ Re...

Chị Y Hơn - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2 (xã Đăk Pne) cho biết: “Trong năm 2023, thôn 2 được huyện Kon Rẫy hỗ trợ một phần kinh phí để sửa chữa nhà rông. Chúng tôi vận động người dân đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để cùng với chính quyền địa phương sửa chữa nhà rông bị xuống cấp bằng vật liệu tự nhiên. Nhà rông được làm mới với nguyên liệu truyền thống tranh, tre, nứa, mây sẽ giúp tôn vinh thêm những nét đẹp văn hóa truyền thống, là nguồn cảm hứng để các hoạt động lễ hội của dân tộc Ba Na thêm sôi động, hấp dẫn”.

Trong giai đoạn 2021- 2025, để bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn, huyện Kon Rẫy đã bố trí, lồng ghép từ nhiều nguồn lực để hỗ trợ, thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền vận động đồng bào DTTS ủng hộ. Đến nay, tất cả các thôn làng DTTS trên địa bàn huyện Kon Rẫy đều có nhà rông để sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tổ chức các nghi lễ truyền thống. Toàn huyện hiện có 36 nhà rông và một số nhà sinh hoạt chung (nhà dài) của cộng đồng các dân tộc được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên mang đậm bản sắc truyền thống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa nhà rông truyền thống trên địa bàn huyện Kon Rẫy vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức, đặc biệt là việc phát triển, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu truyền thống. Bên cạnh đó là “nguy cơ” lớp người già, nghệ nhân biết dựng, am hiểu về nhà rông dần mất đi, nhưng lớp trẻ thì ít người mặn mà với những công việc khó nhọc ấy. Vì vậy, về lâu dài rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền và các ngành chức năng của địa phương để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong phát triển nguồn nguyên liệu tự nhiên bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động, khơi dậy trong thế hệ trẻ tình yêu với văn hóa truyền thống, văn hóa nhà rông để thế hệ trẻ góp phần giữ gìn và phát triển bền vững những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, trong đó có văn hóa nhà rông.           

Hoàng Thanh

Nguồn: Báo Kon Tum - baokontum.com.vn - Đăng ngày 20/01/2024