Định vị thương hiệu cho du lịch Kon Tum

Cập nhật: 31/01/2024
Tỉnh Kon Tum có 2 điểm đến nằm trong “Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2023” mới đây là niềm vui, niềm tự hào không chỉ của các cấp, các ngành mà còn của mỗi một người dân Kon Tum trong hành trình giới thiệu, quảng bá điểm đến của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước.

Từ hơn 200 đề cử và 15.000 lượt bình chọn, Chương trình “Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2023” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức đã tìm ra 35 điểm đến, trải nghiệm du lịch ấn tượng nhất, trong đó, tỉnh Kon Tum có 2 điểm đến, trải nghiệm ấn tượng. Đó là nhà thờ gỗ Kon Tum (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) được bình chọn là 1 trong 7 công trình kiến trúc độc đáo và làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) được bình chọn là 1 trong 7  điểm du lịch sinh thái năm 2023.

Cùng với một số món ăn đặc sản, quà tặng khác đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam, Tổ chức kỷ lục châu Á vinh danh như: gà nướng Kon Plông, thịt bò nướng kiến vàng, sâm Ngọc Linh Kon Tum, gỏi lá, thịt hun khói Bazana, hồng đẳng sâm, bánh tráng cá cơm lòng hồ Ya Ly… thì  không ngoa khi nói rằng, chính những điểm đến, chính những món ăn đặc sản, quà tặng được bình chọn, được vinh danh này đã, đang và sẽ trở thành điểm chỉ dẫn, góp phần định vị thương hiệu cho du lịch Kon Tum.

Du khách bày tỏ sự ấn tượng khi đến thăm nhà thờ gỗ. Ảnh: NP

Vui là vậy, nhưng làm sao khai thác, phát huy được dấu ấn, tiềm năng, lợi thế của các điểm đến, các món ăn đặc sản này để quảng bá, thu hút du khách đến với Kon Tum lại là chuyện khác.

Bất kỳ một điểm đến nào, cùng với các yếu tố có thể làm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch như khí hậu, dịch vụ lưu trú, phong cảnh…, thì các yếu tố khác như có các điểm đến ấn tượng, có các món ăn ngon, có liên kết, xâu chuỗi giữa các điểm đến... sẽ góp phần gia tăng đáng kể giá trị cho chuyến đi cũng như tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về điểm đến đó.

Sẽ là một thiếu sót lớn trong hành trình du lịch khám phá mà không đến được một điểm đến nổi tiếng, một công trình kiến trúc ấn tượng, một món ăn, thức uống mang dấu ấn riêng nơi vùng đất mình đã đi qua. Nên, không có gì là lạ khi nhiều đoàn khách từ xa đến Kon Tum nhất định phải đến thăm nhà thờ gỗ Kon Tum – công trình kiến trúc hơn 100 năm tuổi được làm bằng gỗ, trần và tường được xây bằng đất trộn rơm, lưu giữ sự độc đáo, thiết kế hòa quyện giữa kiến trúc Roman với kiến trúc nhà sàn, mang đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng của người Ba Na. Với sự nỗ lực bảo quản, lưu giữ, nhà thờ gỗ vẹn nguyên vẻ đẹp, trường tồn với thời gian. Du khách khi đến đây như được đắm mình trong không gian và sự tài hoa của những người thợ từ hơn 100 năm trước. Không ít người còn quả quyết, nếu đến Kon Tum mà chưa tới nhà thờ gỗ thì coi như chưa đến vùng đất này.

Không có bề dày thời gian và sự độc đáo của kiến trúc như nhà thờ gỗ, làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo dù mới được triển khai xây dựng trong khoảng 4 năm nhưng lại có sự bứt phá đáng kể. Với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự quyết tâm, chung sức của cộng đồng dân làng, Vi Rơ Ngheo đã được quản lý tốt và phát triển đúng hướng, cộng với tiềm năng sẵn có, chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ai nấy đều ấn tượng bởi ngôi làng gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng. Nhìn những chậu hoa địa lan trồng dọc hàng rào, sân nhà mới cảm nhận rõ những nỗ lực níu chân du khách của làng. Nhìn đường làng ngõ xóm luôn xanh mát, sạch đẹp, những ngôi nhà sàn quây quần mang lại cảm giác thư giãn, thân thiện, du khách càng hiểu hơn sự chăm chút tỉ mỉ của người dân trong nỗ lực biến ngôi làng vốn xa xôi gian khó này thành điểm du lịch sinh thái ấn tượng của năm 2023.

Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo yên bình, thân thiện, mến khách. Ảnh: NP

Nhắc đến nhà thờ gỗ, làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo - 2 điểm đến nằm trong “Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2023” để thấy giá trị riêng biệt, độc đáo của các điểm đến trong hành trình góp sức tạo nên sức hấp dẫn của Kon Tum.

Và không chỉ riêng nhà thờ gỗ, làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, những món ăn đặc sản đã được bình chọn, mà làm sao để khai thác, phát huy được giá trị vượt trội của các điểm đến, các công trình kiến trúc, các món ăn đặc sản khác nữa đang trong quá trình nỗ lực xây dựng, hoàn thiện để tiếp tục được bình chọn, được vinh danh thành sản phẩm du lịch đặc sắc và hơn cả là định vị thương hiệu du lịch Kon Tum luôn là trăn trở không chỉ của riêng các cấp, các ngành chức năng mà cả những người Kon Tum luôn yêu mến, tự hào quê hương mình.

Chắc chắn một điều rằng không thể trông chờ “hữu xạ tự nhiên hương”, chỉ cần có tiềm năng, lợi thế thì sẽ thu hút, hấp dẫn. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế thì rất cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc định hướng, quản lý, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, trong sự liên kết, bổ trợ lẫn nhau trên nguyên tắc phát triển bền vững, trong sự đón tiếp, phục vụ, phát triển đúng hướng nhằm xây dựng, định vị hình ảnh du lịch Kon Tum đại ngàn hấp dẫn, kỳ thú.

Nguyên Phúc

Nguồn: Báo Kon Tum - baokontum.com.vn - Đăng ngày 30/01/2024