Chiều Đông muộn, chúng tôi trở lại làng gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc - làng nghề truyền thống vốn nổi tiếng cả nước, câu ca vẫn vọng trong ký ức của người dân nơi đây nhuốm vào hồn tôi: “Ai về mua vại Hương Canh, Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng”. Sau những ồn ã của phố thị, cánh cổng làng mở ra, nhỏ hẹp nhưng hun hút những khám phá nghệ thuật giữa đời thường…
Về làng gốm...
Tôi bị cuốn vào con ngõ nhỏ, ngôi nhà nhỏ với những bức tường rêu phong còn gác nhiều mảnh vỡ của chum vại, những lò nung rực hồng với mùi nồng nồng của khói… khung cảnh bảng lảng tựa như bức tranh quê những năm 50-70 của thế kỷ XX. Khi ấy, nơi đây tấp nập với những khu lò gốm Gò Chùa, Cây Đa, Bãi Miếu ở Thanh Lãng, khu Lò Cang ở Hương Canh…
Trong cuốn sách Di sản văn hóa Bình Xuyên còn ghi lại “Khi đó, Bình Xuyên là nơi tập trung buôn bán sầm uất với chợ Cánh (chợ Hương Canh), là điểm giao lưu đổi hàng hóa của khách thập phương. Cảnh phồn thịnh lúc bấy giờ còn được ghi lại bằng câu ca dao “Xứ Nam nhất chợ Bằng Gồi, xứ Bắc Vân Khám, xứ Đoài Hương Canh”.
Làng gốm Hương Canh nổi tiếng với sản phẩm gốm sành
Gốm Hương Canh đã gây được tiếng vang lớn trên thị trường gốm sứ, hàng hóa sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Làng gốm Hương Canh đã phục chế nhiều loại gạch có hoa văn trang trí, giúp cho việc tu bổ tháp Bình Sơn, huyện Sông Lô thành công. Rồi từ đó, gốm Hương Canh có thêm các sản phẩm mỹ nghệ được nhiều thị trường trên thế giới biết đến”.
Từ thời văn hóa Phùng Nguyên, người Việt cổ đã biết làm gốm bằng bàn xoay. Nhiều làng gốm đã hình thành nhưng tồn tại đến ngày nay thì chỉ có một số trung tâm như Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), Thổ Hà (Bắc Ninh), Phù Lãng (Quảng Ninh), Lái Thiêu (Bình Dương), gốm Chăm (Ninh Thuận), Hương Canh (Vĩnh Phúc)…
Làng gốm Hương Canh nổi tiếng với sản phẩm gốm sành. Chúng tôi đi qua xóm Lò Cang (nay là tổ dân phố Lò Cang) thấy một ngôi đền trầm mặc bên bóng cây đại già có ghi dòng chữ Nhà thờ tổ nghề gốm.
Chị Nguyễn Ngọc Hà, cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Xuyên đi cùng cho tôi biết: “Đền này được xây dựng từ thời Hậu Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), bên trong gian giữa được đặt tượng tổ sư nghề gốm, húy hiệu của ngài là Đỗ Quang. Tương truyền, ban đầu tượng nặn bằng đất sét, đến đầu thế kỷ XX được thay bằng gỗ mít sơn son thếp vàng như hiện nay. Có thể nói, làng gốm Hương Canh có từ thời Lê Trung Hưng theo hồ sơ di tích chùa Ma Hồng (ngôi chùa tọa lạc kế bên đền thờ tổ nghề gốm)”.
Một thời “trên bến dưới thuyền”
Lòng vòng qua các ngõ, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp lác đác ngôi nhà được đắp tường, đắp mái bằng những mảnh ngói, chum, sành vỡ… một kiểu tận dụng độc đáo của làng nghề nơi đây hay một sáng tạo nghệ thuật vừa tiết kiệm, vừa phô bày được vẻ đẹp mộc mạc của gốm. Bị cuốn hút, chúng tôi đi bộ vài cây số mà ngỡ như lạc vào một câu chuyện cổ tích được kể từ… đất.
Gia đình anh Trần Ngọc Tuyến - một trong ít số hộ còn lại giữ gìn nghề gốm truyền thống
Nghỉ ngơi sau những giờ làm mệt mỏi, bên chiếc ghế đá gần khu đền thờ tổ nghề gốm có hai cha con anh Trần Ngọc Tuyến. Chúng tôi chào hỏi và ngỏ ý vào thăm xưởng gốm nhà anh. Hai cha con vui vẻ dẫn chúng tôi vào một ngõ nhỏ hơn, vừa đi, chúng tôi vừa được chiêm ngưỡng những chiếc chum, vại cỡ lớn nhỏ… bất chợt tôi nhớ những ngày ở làng nghề Bát Tràng, Hà Nội, mỗi khi tìm mua sản phẩm là được bách bộ thưởng thức những góc cảnh nghệ thuật làm tâm hồn thổn thức, say mê; hay những ngày ở trung tâm Hà Nội, có góc phố Núi Trúc bán đồ gốm của Hương Canh… nay được thăm lại mảnh đất làng nghề, cảm giác thú vị vô cùng.
Tôi vào ngay câu chuyện: “Nghe nói mua chum vại, bình lọ ở đây khi đựng nước không bao giờ bị biến mùi”. Anh Tuyến chia sẻ như tự hào về làng nghề quê mình: “Cô nói đúng, tất cả bắt đầu từ đất, nguồn đất nơi đây không dễ nơi nào có được, có lẽ là ông trời ưu ái vùng này, cho chất đất dẻo và phải lấy ở độ sâu. Chính vì lẽ đó mà các sản phẩm đặc trưng như chum, vại đã nức tiếng gần xa; đựng rượu thì khử được aldehit và bảo quản được lâu, ngâm tương thì tương ngon, giữ được mùi thơm… Những vị khách sành, khó tính luôn tìm về đây mua sản phẩm làm từ gốm Hương Canh”.
Anh Tuyến kể lại, bản thân anh được các cụ, rồi đến cha mẹ truyền nghề lại, đã có những thời điểm anh bỏ đi làm công trình nhưng duyên theo đuổi, lại tiếc nghề quê mình… nên quay về quanh năm làm bạn với chum, vại… Đó cũng như sự tri ân cha ông đã lam lũ, chắt lọc tinh hoa nghệ thuật để lại “bảo bối” cho con cháu không bao giờ đói nghèo. Gần 3 thế kỷ qua, gốm Hương Canh đã trở thành hàng hóa, cung cấp cho khắp các miền quê của đất nước.
Anh Tuyến cũng nhớ lại một thời, khi mới được truyền nghề, trong làng, nhà nhà đều làm gốm, nghề gốm đã đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình. Hợp tác xã gốm cũng đã được hình thành…, hàng hóa sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Nhưng rồi, do biến động thị trường, nhiều sự cạnh tranh, thậm chí là ảnh hưởng của dịch bệnh… gốm Hương Canh phải đối mặt với những khó khăn, nguy cơ mai một.
Thắp hy vọng
Trong căn nhà cùng khu sản xuất chật hẹp của gia đình anh Tuyến, chúng tôi được chiêm ngưỡng hàng hàng, lớp lớp những chiếc bình, chum đang còn dở dang và đang hoàn thiện. Tôi nhớ lại lời chị Phạm Thị Thu Huyền, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Xuyên có nói với tôi trước khi tôi về làng nghề, rằng - "cũng do không có đủ diện tích đất, nhà nào nhà nấy làm nghề phải kết hợp vừa sinh hoạt, vừa sản xuất và trưng bày chứ không được phân chia riêng như ở làng nghề Bát Tràng. Để phát triển du lịch làng nghề quả là còn nhiều khó khăn".
Đầu tư, khôi phục làng nghề gốm Hương Canh để thu hút khách du lịch
Dẫn chúng tôi xem một vòng, anh Tuyến chia sẻ về đặc tính riêng của gốm Hương Canh là đồ sành nâu, không tráng men mà da gốm vẫn luôn bóng mượt, kiểu dáng đẹp, độ nung cao, xương gốm đanh cứng và các loại hình rất đa dạng như chum, vại, ấm, bình… Bí quyết là nhờ kỹ thuật điêu luyện, từ các khâu làm đất, nặn gốm, sửa ngoài, trang trí và nung. Để hoàn thành một sản phẩm, có khi mất tới gần 1 tháng, bởi gặp thời tiết xấu, đến nửa tháng mới khô, lúc đó mới có thể đốt, sau 48 tiếng mới ra thành phẩm.
Trong câu chuyện, anh Tuyến cũng cho chúng tôi biết hiện nay cả làng chỉ còn 6 hộ làm nghề gốm. Làng gốm đang mai một là nỗi trăn trở của chính người dân nơi đây… Nhưng dù vậy, anh Tuyến vẫn truyền nghề cho con cháu, để tiếp tục giữ lửa, giữ nét văn hóa quê hương. “Dù có lúc thăng trầm, tưởng chừng buông tay, nhưng tôi vẫn quyết không để nghề mất đi” - anh Tuyến nói khi chia tay chúng tôi lúc xế chiều.
Nghề gốm đã cho những người dân nơi đây một cuộc sống ấm no, biết yêu lao động, sản xuất và trân trọng, gìn giữ nét văn hóa làng quê, tinh hoa ngàn đời để lại trong từng nét vẽ, chạm khắc... tạo nên một dấu ấn nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Nghề gốm cũng là linh hồn, tinh hoa văn hóa Việt của người dân, nó trải dài qua không gian, thời gian đem đến mọi miền trong và ngoài nước văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng...
Bước chậm qua những ngôi nhà còn làm nghề ở Lò Cang, đâu đó chỉ còn chum vại vương lại phía trước những ngôi nhà đóng cửa, người người đi làm ăn xa hoặc đã chuyển nghề, tôi thấy xa xót cho một tinh hoa của làng nghề vốn nức tiếng không dễ gì sánh kịp.
Chị Nguyễn Ngọc Hà, cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Xuyên nói với tôi một tin vui: “Trong đề án phát triển du lịch huyện Bình Xuyên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, có định hướng nhiệm vụ phát triển du lịch, trong đó xây dựng làng văn hóa gốm Hương Canh giai đoạn 2020-2025. Cụ thể sẽ xây dựng trạm dừng nghỉ, bến bãi xe; khu trung tâm thương mại; hệ thống khách sạn, nhà hàng; xây dựng điểm kinh doanh, bán các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của làng nghề; lựa chọn 5 gia đình làm gốm để du khách tham quan; tham mưu cấp có thẩm quyền công nhận cho các nghệ nhân làm nghề gốm nhằm động viên các gia đình làm nghề...".
Mong rằng, trong một ngày không xa, làng gốm Hương Canh sẽ có thể sôi động trở lại…
Bài, ảnh: Thu Thủy